/ 289
356

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 141

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bổn, trang ba trăm lẻ bốn:

 

  (Sao) Vô Sanh Nhẫn thanh, nãi chí cam lộ quán đảnh, chúng diệu pháp thanh, xứng kỳ sở dục, vô bất văn giả, phát thanh tịnh tâm, thành thục chư căn, vĩnh bất thoái ư Vô Thượng Bồ Đề. Thị thủy bổn vô tình, thiện năng thuyết chư diệu pháp dã.

  (鈔) 無生忍聲,乃至甘露灌頂,眾妙法聲,稱其所欲,無不聞者,發清淨心,成熟諸根,永不退於無上菩提,是水本無情,善能說諸妙法也。

  (Sao: Tiếng Vô Sanh Nhẫn, cho đến [tiếng] cam lộ quán đảnh, các âm thanh mầu nhiệm, xứng với lòng mong muốn, không gì chẳng nghe, phát tâm thanh tịnh, thành thục các căn, vĩnh viễn chẳng thoái chuyển nơi Vô Thượng Bồ Đề. Nước ấy vốn vô tình mà có thể khéo nói các diệu pháp).

 

  Mấy loại [âm thanh] nói trong phần đầu đều là nói về [các địa vị] Tam Hiền Bồ Tát trong Biệt Giáo, từ Sơ Địa cho đến Thất Địa. Vô Sanh Nhẫn là Bồ Tát từ Bát Địa trở lên, thật sự đoạn hết Câu Sanh Ngã Chấp (Ngã Chấp bẩm sinh). Có thể thấy [đoạn trừ] Câu Sanh Ngã Chấp thật sự rất khó, đạt đến Bát Địa mới hoàn toàn đoạn hết, mới thật sự thấy hết thảy các pháp bất sanh bất diệt, đó là Vô Sanh Nhẫn, mà cũng là thật sự thấy chân tướng của hết thảy các pháp, tức là tướng chân thật của hết thảy các pháp. “Cam lộ quán đảnh” là Đẳng Giác Bồ Tát, mà cũng là âm thanh [thuyết pháp dành cho hàng] Đẳng Giác. Khi Đẳng Giác Bồ Tát sắp thành Phật, mười phương chư Phật dùng nước trí huệ rưới lên đỉnh đầu vị ấy, chứng minh cho Ngài, chứng thực Ngài thành Phật. Trên đây là nước thuyết pháp, thuyết pháp gì? Có thể nói từ Sơ Phát Tâm cho đến khi thành Phật, trong ấy có vô lượng vô biên pháp môn, kinh điển chỉ quy nạp [các pháp môn ấy] thành mấy giai đoạn. Phải hiểu chúng tượng trưng cho vô lượng vô biên pháp môn, chẳng có một pháp môn nào không nói, có thể thấy được sự nhiệm mầu của nước ấy! Câu cuối cùng là tổng kết, “chúng diệu pháp thanh” (các tiếng pháp nhiệm mầu), tổng kết những điều trước đó, thật ra là vô lượng vô biên pháp môn, chẳng có pháp nào mà nước không tuyên thuyết.

  “Xứng kỳ sở dục, vô bất văn giả” (xứng theo lòng mong muốn, không gì chẳng nghe), chữ Kỳ (其) chỉ người vãng sanh thế giới Cực Lạc. Hễ sanh vào Tây Phương Cực Lạc thế giới, đích xác là quý vị muốn nghe pháp gì, nó bèn nói pháp đó. Muốn học gì, nó bèn dạy quý vị pháp ấy. Có thể thấy thế giới ấy mới là chân thật viên mãn. Do sức đại oai thần của A Di Đà Phật gia trì, chẳng có chuyện học mà không hiểu. Quý vị không chỉ có thể học hiểu, mà còn có thể học hiểu rất nhanh chóng. “Phát tâm thanh tịnh, thành thục chư căn”, “chư căn” là những thứ căn tánh khác nhau đã nói trong phần trước, như Nhị Thừa, người, trời, Quyền Giáo Bồ Tát, rất nhiều căn tánh khác nhau. “Thành thục” là khiến cho tất cả những căn tánh khác nhau đều quy hồi một tánh chân thật thì mới có thể cùng chứng Bồ Đề, cùng thành Phật đạo. “Vĩnh bất thoái ư Vô Thượng Bồ Đề” (vĩnh viễn chẳng thoái chuyển nơi Vô Thượng Bồ Đề) là đã quy nhất, các thứ căn tánh bất đồng hễ đến Tây Phương Cực Lạc thế giới thảy đều quy nhất. Nói theo Lý thì thường là như vậy, mà nói theo Sự thì cũng là như vậy! Phật Phật đạo đồng, trí huệ và đức năng chẳng có sai biệt, nhưng Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật có chỗ khác với hết thảy chư Phật, nguyện của Ngài khác biệt! Mười phương chúng sanh vãng sanh Tây Phương thế giới, do phương pháp tu hành khác nhau, nên thành tựu quả báo cũng chẳng giống nhau. Do tới Tây Phương Cực Lạc thế giới, ai nấy đều thành Vô Thượng Bồ Đề; chính vì như thế, nên Đại Kinh mới ca ngợi A Di Đà Phật là “quang trung cực tôn, Phật trung chi vương” (quang minh tôn quý nhất, vua trong các Phật). Cũng chính vì như thế, hết thảy chư Phật đều tôn sùng A Di Đà Phật, khiến cho hết thảy chúng sanh trong mười pháp giới có tâm quy hướng. Nếu Phật chẳng tán thán, làm sao tâm chúng sanh có thể hướng về A Di Đà Phật? Do mười phương chư Phật đều giúp đỡ hết thảy chúng sanh, nên các Ngài đều tán thán A Di Đà Phật, các Ngài cũng niệm A Di Đà Phật, dẫn đầu niệm, công đức ấy thật sự chẳng thể nghĩ bàn.

  “Thủy bổn vô tình, thiện năng thuyết chư diệu pháp” (nước vốn vô tình, mà khéo có thể nói các diệu pháp), chúng sanh trong thế giới này mê mất tự tánh, nên tâm luôn phan duyên cảnh giới lục trần. Vì thế, căn tánh bế tắc, đó gọi là “vô minh phiền não”. Trong hội Lăng Nghiêm, Văn Thù Bồ Tát đã nói: Trong sáu căn của chúng sanh trong thế giới này, chỉ có Nhĩ Căn nhạy bén đôi chút. Tuy nhạy bén đôi chút, tôi thấy cũng chẳng nhạy bén cho lắm! Vì sao? Nghe đã lâu năm ngần ấy mà vẫn chưa nghe hiểu rõ ràng, có thể thấy Nhĩ Căn mạnh hơn các căn khác một chút, nhưng vấn đề vẫn rất lớn, sáu căn bế tắc! Chúng ta phải hiểu nguyên nhân là do mê mất tự tánh.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289