/ 289
737

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 140


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bổn, trang ba trăm lẻ ba:

(Sao) Thuyết pháp giả, Đại Bổn vân: “Vi lan hồi lưu, chuyển tương quán chú, bất trì, bất tật, an tường từ thệ, ba dương vô lượng tự nhiên diệu thanh, hoặc văn Phật thanh, hoặc văn Pháp thanh, hoặc văn Tăng thanh, tịch tĩnh thanh, Không Vô Ngã thanh, đại từ bi thanh, Ba La Mật thanh, Thập Lực, Vô Úy, Bất Cộng pháp thanh”.

(鈔) 說法者,大本云:微瀾洄流,轉相灌注,不遲不疾,安詳徐逝,波揚無量自然妙聲,或聞佛聲,或聞法聲,或聞僧聲,寂靜聲,空無我聲,大慈悲聲,波羅密聲,十力無畏不共法聲。

(Sao: “Thuyết pháp”, Đại Bổn nói: “Sóng nhẹ vờn quanh, lần lượt tưới rót lẫn nhau, chẳng chậm, chẳng nhanh, an tường thong thả lan tỏa. Tiếng sóng vỗ phát ra vô lượng âm thanh mầu nhiệm tự nhiên, hoặc nghe tiếng Phật, hoặc nghe tiếng Pháp, hoặc nghe tiếng Tăng, tiếng tịch tĩnh, tiếng Không Vô Ngã, tiếng đại từ bi, tiếng Ba La Mật, tiếng Thập Lực, Vô Úy, Bất Cộng Pháp”).


Đoạn này nói rõ nước trong thế giới Cực Lạc có thể thuyết pháp. Trước hết, Liên Trì đại sư dẫn kinh văn trong kinh Vô Lượng Thọ để giải thích, dùng kinh này để giải thích kinh khác là một phương pháp rất tuyệt diệu. Mấy câu đầu tiên rất dễ hiểu, chúng tôi muốn đề cập những điều được nói phía sau như “Tam Bảo thanh”. Phật, Pháp, Tăng là “Tam Bảo thanh”. Trong hết thảy các kinh, Tịnh Độ Tam Kinh được đặc biệt lưu thông rộng nhất, thù thắng nhất, vừa mở đầu liền nói tới niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Không chỉ âm thanh của nước là âm thanh niệm Tam Bảo, mà cho đến [âm thanh của] sáu loài chim thuyết pháp cũng đều xếp Tam Bảo vào hàng đầu. Vì vậy, có thể biết tầm quan trọng của tiếng Tam Bảo.

Tam Bảo là gì? Nhất định phải hiểu rõ. Ở đây nói đến niệm Phật, chúng ta bèn nghĩ đến tượng Phật, [nghe nói] niệm Pháp bèn nghĩ đến kinh điển, [nghe nói] niệm Tăng bèn nghĩ đến người xuất gia. Cách nghĩ ấy đã sai mất rồi, chẳng phải là nói theo kiểu đó! Nếu có ý nghĩ như vậy, hoàn toàn là chấp tướng. Mỗi vị Bồ Tát trong Tây Phương Cực Lạc thế giới đều nhập Không, Vô Tướng, Vô Nguyện tam-muội, lẽ đâu còn chấp tướng? Tam Bảo ở đây có cùng một ý nghĩa với Tam Bảo trong truyền thọ Tam Quy Y, tức là nói đến Tự Tánh Tam Bảo. Như vậy thì mới có thể khởi tác dụng. Tự Tánh Tam Bảo đã hiển lộ, thưa cùng quý vị, bèn gọi là Bồ Tát. Nếu viên mãn, bèn gọi là “thành Phật”. Nói đơn giản, Phật và chúng sanh sai khác ở chỗ: Một đằng là Tự Tánh Tam Bảo hiển lộ, một đằng là Tự Tánh Tam Bảo bị ẩn tàng trong vô minh, chẳng hiển lộ, nên gọi là phàm phu.

