/ 289
456

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 138


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bổn, trang hai trăm chín mươi chín.


(Sao) Hựu Tịnh Danh Phật Đạo Phẩm vân: “Vô lậu pháp lâm thụ, giác ý tịnh diệu hoa, giải thoát trí huệ quả, giai căn bổn ư tâm địa, nhi phát sanh vô tận giả dã”.

(鈔)又淨名佛道品云:無漏法林樹,覺意淨妙華,解脫智慧果,皆根本於心地,而發生無盡者也。

(Sao: Lại nữa, phẩm Phật Đạo trong kinh Tịnh Danh Phật có nói: “Rừng cây pháp vô lậu, hoa giác ý tịnh diệu, quả trí huệ giải thoát, đều có căn bản nơi tâm địa, phát sanh vô tận”).


Đây là đại sư trích dẫn mấy câu kinh văn trong kinh Duy Ma Cật nhằm giải thích thâm ý của đoạn này. Đối với các cây báu, lan can, lưới mành trong thế giới Cực Lạc, từ kinh Vô Lượng Thọ và Quán Kinh, cho đến trong nhiều kinh điển nói về cảnh giới Tây Phương, đức Phật luôn dạy chúng ta: Hết thảy chúng sanh đã sanh về thế giới Tây Phương, hễ trông thấy, hoặc ngửi mùi, hoặc nếm hương vị của quả, hạt, đều có thể khiến cho sáu căn của chúng ta thanh tịnh, đấy cũng chính là minh tâm kiến tánh như nhà Thiền đã nói, đều có thể đạt tới mục tiêu như vậy. Do thế giới Tây Phương là pháp giới xứng tánh, toàn thể đều do Di Đà Tánh Đức lưu lộ, đoạn kinh này của kinh Tịnh Danh cũng chẳng ra ngoài lệ đó.

“Vô lậu pháp lâm thụ”, “vô lậu” là xứng tánh. Chỉ riêng Tánh Đức mới là vô lậu chân thật. “Thụ” (樹) có hai ý nghĩa:

- Một ý nghĩa là bao trùm, đặc biệt lúc tiết Hè mặt trời rất chói chang, ai nấy đều thích ngồi hóng mát dưới bóng cây. Đó là một dụng ý. Trong sự biểu thị pháp, trí huệ đức năng của Như Lai có thể che rợp hết thảy chúng sanh.

- Ý nghĩa thứ hai là thanh lương (mát mẻ), đặc biệt là cây báu.

“Giác ý tịnh diệu hoa”: Trong Phật pháp, “hoa” tượng trưng nhân hạnh, Cây cối luôn đơm hoa trước, kết quả sau. Vì vậy, hoa tượng trưng cho sự tu nhân của Bồ Tát. Sáu trần trong thế giới Tây Phương đều thuyết pháp. Trên thực tế, thế giới này của chúng ta có khi nào chẳng phải là sáu trần thuyết pháp! Bất quá, bọn chúng sanh chúng ta đang thuộc địa vị mê muội, nên sáu trần thuyết pháp, chúng ta chẳng dễ gì cảm nhận, nhưng trong thế giới Tây Phương, cảm nhận đặc biệt dễ dàng. Người bên ấy phiền não nhẹ, trí huệ mạnh mẽ. Trong thế gian này của chúng ta, chúng ta trông thấy các thứ trần thiết, cúng dường trong tự viện, giảng đường, bèn biết chúng nhằm biểu thị pháp. Sau khi rời khỏi giảng đường, chúng ta quên sạch các ý nghĩa biểu thị pháp, đó là sai lầm. Vì vậy, đạo nghiệp của chúng ta rất dễ thoái chuyển. Rời khỏi giảng đường, rời khỏi tự viện bèn chẳng còn Phật pháp nữa, quên sạch sành sanh! Như vậy thì phải làm sao để sau khi rời khỏi tự viện, giảng đường, vẫn có thể gìn giữ, công phu của quý vị sẽ miên mật không ngừng, đó là cảnh giới vô cùng tốt đẹp!

Thí dụ như trong Phật đường cúng dường hoa, hoa biểu thị Lục Độ nơi nhân hạnh. Bất cứ chỗ nào, chúng ta trông thấy hoa phải nghĩ đến ý nghĩa này, công phu sẽ chẳng gián đoạn. Quý vị thấy hoa ngoài đồng, thậm chí các thứ hoa giả được lưu hành trong hiện thời, hoa vải, hoa vẽ, hoa thêu hoặc in trên quần áo, chỉ cần thấy hoa bèn nghĩ tới Lục Độ vạn hạnh, há chẳng phải là thế gian này cũng là sáu trần thuyết pháp giống y hệt ư? Hễ trông thấy trái hạt, bèn thật sự nghĩ tới Bồ Đề Niết Bàn, nghĩ chúng ta trong tương lai vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Vãng sanh là quả báo, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới là quả báo vô cùng thù thắng. Nhất định phải hiểu ý nghĩa này!

Đối với chữ “giác ý” trong đoạn kinh văn này, cổ đức giải thích là Thất Giác Chi và Tứ Như Ý Túc trong ba mươi bảy đạo phẩm. Tứ Như Ý Túc chẳng dễ giảng, mà có giảng thì cũng chẳng dễ hiểu cho lắm. Trong quá khứ, tôi đã dùng ngôn từ thô thiển, thông tục hơn đôi chút để giải thích, tôi giải thích nó là “tri túc thường lạc” (biết đủ, thường vui) cho mọi người dễ hiểu. Dục Như Ý Túc là đối với dục vọng phải biết vừa đủ, biết vừa đủ thì mới có thể đạt được thường lạc, tâm an, lý đắc. Định là tâm an, nếu tâm đã thật sự thanh tịnh thì tâm bèn an, hết thảy chuyện thế gian và xuất thế gian quý vị đều hiểu rõ thông đạt, đó là Niệm Như Ý Túc.

“Giải thoát trí huệ quả”: Câu này nói đến Giải Thoát Đức và Bát Nhã Đức, nói tới hai thứ ấy. Do vậy ta biết, những thứ tinh hoa được nói trong Phật pháp đều lưu lộ từ tâm địa của chính mình, “giai căn bản ư tâm địa” (đều có căn bản là tâm địa), đều lưu xuất từ tâm thanh tịnh của chính mình, “nhi phát sanh vô tận giả dã” (phát sanh vô tận). Pháp thế gian và xuất thế gian, y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới đều lưu xuất từ nơi đây. Nếu lưu xuất từ chân tâm, từ tâm thanh tịnh, đó chính là cõi nước Cực Lạc, là y báo và chánh báo trang nghiêm của Phật và đại Bồ Tát. Nếu lưu xuất từ nhiễm tâm, sẽ giống như thế giới Sa Bà của chúng ta, là nhiễm tịnh đồng cư. Sự thật này đã được giảng rất rõ ràng, rất tỉ mỉ trong kinh Hoa Nghiêm. Đoạn tiếp theo là phần tổng kết của Liên Trì đại sư, cũng là lời cảm thán thật sâu!

/ 289