/ 289
468

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 131


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bổn, trang hai trăm tám mươi sáu:


(Sớ) Khổ lạc tương đối, chánh dĩ bỉ thử nhị độ, giảo lượng thắng liệt, linh sanh hân yếm, như nan dị thập chủng đẳng.

(疏)苦樂相對,正以彼此二土,較量勝劣,令生忻厭,如難易十種等。

(Sớ: Đối chiếu giữa khổ và lạc, tức là so lường sự hơn và kém giữa cõi này và cõi kia, khiến cho [người nghe] sanh lòng ưa thích, chán nhàm, như mười thứ khó, dễ v.v...)


Đoạn văn này giảng rõ sự so sánh giữa hai thế giới là Tây Phương Cực Lạc thế giới và thế giới Sa Bà của chúng ta, chỉ ra [hai cõi] khổ và vui khác nhau. Vì thế, kinh này mới gọi cõi kia là thế giới Cực Lạc.


(Sao) Tương đối giả, dĩ thử cực khổ đối bỉ Cực Lạc, nhất thắng, nhất liệt, thiên nhưỡng giảo nhiên, hân yếm tự sanh, thủ xả tự định. (鈔) 相對者,以此極苦對彼極樂,一勝一劣,天壤較然,忻厭自生,取捨自定。

(Sao: “Đối chiếu”: Đem sự cực khổ trong cõi này sánh với Cực Lạc trong cõi kia, một đằng thù thắng, một đằng kém hèn, khác biệt một trời một vực, lòng yêu thích hoặc chán nhàm tự sanh, lấy - bỏ tự định).


Lời này là sự thật. Nếu chúng ta chẳng có một mức nhận thức kha khá về hai thế giới ấy, chẳng so sánh một phen, sẽ chẳng hiểu công đức lợi ích vãng sanh, thậm chí thường sao nhãng ý niệm cầu sanh Tịnh Độ, đấy cũng là do giác tánh chưa đủ. Nếu so sánh giữa hai cõi, nói thật ra, có lẽ là người từ lứa tuổi trung niên trở lên trong thế giới này bèn có thể lãnh hội kha khá. Chúng ta chưa thấy thế giới Tây Phương, so sánh bằng cách nào? Do vậy, tuyệt đối chẳng phải là ai nấy đều có thể so sánh được, chẳng phải là người bình phàm mà hòng nói được!


(Sao) Thập chủng giả, Từ Vân Sám Chủ, khai thử độ, bỉ độ nan dị thập chủng.

(鈔) 十種者,慈雲懺主,開此土彼土難易十種。

(Sao: “Mười thứ”: Từ Vân Sám Chủ đã nêu ra mười thứ khó - dễ giữa cõi này và cõi kia).


Ở đây nêu ra mười thứ [so sánh khó - dễ] do Từ Vân Sám Chủ đã nói. Trong lịch sử Phật giáo, vị này khá nổi tiếng. Từ Vân là danh hiệu do hoàng đế ban tặng. Hoàng đế tôn trọng Ngài, gọi Ngài là Từ Vân đại sư. Ngài có pháp danh là Tuân Thức, là người sống vào thời vua Chân Tông đời Tống. Khi ấy, Ngài trụ tại chùa Linh Ẩn, Hàng Châu. Tế Công hòa thượng được dân gian sùng bái cũng sống tại chùa Linh Ẩn thuở ấy. Đích xác là trong lịch sử Trung Quốc, Linh Ẩn Tự đã xuất hiện không ít cao tăng. Vị pháp sư này lúc tuổi già cũng chuyên tu Tịnh Độ, chuyên hoằng dương Tịnh Độ. Ngài biên soạn Tịnh Độ Sám Nghi, tức là Tịnh Độ Sám Pháp, nên người đời sau tôn xưng Ngài là Từ Vân Sám Chủ. Ngài vì chúng ta nói ra mười thứ khó - dễ giữa hai cõi Sa Bà và Cực Lạc, nêu ra mười lượt so sánh.


(Sao) Kim dĩ khổ lạc đối chi, nhất giả thử độ hữu bất thường trị Phật khổ.

(鈔) 今以苦樂對之,一者此土有不常值佛苦。

(Sao: Nay so sánh giữa khổ và lạc thì một là cõi này có nỗi khổ chẳng thường gặp Phật).


Đây là điều thứ nhất. Trong thế gian này, chúng ta rất khó gặp Phật xuất thế. Đức Phật chẳng xuất thế, chúng ta chẳng được nghe Phật pháp. Chẳng nghe Phật pháp thì nói cách khác, vĩnh viễn không thể liễu giải chân tướng của vũ trụ và nhân sinh. Tuy trong thế gian này cũng có các nhà khoa học, triết gia, tôn giáo gia rất lỗi lạc, thông hiểu vũ trụ và nhân sinh cũng chẳng ít, nhưng họ hoàn toàn chẳng [thông hiểu] rốt ráo. Thậm chí có rất nhiều [điều do họ nêu ra] chẳng phải là chân tướng sự thật, mà là suy đoán, phỏng đoán, hoàn toàn chẳng xứng hợp chân tướng sự thật. Dẫu là những nhà tôn giáo bậc cao, tu hành có công phu kha khá, biết được đôi chút, chẳng phạm sai lầm lớn, thông hiểu tình huống đại khái, nhưng sau khi đã hiểu, vẫn chẳng thể giải quyết vấn đề. Thí dụ như tại Ấn Độ có nhiều tôn giáo cao cấp, đích xác vượt xa Cơ Đốc Giáo và Thiên Chúa Giáo trong hiện thời, họ có thể thật sự thấy được tình huống trong lục đạo, có năng lực đến Tứ Thiền Thiên và Tứ Không Thiên, có năng lực giao tiếp với quỷ và địa ngục, liễu giải tình huống trong các nơi ấy, nhưng họ chẳng có cách nào khiến cho kẻ đáng đọa địa ngục chẳng đọa địa ngục, chẳng có cách nào! Chư thiên hết thọ mạng ắt phải đọa xuống, họ cũng chẳng có cách nào khiến cho chư thiên chẳng đọa lạc. Điều này được gọi là “tri kỳ đương nhiên, bất tri kỳ sở dĩ nhiên” (biết tình trạng đương nhiên, chẳng biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó), thấy được sự thật, nhưng chẳng hiểu rõ lý.

/ 289