/ 289
575

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 133

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bổn, trang hai trăm chín mươi.

 

  (Sao) Cố Thiều Thủy bình Khuê Phong Sớ, vị hân yếm thủ xả, tuy vị mê chân khởi vọng, diệc năng thuận giáo thành công, đản tri toàn tu tức tánh, tắc hân yếm bổn không.

  (鈔) 故苕水評圭峰疏,謂忻厭取捨,雖謂迷真起妄,亦能順教成功,但知全修即性,則忻厭本空。

  (Sao: Vì thế, ngài Thiều Thủy bình luận Khuê Phong Sớ, bảo: “Ưa, chán, lấy, bỏ, tuy nói là mê chân dấy vọng, nhưng cũng có thể thuận theo lời dạy mà thành công. Chỉ biết toàn tu chính là tánh thì ưa - chán vốn là Không”).

 

  Nay trong đoạn văn này, [Liên Trì đại sư] dẫn lời cổ đại đức để chứng minh, chỗ này cũng là một câu tổng kết, nhằm vào ý nghĩa dạy chúng ta phải tùy thuận giáo lý thì mới có thể đạt được thành tựu. “Thuận giáo thành công”, Công (功) là công đức, Thành (成) là thành tựu. Khuê Phong đại sư là tổ sư đời thứ năm của tông Hoa Nghiêm, tức là Tông Mật đại sư, Ngài [Thiều Thủy] nói: “Hân yếm thủ xả, tuy vị mê chân khởi vọng, diệc năng thuận giáo thành công” (Tuy nói “ưa, chán, lấy - bỏ” là mê chân, dấy vọng, nhưng vẫn có thể thuận theo lời dạy mà thành công). Lời này nói hết sức hay, vì sao? Ưa, chán, lấy, bỏ đều là chấp tướng, đương nhiên là “mê chân, khởi vọng”, đích xác là mê chân khởi vọng, chẳng thể đem so với Tánh Tông để luận định được! Nhưng quý vị tùy thuận phương pháp này thì sẽ quyết định có thể thành công; nương theo phương pháp này để tu học, quyết định chẳng phí uổng. “Phá mê, chứng chân”, lời ấy nói nghe rất êm tai, nhưng trên thực tế chẳng làm được. Lão pháp sư Đàm Hư nói: “Tham Thiền có thể đắc Thiền Định, nhưng chẳng có cách nào khai ngộ”. Người khai ngộ đúng là như lông phượng, sừng lân. Chẳng khai ngộ sẽ chẳng thể liễu sanh tử, thoát tam giới. Nói cách khác, tu Thiền thật sự giỏi giang thì bất quá vãng sanh Tứ Thiền Thiên mà thôi.

  Vãng sanh Tứ Thiền Thiên thua kém Tây Phương Cực Lạc thế giới rất xa! Trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, dẫu là hạ hạ phẩm vãng sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư cũng vĩnh viễn bất thoái chuyển, cũng là viên mãn thành tựu Vô Thượng Bồ Đề trong một đời. Sanh vào Tứ Thiền Thiên, khi thọ mạng trong Tứ Thiền Thiên đã hết, vẫn luân hồi trong lục đạo. Do vậy, mọi người chớ nên hâm mộ Tứ Thiền Thiên hoặc Tứ Không Thiên, vì sao? Vì trong đời quá khứ, quý vị đã từng sống ở những nơi đó rất lâu, nay quý vị lại đọa lạc đến nơi đây, có còn muốn đến đó nữa hay chăng? Sau khi đến đó, vẫn phải luân hồi, vẫn phải đọa lạc đến nơi đây. Vì thế, Tứ Thiền Thiên và Tứ Không Thiên đều chẳng cần phải sanh về. Tứ Thiền mà còn chẳng nên sanh vào, huống gì Dục Giới Thiên? Do vậy, nhất định phải hạ quyết tâm trong một đời này nhất định phải vãng sanh Tịnh Độ. Tuy nói “trong hết thảy các pháp môn Đại Thừa, vãng sanh Tịnh Độ là đạo dễ hành”, nhưng người niệm Phật rất đông, rốt cuộc người vãng sanh vẫn là rất hiếm, nguyên nhân ở chỗ nào? Do chúng ta phát tâm niệm Phật không đúng pháp, nên mới tạo thành nông nỗi ấy. Miệng niệm “cầu vãng sanh”, trong tâm vẫn lưu luyến thế giới này, đối với ngũ dục, lục trần, tham, sân, si, mạn vẫn chẳng buông xuống được nên chẳng thể thành tựu. Người nào vãng sanh? Người thật sự bỏ hết ngũ dục, lục trần.

  Ở đây nói “hân, yếm, thủ, xả”, Hân (忻) là vui vẻ, thật sự phát khởi tâm vui thích, mong cầu đối với Tây Phương Cực Lạc thế giới, hy vọng ta thật sự có thể sanh về Tây Phương Tịnh Độ, hy vọng chính mình thật sự có thể gặp A Di Đà Phật, quý vị phải có cái tâm này. Yếm (厭) là chán lìa thế giới Sa Bà, đối với thế giới Sa Bà chớ nên có mảy may lưu luyến nào, như vậy thì mới có thể vãng sanh. Tuyệt đối chẳng phải là nói một mặt vãng sanh, một mặt vẫn nghĩ tưởng, vẫn lưu luyến thế giới này, mong đạt được cả hai, há có chuyện tiện nghi như vậy? Nhất định phải bỏ Sa Bà, lấy Cực Lạc. Cách lấy - bỏ như thế nào? Lấy - bỏ nơi nhân thì quả sẽ tự nhiên đạt được. Nhân của thế giới Sa Bà là gì? Là tham, sân, si tam độc phiền não, nhất định phải bỏ. Đối với Tây Phương Cực Lạc thế giới, đương nhiên [cái nhân] trọng yếu nhất là “phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”, chúng ta phải giữ lấy điều này. Bồ Đề tâm là giác tâm, giác chứ không mê. Khó khăn lớn nhất của chúng ta trong hiện thời là hễ cảnh giới vừa hiện tiền bèn mê, mê chứ chẳng giác, như vậy thì sẽ chẳng thể vãng sanh. Vì thế, đối với bốn mươi tám nguyện trong kinh Vô Lượng Thọ, tôi đã từng bảo quý vị: Mọi người nhất định phải nhớ kỹ, phải niệm kinh nhuần nhuyễn thì trong cảnh giới chúng ta mới khởi tác dụng được, tức là lúc thấy sắc, nghe tiếng, bèn ngay lập tức nghĩ đến những giáo huấn trong kinh.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289