/ 289
568

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 135


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bổn, trang hai trăm chín mươi ba:


Nhị, biệt thị trang nghiêm.

二別示莊嚴。

(Hai, nêu bày riêng biệt từng sự trang nghiêm).


Đây là đoạn kinh văn thứ hai, Biệt Thị Trang Nghiêm. Đoạn văn lớn này được chia thành bốn tiểu đoạn, khoa đề (tiểu đề) của bốn tiểu đoạn được nêu ra như dưới đây. Sau đây là tiểu đoạn thứ nhất trong bốn tiểu đoạn.


 Sơ lan võng, hàng thụ.

初,欄網行樹。

(Đầu tiên là lan can, lưới, hàng cây).


Chúng ta đọc kinh văn:


(Kinh) Hựu Xá Lợi Phất. Cực Lạc quốc độ, thất trùng lan thuẫn, thất trùng la võng, thất trùng hàng thụ, giai thị tứ bảo châu táp vi nhiễu.

(經) 又舍利弗。極樂國土。七重欄楯。七重羅網。七重行樹。皆是四寶周匝圍繞。

(Kinh: Lại này Xá Lợi Phất! Cõi nước Cực Lạc bảy tầng lan can, bảy tầng lưới mành, bảy lớp hàng cây, đều bằng bốn báu vây quanh trọn khắp).


Xin xem chú giải.


(Sớ) Thử chánh minh lạc sự dã. Lan thuẫn vi ư thụ ngoại, la võng phú ư thụ thượng, trùng trùng tương gián, kỳ số hữu thất dã. Tứ bảo giả, thất bảo tiền tứ dã. Châu táp giả biến mãn, vi nhiễu giả hồi hộ, ngôn trùng trùng giai tứ bảo sở nghiêm sức dã. 

(疏) 此正明樂事也。欄楯圍於樹外,羅網覆於樹上,重重相間,其數有七也。四寶者,七寶前四也。周匝者遍滿,圍繞者迴護,言重重皆四寶所嚴飾也。

(Sớ: Đây là chánh thức nói rõ các sự vui [trong cõi Cực Lạc]. “Lan thuẫn” (lan can) là thứ [vây quanh] phía ngoài hàng cây, “la võng” (lưới mành) là thứ phủ trên cây, tầng tầng lớp lớp xen kẽ, số lượng có bảy lớp. “Tứ bảo” là bốn thứ đầu trong bảy báu. “Châu táp” là trọn khắp, “vi nhiễu” là bao quanh. Ý nói mỗi tầng đều được trang hoàng bằng bốn thứ báu).


Đoạn này hoàn toàn thuật bày sự tướng, chẳng khó hiểu, nhưng ý nghĩa được bao hàm trong ấy vô cùng phong phú, trong ấy có nhiều ý nghĩa biểu thị pháp mà chúng ta cần phải biết. Đầu tiên là nêu nguyên do vì sao Tây Phương thế giới được gọi là “thế giới Cực Lạc”, đương nhiên giảng tỉ mỉ và thấu triệt nhất là kinh Vô Lượng Thọ; tuy kinh này (kinh A Di Đà) nói giản lược, nhưng bản chú giải này của Liên Trì đại sư có thể nói là đã chú giải rất tường tận. Ở đây là nói về nghĩa lý của các sự vui trong thế giới Tây Phương.

“Lan thuẫn”, lan (欄) là [thanh] nằm ngang [trong lan can], thuẫn (楯) là [các thanh] thẳng đứng. Tại Trung Quốc và ngoại quốc, hết sức chú trọng cách trang hoàng bằng lan thuẫn như vậy. Tại Bắc Kinh, nhìn vào hoàng cung, sẽ thấy từng đoạn Lan Thuẫn đều vô cùng đẹp mắt. “La võng” chẳng thường thấy. Xưa kia, các kiến trúc như cung điện nhất định có la võng. Hiện thời, trong rất nhiều tự viện có quy mô lớn ở Nhật Bản có la võng; quá nửa là dùng sợi dây đồng để bện thành, có tác dụng bảo vệ các tác phẩm nghệ thuật, vì các cột, kèo đều là những tác phẩm nghệ thuật cao cấp, thường được gọi là “điêu lương, họa đống” (xà chạm, kèo vẽ), sợ chim chóc làm tổ gây hư hại, nên dùng lưới đồng để bảo vệ. Quý vị có thể thấy [các kèo cột chạm vẽ công phu ấy] từ bên ngoài, nhưng chẳng thể đụng chạm, có tác dụng như vậy đó. Giữa các lưới cũng rất chú trọng, trang hoàng bằng bảo châu và phong linh nên vô cùng đẹp đẽ.

Từ Đại Kinh, chúng ta đọc thấy cây cối trong Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng phải là cây cỏ thông thường. Cây cối trong thế giới ấy bằng bảy báu, là “bảo thụ” (cây báu). Do vậy, trên cây đều có giăng la võng. Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có tam ác đạo, tuyệt đối chẳng phải nhằm ngăn ngừa chim chóc làm tổ. Lưới mành thuần túy thuộc loại trang sức phẩm. Không chỉ là trang sức, mà còn có tác dụng hết sức kỳ diệu. Từ Đại Kinh, chúng ta thấy các lưới ấy có thể tỏa ánh sáng, trong ánh sáng có thể hiện hình tượng của các cõi Phật trong mười phương, giống như hình ảnh trong TV. Quý vị muốn thấy nơi nào trong hết thảy các cõi Phật khắp mười phương, hình tướng nơi cõi ấy bèn hiện trong quang minh tỏa ra từ lưới.

Ánh sáng tỏa ra từ lưới hiển hiện hình tướng, khoa học kỹ thuật hiện thời cũng dần dần đạt tới cảnh giới này, nhưng hiện thời chưa phổ biến, chúng ta gọi kỹ thuật ấy là “lập thể điện thị” (3DTV). Ở Mỹ, tôi đã từng xem qua, chẳng cần màn ảnh. Quý vị thấy người trong ấy cử động giống như thật, hoàn toàn là hình bóng, quyết định chẳng phải là chân thật, nhưng quý vị thấy hoàn toàn giống như thật, chẳng cần đến màn hình, hoàn toàn là [hình ảnh] lập thể. Trong tương lai, khi kỹ thuật này dần dần phổ biến, chẳng cần tới máy TV nữa! Hình người có thể phóng lớn hay thu nhỏ, thậm chí chúng ta đi tới đó, bản thân chúng ta bị chiếu lên, thấy chính chúng ta đi trong đó, người biến thành nhỏ xíu, mặc quần áo chẳng khác chính mình chút nào! Do vậy, chúng ta có thể tưởng tượng, đại khái lưới và cây nơi Tây Phương Cực Lạc thế giới giống như 3DTV, hết thảy các cõi nước trong mười phương quý vị đều có thể tiếp xúc, đều có thể thấy bất cứ lúc nào. Người nhà, quyến thuộc bất luận ở trong thế giới nào, bất luận ở trong đường nào, có thể nói là thời thời khắc khắc đều có thể gặp mặt. Tây Phương Cực Lạc thế giới thù thắng khôn sánh!

/ 289