/ 289
490

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 142


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bổn, trang ba trăm lẻ năm:


(Sao) Bị chư công đức giả, tự tánh vô nhiễm, tức trừng tịnh đức. Tự tánh vô phiền, tức thanh lương đức. Tự tánh vô ác, tức cam mỹ đức. Tự tánh vô ngã, tức khinh nhuyễn đức. Tự tánh vô kiệt, tức nhuận trạch đức. Tự tánh vô bạo, tức an hòa đức. Tự tánh vô phạp, tức trừ cơ khát đức. Tự tánh xuất sanh nhất thiết vạn thiện, tức trưởng dưỡng đức.

(鈔) 備諸功德者,自性無染,即澄淨德;自性無煩,即清涼德;自性無惡,即甘美德;自性無我,即輕軟德:自性無竭,即潤澤德;自性無暴,即安和德;自性無乏,即除飢渴德;自性出生一切萬善,即長養德。

(Sao: “Trọn đủ các công đức”: Tự tánh vô nhiễm là phẩm đức “lắng sạch”. Tự tánh vô phiền là phẩm đức “trong mát”. Tự tánh vô ác, tức là phẩm đức ngon ngọt. Tự tánh vô ngã, tức phẩm đức mềm, nhẹ. Tự tánh chẳng cạn kiệt, tức là phẩm đức nhuận trạch. Tự tánh chẳng bạo liệt, tức là phẩm đức an hòa. Tự tánh chẳng thiếu, tức là phẩm đức trừ đói khát. Tự tánh sanh ra hết thảy vạn thiện, tức là phẩm đức trưởng dưỡng).


Đoạn văn này giải thích câu “bị chư công đức” trong lời Sớ. Trong Đàn Kinh, Lục Tổ đại sư khi khai ngộ, đã trần thuật kiến địa như Ngài đã thấy: “Nào ngờ tự tánh, vốn sẵn trọn đủ”, đó chính là ý nghĩa của đoạn kinh văn ở đây. Tám công đức đều sẵn có trong tự tánh, “bị” (備) là vốn sẵn trọn đủ. Nói thật ra, công đức trong tự tánh vô lượng vô biên, ở đây, nêu đại lược tám thứ mà thôi. Do vậy, ta có thể biết: Sáu trần thuyết pháp trong Tây Phương Cực Lạc thế giới đều nhằm khai hiển công đức trong tự tánh của chúng ta; vì vậy, thế giới ấy mới là thế giới viên mãn trang nghiêm rốt ráo.

Trong tám thứ ấy, trước hết nói đến “tự tánh vô nhiễm”. Trong bộ [chú giải] kinh này, Liên Trì đại sư đã giảng rất tỉ mỉ, tu hành tuyệt đối không phải là chúng ta niệm câu Phật hiệu này, hoặc niệm quyển kinh Di Đà này bèn có thể thành công. Người nương theo phương pháp này tu tập rất nhiều, vì sao những người đó không vãng sanh? Thường nói là “trong một vạn người niệm Phật, chỉ có mấy người vãng sanh”, vì sao không phải là ai nấy đều vãng sanh? Nguyên nhân là do họ chẳng hiểu rõ giáo lý. Nói cách khác, “miệng có, tâm không”. Niệm tám công đức ấy, niệm tám công đức chẳng sai lầm, nhưng công đức trong nội tâm của chính mình chẳng hiển lộ, chẳng tương ứng với tám thứ công đức ấy. Vì vậy, khi niệm thì phải tương ứng. Cổ đức thường nói: “Một niệm tương ứng một niệm Phật”, một niệm ấy của quý vị chẳng tương ứng thì chẳng phải là Phật, mà cũng chẳng thể vãng sanh! Do vậy, niệm phải tương ứng. Niệm một câu “nước tám công đức” bèn tương ứng với tám đức trong tự tánh thì mới hữu dụng! Do vậy, kinh là một tấm gương, đọc kinh là soi gương, dùng kinh đối chiếu với tâm hạnh của bản thân chúng ta, mang ý nghĩa ấy! Cách nghĩ và cách nhìn của chúng ta giống hệt như kinh đã dạy thì gọi là “tương ứng”. Cách nghĩ và cách làm của chúng ta chẳng giống như kinh đã dạy bèn là chẳng tương ứng. Chẳng tương ứng thì dù có niệm nhiều cách mấy vẫn uổng công, cổ nhân bảo: “Gào toạc cổ họng vẫn uổng công”!

Do điều này, có thể biết tương ứng là trọng yếu! Tương ứng là chuyển biến cảnh giới của chính mình. Muốn chuyển biến cảnh giới của chính mình, đương nhiên, trước hết là phải biết chính mình đã lầm lỗi. Kẻ chẳng chịu nhận lỗi thì hạng người như thế chắc chắn chẳng thể thành tựu, Phật cũng chẳng thể giúp kẻ ấy được! Người nào thành tựu nhanh nhất? Người nào thành tựu thù thắng nhất? Người mạnh mẽ nhận lỗi. Vì thế, nói đến tín tâm thì cơ bản nhất là nói tới hai chuyện:

- Thứ nhất, phải tin tưởng sâu xa chính mình tội nghiệp sâu nặng. Từ vô thỉ cho đến đời này, mỗi ngày đều tạo tội nghiệp, tội nghiệp sâu nặng! Quý vị thừa nhận điều này thì mới có thể sửa lỗi.

- Thứ hai, phải tin tưởng nguyện lực, trí huệ, và công đức của A Di Đà Phật chẳng thể nghĩ bàn, Ngài quyết định có thể cứu bạt chúng ta. Tin tưởng Phật lực có thể giúp đỡ chúng ta. Người như vậy thì mới có thể vãng sanh, người như vậy thì tự tánh mới có thể hiển lộ.

Tám câu ấy rất trọng yếu, chớ nên coi nhẹ lướt qua, [tám câu ấy] đều nói về tự tánh. Tự tánh vốn chẳng bị nhiễm ô, hiện thời có bị nhiễm ô hay không? Hiện thời vẫn chẳng bị nhiễm ô! Nếu tự tánh bị nhiễm ô, sẽ chẳng thể gọi là “chân tánh”. Trong kinh Phật thường nói tới nhiễm ô, sự nhiễm ô ấy “chẳng nhiễm mà nhiễm”, thứ gì bị nhiễm? Mê! Mê nên bèn nhiễm. Giác bèn khai ngộ, giác là phá mê! Phá mê, quý vị bèn kiến tánh. Khi quý vị mê bèn chẳng kiến tánh; do đó, hoàn toàn chẳng biết tới trí huệ và đức năng trong tánh. Khi mê, Tánh Đức bị chuyển biến thành phiền não. Nghiệp chướng là gì? Phiền não là nghiệp chướng, phiền não là chướng ngại. Nay chỉ cần quý vị có phiền não, chắc chắn là mê; đã giác ngộ bèn chuyển phiền não thành Tánh Đức. Bồ Đề là Tánh Đức, nói thật ra, Tánh Đức chẳng biến đổi, mà là mê hay ngộ. Do mê hay ngộ bèn khởi tác dụng khác nhau; khi ngộ, phiền não là Bồ Đề, trọn đủ vô lượng vô biên đức dụng. Khi mê, Bồ Đề biến thành phiền não, nếu tạo tội nghiệp nhiều thì phải thọ báo, tạo tác lục đạo luân hồi. Mê và ngộ có mối quan hệ to tát dường ấy!

/ 289