Tự Tánh Phật Bảo là “giác chứ không mê”, sáu căn của chúng ta tiếp xúc cảnh giới sáu trần, niệm niệm giác, đối với hết thảy các pháp chẳng mê hoặc. Tự Tánh Pháp Bảo là “nhập Phật tri kiến” như kinh Pháp Hoa đã nói, là Phật tri, Phật kiến. Nói đơn giản là tư tưởng và kiến giải chính xác; đó là Pháp Bảo. Rốt cuộc, tiêu chuẩn của chính xác là gì? Là tự tánh. Hễ tương ứng với tự tánh thì là chính xác, chẳng tương ứng với tự tánh thì là sai lầm. Đây là tiêu chuẩn tuyệt đối. Tự Tánh Tăng Bảo là thanh tịnh, sáu căn thanh tịnh, chẳng nhiễm mảy trần. Mọi người phải ghi nhớ một điều khẩn yếu: Giác, Chánh, Tịnh là một, tuy một mà ba, tuy ba mà một. Có những kẻ cảm thấy ta đã giác, nhưng tâm vẫn chưa thanh tịnh, chẳng thanh tịnh thì giác khởi từ đâu? Chẳng thanh tịnh, chẳng giác! Người đã giác, tâm nhất định thanh tịnh, chẳng thể dấy lên một vọng niệm. Hễ trong tâm vẫn còn dấy lên một vọng niệm, cái tâm ấy chẳng thanh tịnh. Chẳng thanh tịnh là chẳng giác, là tà tri tà kiến. Do đó, tâm người giác ngộ nhất định thanh tịnh, người tâm thanh tịnh nhất định giác ngộ.

Còn có một điều chúng ta cần biết, tu học Phật pháp chính là ba đại cương lãnh sau đây: Tu Giác, tu Chánh, tu Tịnh. Do ba cương lãnh ấy “tuy một mà ba, tuy ba mà một”, nên quý vị chẳng cần tu hết cả ba điều Giác, Chánh, Tịnh, hoặc là đối với ba điều, ta tu điều này rồi lại tu điều kia, cũng chẳng cần phải chuốc lấy rắc rối như thế! Vì sao? Tu được một chuyện, [cả ba điều] thảy đều tu được! Vì vậy, đối với ba cương lãnh Giác, Chánh, Tịnh, quý vị chỉ cần tu một điều là được rồi. Không chỉ Thích Ca Mâu Ni Phật dạy chúng ta như vậy, mà mười phương ba đời hết thảy chư Phật đều giáo hóa chúng sanh theo cách này.

Sau khi đức Phật diệt độ, Phật pháp cũng chia thành từng khoa, thường gọi là “phân khoa, phán giáo”, tức là có mười tông phái Đại Tiểu Thừa. Tạm thời, chúng ta chẳng bàn đến Tiểu Thừa, trong Đại Thừa có tám tông phái, lại có cái gọi là Tông Môn Giáo Hạ. “Tông Môn” chuyên chỉ Thiền Tông, vì phương pháp tu hành của Thiền Tông khác Giáo Hạ. Thiền Tông là “chẳng lập văn tự, chỉ thẳng tâm người”. Trong Phật môn, điều này được gọi là Đốn Giáo. “Chẳng lập văn tự” là chẳng cần kinh điển, chẳng cần tới sách giáo khoa. Theo cách này, họ tu gì? Họ quy y Phật, đi theo môn này, tức là Giác môn. Giác môn rất cao! Chẳng giác bèn vĩnh viễn là mê, đã mê lại càng mê hơn, chuyện này rất phiền toái. Tuyệt đối chẳng phải là ai tu pháp môn này cũng đều có thể giác chứ không mê! Chúng ta thường nói “đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh”, hiện thời mấy ai có thể minh tâm kiến tánh?

/ 289