/ 289
442

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 132


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bổn, trang hai trăm tám mươi tám.


(Sớ) Tứ độ khổ lạc, lược như Thiên Thai giáo trung thuyết.

(疏) 四土苦樂,略如天台教中說。

(Sớ: Sự khổ - vui trong bốn cõi đại lược như trong giáo pháp của tông Thiên Thai đã nói).


Chúng ta đọc xem trong lời Sao, Liên Trì đại sư đã trích dẫn [như thế nào].


(Sao) Sở vị Kiếnkhinh trọng, Đồng Cư khổ lạc.

(鈔) 所謂見思輕重,同居苦樂。

(Sao: Đó là [dựa trên] Kiến Tư nhẹ hay nặng [để phán định] cõi Đồng Cư là khổ hay vui).

Nói thật ra, chúng ta tu học pháp môn Tịnh Độ, nhất định phải lấy bốn mươi tám nguyện trong kinh Vô Lượng Thọ làm căn bản. Không chỉ là đối với lời nói của các vị Bồ Tát, tổ sư đại đức, mà ngay cả đối với lời Phật dạy trong các kinh điển khác, chúng ta đều phải lấy bốn mươi tám nguyện làm chuẩn. Bởi lẽ, bốn mươi tám nguyện do đích thân A Di Đà Phật nói ra, Thích Ca Mâu Ni Phật thuật lại, cho nên [những nguyện ấy] đều là ý tứ của chính A Di Đà Phật. Chúng ta gọi điều này là “y pháp, bất y nhân”, bởi lẽ, chúng ta hiểu đức Phật thuyết pháp, do đối tượng thuyết pháp khác nhau, nên Ngài giảng pháp khác nhau, ứng cơ thuyết pháp mà! Bốn mươi tám nguyện là bổn nguyện của Phật Di Đà, chẳng phải là ứng cơ thuyết pháp, Thích Ca Mâu Ni Phật chẳng thể bảo chúng ta hãy sửa đổi bổn nguyện của A Di Đà Phật, không thể nào! Vì thế, nhất định phải lấy bốn mươi tám nguyện làm căn bản.

Trong bốn mươi tám nguyện, chúng ta thấy trên thực tế, thế giới Tây Phương là thế giới thuần nhất Bồ Tát, [các vị Bồ Tát ấy chính là] chúng sanh từ mười phương thế giới sanh về. Do trong bốn mươi tám nguyện hoàn toàn chẳng nói có thượng, trung, hạ phẩm vãng sanh, chẳng có, chẳng nói đến chuyện ấy, cũng chẳng nói tới bốn cõi, chỉ nói sanh về đó, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, đều là A Bệ Bạt Trí Bồ Tát. Căn cứ theo kinh luận thường giảng, A Bệ Bạt Trí thì mức độ thấp nhất là từ Thất Địa trở lên, cho nên cổ đức nói “hễ sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới thì địa vị bằng với Đẳng Giác”, thật sự là một pháp môn chẳng thể nghĩ bàn!

Tông Thiên Thai nói “khổ - lạc” thì cũng là nói phương tiện. Nói thật ra, nếu chúng ta chẳng thật sự đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, nói chung là chẳng có cách nào tưởng tượng sự trang nghiêm trong cõi ấy, đó gọi là “trăm nghe chẳng bằng một thấy”. Thật sự đến Tây Phương Cực Lạc thế giới để nhìn, khi đó mới hiểu những gì Phật, Bồ Tát, các vị tổ sư đã nói đúng là chẳng bằng một phần trăm, một phần ngàn, nói quá ít! Nếu chẳng thù thắng như vậy, [cõi Cực Lạc] làm sao được mười phương chư Phật đều tán thán? Ngay cả bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ trong thế giới Hoa Tạng cũng đều ưa thích vãng sanh, có thể thấy thế giới ấy thật sự chẳng thể nghĩ bàn. Những điều tông Thiên Thai nói ở đây là nói theo Lý, luận định theo lý luận. Nói thật ra, thế giới Tây Phương vượt ngoài những lý luận ấy, vượt khỏi sự tưởng tượng và suy lường của chúng ta. Cách nói này của họ nếu áp dụng vào Tịnh Độ của mười phương chư Phật sẽ chẳng sai chút nào!

Trong cõi Đồng Cư, Kiến Tư phiền não nhẹ nhàng thì là vui sướng, Kiến Tư nặng nề bèn khổ sở. Nay chúng ta đang ở trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư của Thích Ca Mâu Ni Phật, thật vậy, có chẳng ít người trong thế gian rất sung sướng. Quý vị hỏi họ: “Vì sao các vị sung sướng?” Kiến Tư phiền não của họ nhẹ nhàng, tham, sân, si, mạn của họ đều nhẹ, nên họ sung sướng. Vì sao phiền não rất nặng? Kẻ ấy tham, sân, si, mạn rất nặng, chẳng thể buông xuống! Chuyện nhỏ tí tẹo vẫn so đo, nên rất khổ. Sự khổ - lạc trong các cõi nước của mười phương chư Phật vô cùng rõ rệt, nên nói “tứ độ khổ lạc” (sự khổ và vui trong bốn cõi).


(Sao) Thể Tích xảo chuyết, phương tiện khổ lạc.

(鈔) 體析巧拙,方便苦樂。

(Sao: [Dựa trên] Thể Không và Tích Không khéo hay vụng, mà [phán định] sự khổ vui trong cõi Phương Tiện).


Người tu hành trong cõi Phương Tiện Hữu Dư chẳng phải là phàm phu. A La Hán và Bích Chi Phật, Quyền Giáo Bồ Tát, những vị này quá nửa là tu Không Quán. Thỉ Giáo là nhập môn Đại Thừa tu Không Quán, Tiểu Thừa cũng tu Không Quán. Trong Không Quán, có Thể Không và Tích Không, Tích (析) là phân tích, Thể (體) là “đương Thể tức Không” (ngay nơi bản thể chính là Không). “Đương Thể tức Không” là người thông minh, vị ấy tự tại! Tích Không là gì? Phải nghiên cứu, phải phân tích, đến cuối cùng mới hiểu rõ, người ấy có vẻ chậm lụt một chút. Khổ và lạc từ chỗ này mà có! Đây là nói về cõi Phương Tiện Hữu Dư.

/ 289