/ 289
527

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 128


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang thứ hai trăm tám mươi mốt:

(Sao) Nhiên cổ chi bạt thiệp, cái vị thân chá thánh hiền, kim nhật bôn trì, chi thị dao chiêm ảnh tượng, nhi thả bị kinh hiểm trở, bất đạn cù lao, hà đắc hiện tại từ tôn, xả chi bất vãng.

(鈔) 然古之跋涉,蓋為親炙聖賢,今日奔馳,祗是遙瞻影像,而且備經險阻,不憚劬勞,何得現在慈尊,捨之不往。

(Sao: Nhưng thời cổ bôn ba ngõ hầu thân cận thánh hiền, ngày nay bươn bả chỉ là nhìn ngắm hình bóng từ xa, lại còn trải qua đủ mọi nỗi hiểm trở, chẳng sợ nhọc nhằn, cớ sao lại bỏ qua, chẳng tìm đến đấng Từ Tôn trong hiện tại?)


Đoạn này tiếp tục nói về sự tham học, trong quá trình tu học, tham học là chuyện vô cùng trọng yếu! Không chỉ người xuất gia phải tham học, mà trước đây kẻ tại gia cầu học cũng phải nhấn mạnh chuyện tầm sư phỏng đạo, chẳng khác gì tham học trong Phật môn. Vì sư đạo là tôn kính nhất, đó gọi là “chỉ văn lai học, vị văn vãng giáo” (chỉ nghe nói trò tìm đến học, chưa nghe nói thầy phải đi đến dạy). Nghe nói chỗ nào có bậc hiền đức, chúng ta nhất định phải tự mình tới đó để hướng về vị ấy thỉnh giáo, chẳng thể tùy tiện mà mời người ấy: “Ông hãy đến chỗ này để dạy chúng tôi”. Đấy là rất khinh suất, chính mình nhất định phải đến tham cứu, bái phỏng. Mục đích tham học của cổ đức đều là như thế, nhằm thân cận thánh hiền.

Hiện thời xu hướng triều sơn (triều bái danh sơn) rất thịnh hành. Triều sơn là di phong của sự tham học, triều bái thiện tri thức; nhưng hiện thời chúng sanh phước bạc, bậc thánh hiền chẳng còn nữa. Tại Đài Loan, khoảng cách giữa mấy đạo tràng đều chẳng xa lắm, triều sơn chỉ cần một, hai ngày là đủ thời gian rồi. Nếu ở Đại Lục, giao thông rất bất tiện! Liên Trì đại sư sống vào cuối đời Minh, lão nhân gia là người thuộc niên hiệu Vạn Lịch, Ngài nói những lời này vì thuở ấy Phật giáo đã khá suy. Các vị được gọi là Minh Mạt Tứ Đại Sư (bốn vị đại sư vào cuối đời Minh), chính là bốn vị pháp sư Liên Trì, Ngẫu Ích, Tử Bách, Hám Sơn đã tái chấn hưng Phật giáo, đấy là nhân duyên hy hữu rất khó có. Thuở ấy, triều sơn đã trở thành hiện tượng như vậy, hiện tại còn gì để nói nữa đây? Còn nói gì được nữa! Toàn là du lịch ngắm nhìn phong cảnh, ngắm nhìn hình tượng, pháp tướng trang nghiêm của Phật, Bồ Tát. Trong quá khứ, người triều sơn quả thật vô cùng nhọc nhằn!

Chúng ta đọc Hư Vân Lão Hòa Thượng Niên Phổ, Ngài triều bái Ngũ Đài Sơn phải mất ba năm mới đến nơi. Tuổi tác cũng đã cao, thân thể cũng chẳng khỏe. Trên đường đi ngã bệnh, có lúc bệnh nặng đến mức gần như không trở dậy được, bệnh tình nghiêm trọng như thế ấy. Ngài có hằng tâm nghị lực, đáng khiến cho người khác bội phục. Cuối cùng, Ngài đạt được mục đích, đến tham lễ đạo tràng của Văn Thù Bồ Tát. Trên đường, Ngài bị bệnh nặng, gặp Văn Thù Bồ Tát đến cứu giúp. Lúc ấy, Ngài hoàn toàn chẳng biết đó là Văn Thù Bồ Tát. Văn Thù Bồ Tát hóa thành một người xuất gia nghèo khổ, nhếch nhác, mặc quần áo rách nát, tả tơi, giống như kẻ ăn xin bên ngoài. Mỗi lần Sư ngã bệnh, hoặc khi gặp đại nạn, người ấy đều xuất hiện trước mặt, đến giúp đỡ Sư, chăm sóc Ngài, cho Ngài uống thuốc, mãi cho đến khi hết bệnh mới ra đi. Người ấy bảo Ngài: “Tôi ở núi Ngũ Đài, có tên là Văn Cát”. Sau này, Ngài đến núi Ngũ Đài, hỏi dò về người ấy, có vị lão hòa thượng bảo: “Đó là Văn Thù Bồ Tát hóa thân”, Ngài mới biết!

Ở đây, Liên Trì đại sư khuyên chúng ta, chúng ta tham học là tham lễ thiện tri thức, nay A Di Đà Phật ở Tây Phương là hiện tại Phật, là vị thiện tri thức bậc nhất trong mười phương thế giới, vì sao quý vị không đến tham phỏng Ngài? Có nghĩa là: Vì sao chẳng cầu vãng sanh? Vì sao chẳng đến gặp A Di Đà Phật? Quý vị phải hứng chịu khổ cực nhiều ngần ấy, đi ra ngoài triều sơn bái Phật, đi tham lễ, kết quả là điều gì quý vị cũng chẳng đạt được, đúng là đã tốn công triều bái vô ích! Có lúc không chỉ là triều bái suông, mà còn đạt hiệu quả trái ngược! Quý vị tham phỏng một vị thiện tri thức, Ngài chỉ dạy quý vị một đường lối. Quý vị tham phỏng hai vị thiện tri thức, bèn được chỉ dạy hai con đường. Quý vị tham phỏng ba bốn vị, sẽ đứng ở ngã tư, chẳng biết phải đi theo đường lối nào mới nên? Vậy là khổ rồi!

Rốt cuộc chúng ta học điều gì mới nên? Liên Trì đại sư nêu ra ý nghĩa này, nói thật ra, chẳng khác gì thái độ tiếp dẫn học trò của pháp sư Ấn Quang, bảo quý vị hãy thật thà niệm Phật, chẳng cần phải chạy Đông rảo Tây, khiến thời gian lẫn tinh lực đều bị lãng phí. Quý vị đã có thời gian và tinh lực như vậy, cớ sao chẳng khéo niệm Phật? Chúng ta phải thấu hiểu điều này, đoạn tiếp theo là nói...

/ 289