496

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 134

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bổn, trăng hai trăm chín mươi mốt.

 

  (Sớ) Xứng Lý, tắc tự tánh vô nhiễm, thị vô hữu chúng khổ nghĩa; tự tánh thường tịnh, thị đản thọ chư lạc nghĩa.

  (疏) 稱理,則自性無染,是無有眾苦義;自性常淨,是但受諸樂義。

  (Sớ: Xứng Lý tự tánh vô nhiễm là ý nghĩa “chẳng có các nỗi khổ”, tự tánh thường tịnh là ý nghĩa “chỉ hưởng các niềm vui”).

  Đoạn này giải thích y báo trong thế giới Cực Lạc, “bỉ độ hà cố danh vi Cực Lạc? Kỳ quốc chúng sanh, vô hữu chúng khổ, đản thọ chư lạc, cố danh Cực Lạc” (vì sao cõi ấy tên là Cực Lạc? Chúng sanh trong cõi ấy chẳng có các nỗi khổ, chỉ hưởng các niềm vui nên gọi là Cực Lạc), giải thích đoạn văn ấy. Hôm nay, chúng ta đọc một đoạn nhỏ này là luận định xứng tánh. Lý là tánh thể. “Vô hữu chúng khổ”“tự tánh vô nhiễm”. “Tự tánh” là nói tới Chân Như bổn tánh của đương nhân chúng ta. Bổn tánh trước nay chẳng bị nhiễm bẩn. Nếu bị nhuốm bẩn, sẽ chẳng phải là thật. Đã là thật, đương nhiên sẽ bất nhiễm.

  Phật môn thường nói nhiễm và tịnh, đặc biệt là pháp môn Tịnh Độ gọi thế giới Sa Bà là uế độ, Tây Phương Cực Lạc thế giới là Tịnh Độ, tức là có nhiễm, có tịnh, thật sự có khổ, có lạc. Nếu nói “chẳng có nhiễm - tịnh, chẳng có khổ - lạc”, chúng ta sẽ không hiểu; nhưng nói chân thật thì sẽ là chẳng có nhiễm - tịnh, mà cũng chẳng có khổ - lạc. Khổ - lạc, nhiễm - tịnh do Tình sanh ra, Tình là gì? Là mê, đã mê bèn gọi là Tình. Nếu đã đoạn mê thì là ngộ, đã ngộ bèn gọi là Trí. Có thể thấy, nói thật ra, trong Phật pháp chỉ có mê và ngộ. Đã ngộ thì là tự tánh, đã mê bèn gọi là tám thức. Có thể thấy tám thức và tự tánh là một vật, nhưng có hai tên gọi. Do đó, ngộ là tự tánh, mê vẫn là mê tự tánh. Bản thân tự tánh chẳng có mê hay ngộ, mê hay ngộ do con người! Ý nghĩa này là nghĩa lý căn bản trong Phật pháp. Vì thế, chúng ta phải hiểu, phải thấu hiểu. “Tự tánh thường tịnh”, tự tánh vĩnh viễn bất biến, vĩnh viễn là thanh tịnh viên mãn. Đó là “thọ chư lạc nghĩa” (ý nghĩa hưởng các niềm vui). Lạc và khổ được kiến lập tương đối; do có khổ nên mới có lạc hiển hiện. Chẳng có khổ thì lạc cũng chẳng hiển lộ được! Do vậy, hết thảy các pháp do từ tương đối mà kiến lập.

 

  (Sao) Nhiễm thị khổ nghĩa, tịnh thị lạc nghĩa.

  (鈔) 染是苦義,淨是樂義。

  (Sao: Nhiễm là ý nghĩa khổ, tịnh là ý nghĩa lạc).

 

  Nhiễm ô là mê hoặc, mê hoặc là chính mình chẳng thể làm chủ, ở chỗ nào cũng bị hoàn cảnh bó buộc. Trong hoàn cảnh, có hoàn cảnh nhân sự và hoàn cảnh vật chất. Nếu quý vị bị hoàn cảnh bức bách, đó là khổ. Do vậy, nói phiền não nhiễm bẩn tâm thanh tịnh, nên mới cảm nhận có khổ. “Tịnh thị lạc nghĩa” (tịnh là ý nghĩa của lạc), Tịnh là thanh tịnh. Nói cách khác, xa lìa hết thảy phàm nhiễm, tự tánh thanh tịnh.

  (Sao) Tự tánh vô nhiễm thường tịnh.

  (鈔)自性無染常淨。

  (Sao: Tự tánh vô nhiễm thường tịnh).

 

  Đây là nêu bày tướng trạng của Chân Như bổn tánh. Chân Như bổn tánh xác thực là thường tịnh, vô nhiễm, chẳng có nhiễm ô.

 

  (Sao) Thị vô khổ thường lạc dã.

  (鈔) 是無苦常樂也。

  (Sao: Là chẳng khổ, thường vui).

 

  Mấy câu này rất trọng yếu, chúng ta nhất quyết chớ nên sơ sót. Tây Phương Tịnh Độ chẳng giống Tịnh Độ của mười phương thế giới chư Phật. Nếu chúng ta hỏi khác nhau ở chỗ nào ư? Tây Phương Cực Lạc thế giới là cõi Pháp Tánh, các thế giới chư Phật ở phương khác là Ngũ Dục Lục Trần, đây là chỗ khác biệt to lớn. Thế giới Cực Lạc từ trong Pháp Tánh biến hiện, là Tướng Phần của Chân Như bổn tánh. Cõi nước của mười phương chư Phật là Tướng Phần của A Lại Da Thức, là Tướng Phần của Duy Thức, đó là chỗ khác nhau! Tướng Phần do A Lại Da Thức biến hiện thì có khổ, có lạc. Tướng Phần do Chân Như bổn tánh hiển hiện sẽ giống như trong kinh Vô Lượng Thọ đã nói “kiến lập (hiển hiện) thường nhiên” (kiến lập (hiển hiện) thường hằng), đó là chỗ khác nhau. Bản thể của hai thế giới ấy được hiển hiện khác nhau, nên mười phương chư Phật mới thật sự tán thán! Tiếp đó, đại sư trích dẫn giáo nghĩa kinh Hoa Nghiêm để giảng rõ.

Nguồn: www.niemphat.net">www.niemphat.net">www.niemphat.net