/ 289
468

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 137


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bổn, trang hai trăm chín mươi bảy:


(Sao) Đạo tràng thụ, tức Bồ Đề thụ. Như Thích Ca Phật, diệc tọa thụ hạ nhi thành Chánh Giác, thị dã. Thập lục ức do-tuần giả, Vương thị Đại Bổn vân: “Nhất thiên lục bách do-tuần”. Phù hàng thụ thượng cập bát thiên, Phật thụ hà đắc phản liệt? Kim sở dẫn Bảo Tích bổn dã, tức hàng thụ nhiếp giả, dĩ đạo tràng thụ diệc phục căn, hành, chi, diệp, hoa, quả, hàng hàng tương thứ, cố hàng thụ túc dĩ nhiếp chi dã.

(鈔) 道場樹,即菩提樹。如釋迦佛,亦坐樹下而成正覺,是也。十六億由旬者,王氏大本云:一千六百由旬。夫行樹尚及八千,佛樹何得反劣。今所引,寶積本也。即行樹攝者,以道場樹,亦復根莖枝葉華果,行行相次,故行樹足以攝之也。

(Sao: “Đạo tràng thụ” chính là cây Bồ Đề. Như Phật Thích Ca cũng ngồi dưới gốc cây mà thành Chánh Giác, cây ấy chính là [“đạo tràng thụ”]. “Mười sáu ức do-tuần”: Kinh Đại Bổn [bản hội tập] của ông Vương chép là “một ngàn sáu trăm do-tuần”; nhưng các hàng cây [thông thường] đã cao đến tám ngàn [do-tuần], cây của Phật há lại ngược ngạo thấp hơn ư? Nay tôi trích dẫn câu này từ trong kinh Bảo Tích, tức là [cây đạo tràng] được nhiếp trong phần kinh văn nói về các hàng cây. Bởi lẽ, cây đạo tràng cũng là cội, thân, cành, lá, hoa, quả, mỗi hàng đều tương xứng. Vì thế, nói đến hàng cây là đủ để bao gồm).


Đoạn này nhằm là giải thích chữ “đạo tràng thụ” được nhắc đến trong lời Sớ. Chúng ta cũng vừa mới xem đoạn này trong kinh Vô Lượng Thọ, hợp hai kinh lại để xem, càng có thể hiểu cảnh giới này rõ ràng hơn. Trong bản chú giải của cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đã nói rất rõ ràng, thế giới Tây Phương là một thế giới xứng tánh chân thật. Không chỉ là Phật, Bồ Tát chẳng thể nghĩ bàn, mà trong thế giới ấy, không thứ gì có thể nghĩ bàn được! Xác thực là một thế giới chẳng thể nghĩ bàn, tuyệt đối chẳng thể dùng tâm lý phàm phu để dò đoán, suy lường, dẫu có suy lường, vẫn chẳng thấu hiểu được! Vì cõi ấy là cõi Pháp Tánh, là tướng được hiện bởi Chân Như bổn tánh, chẳng giống thế giới này của chúng ta. Thế giới bên này (cõi Sa Bà) từa tựa như thế giới của mười phương chư Phật, hình tướng của mọi vật bên này là Tướng Phần của A Lại Da, còn thế giới bên kia là Tướng Phần của Chân Như bổn tánh. Nói cách khác, năng biến chẳng giống nhau, nên cảnh giới được biến hiện đương nhiên khác nhau!

Trong kinh [Đại Bổn], mỗi bản [dịch hoặc hội tập] nói cây cối có độ cao khác nhau, chúng ta chẳng cần chấp trước, chỉ hiểu là cây ấy vô cùng cao lớn là được rồi, đừng nên chấp trước con số nhất định là bao nhiêu do-tuần, [nếu chấp như vậy] chúng ta sẽ bị chết cứng trong từng hàng chữ. Đức Phật dạy chúng ta “y nghĩa, bất y ngữ”, chúng ta hiểu rõ ý nghĩa này. Những văn tự dùng để ghi chép ngôn ngữ chẳng quan trọng, những chỗ giống như thế này chẳng có ảnh hưởng to tát cho lắm!

Trong đoạn này, Liên Trì đại sư đã nói, cây đạo tràng chính là cây Bồ Đề. Cây Bồ Đề trong thế giới của chúng ta là cây Tất Bát La (Pippala, Peepal) của Ấn Độ, vì Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện thành Phật dưới cội cây ấy, nên chúng ta gọi nó là “Bồ Đề thụ” (Bodhivrksa). Ngài thành Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề dưới cội cây này, nên cây ấy được gọi là “Bồ Đề thụ”. Mười phương chư Phật thị hiện thành Phật không nhất định đều ngồi dưới cội Tất Bát La, các Ngài ngồi dưới cây nào, chúng ta bèn gọi cây ấy là “Bồ Đề thụ”. Vì thế, chủng loại của Bồ Đề thụ cũng rất nhiều, mỗi thế giới không nhất định giống nhau. Bồ Đề thụ trong Tây Phương Cực Lạc thế giới là bảo thụ.

Cây cao mười sáu ức do-tuần, điều này được nói trong kinh Đại Bổn. Tổ lại dẫn “Vương Thị Đại Bổn”, tức là bản hội tập của cư sĩ Vương Long Thư, bản ấy chép “một ngàn sáu trăm do-tuần”. Một ngàn sáu trăm kém hơn mười sáu ức quá nhiều! Đương nhiên, cư sĩ Long Thư hội tập [như vậy] cũng là có căn cứ, ông ta đã dựa trên bốn bản dịch gốc để hội tập, nhưng chưa xem bản kinh Đại Bảo Tích được dịch vào đời Đường. Hiện thời, chúng ta đã in ra bộ Ngũ Kinh Độc Bổn, trong bộ sách ấy, năm bản dịch gốc, bốn bản hội tập và tiết bổn đều được thâu thập toàn bộ. Vậy là kinh Vô Lượng Thọ có tất cả chín phiên bản, mọi người đều được đọc toàn bộ trong quyển sách ấy. Đúng là người trong thời đại này của chúng ta có phước báo vô cùng to tát! Các vị tổ sư đại đức từ xưa đến nay đều chẳng có cách nào đọc hoàn toàn một bản kinh tề chỉnh, hoàn bị như vậy. Ông Vương Long Thư hãy còn có một bản dịch chưa được đọc. Nếu được thấy, nhất định là ông ta sẽ dựa trên năm phiên bản để hội tập, chẳng căn cứ trên bốn bản. Sau khi bản này in ra, hy vọng có thể lưu thông với một số lượng lớn, sẽ giúp tạo dựng tín tâm đối với Tịnh Độ. Pháp môn này là pháp khó tin, chỉ cần tín tâm được kiến lập, tôi nghĩ [người có tín tâm ấy] sẽ có thành tựu, đấy là công đức lợi ích vô lượng vô biên.

/ 289