/ 289
348

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 129

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang hai trăm tám mươi ba:

 

  (Sao) Tam Khổ giả, nhất, Khổ Khổ, vị thọ hữu lậu thân, dĩ danh vi Khổ, cánh gia chủng chủng bức não, tắc khổ nhi phục khổ dã, thị vi Dục Giới Khổ.  

  (鈔) 三苦者,一、苦苦,謂受有漏身,已名為苦,更

加種種逼惱則苦而復苦也,是為欲界苦。

  (Sao: Ba khổ là: Một, Khổ Khổ, ý nói mang thân hữu lậu nên gọi là Khổ, lại còn thêm đủ mọi thứ bức bách, não hại, nên đã khổ lại càng thêm khổ. Đó là nỗi khổ trong Dục Giới).

 

  Giải thích Khổ, Tập, Diệt, Đạo trong Tứ Đế, trước hết nói về Tam Khổ. Đức Thế Tôn quy nạp khổ báo trong tam giới thành ba loại lớn. Trong Dục Giới, ba thứ khổ ấy đều có, tức là Khổ Khổ, Hoại Khổ và Hành Khổ, ba loại khổ này đều trọn đủ. Cách giải thích này rất đơn giản, nhưng hết sức ngắn gọn. Chúng ta nhận quả báo trong tam giới, đương nhiên trọng yếu nhất là thân thể, thân thể này là “hữu lậu thân”, Lậu (漏) là gì? Đây là một thuật ngữ trong Phật học, nó là tên gọi khác của phiền não. Nói cách khác, quý vị có thân bèn có phiền não, có thân thể bèn có đau khổ. Đạo gia Lão Trang của Trung Quốc đã hiểu đến trình độ này nên nói: “Ngô hữu đại hoạn, vị ngô hữu thân” (ta có mối lo âu lớn vì ta có thân). Ta có nỗi lo âu lớn nhất là gì? Có thân thể! Có thân thể bèn có ưu hoạn. Có thể thấy khi Phật giáo chưa truyền đến Trung Quốc, cổ thánh tiên hiền Trung Quốc cũng nhận biết vấn đề này. “Lậu” là tỷ dụ, thí dụ như một chén trà. Nếu cái chén này hư nứt, đem nó đựng nước sẽ bị rò rỉ mất. Đức Phật sánh ví thân thể như một thứ pháp khí chẳng toàn vẹn, dẫu chúng ta hằng ngày tu công tích đức đều bị rỉ mất!

  Trong kinh, đức Phật thường nói “hỏa thiêu công đức lâm” (đốt trụi rừng công đức), mọi người phải nhớ điều này: Quý vị vừa nổi nóng, công đức liền cháy sạch. Do vậy, quý vị phải nghĩ rốt cuộc ta tu tập, tích lũy bao nhiêu công đức? Quý vị phải suy tính từ lúc ta chẳng nổi nóng cho đến hiện tại. Nếu trong một sát-na lâm chung, quý vị vẫn nổi nóng một trận thì chuyện gì cũng coi như xong, đã thiêu sạch rừng công đức! Do vậy, người tu hành sợ sân khuể nhất, như thường nói: “Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai” (một niệm sân tâm dấy, trăm vạn cửa chướng mở), tất cả hết thảy chướng ngại đều cùng kéo đến, nghiệp chướng đều hiện tiền; nhưng có mấy ai có thể chẳng nổi nóng? Nhìn từ chỗ này, như thường nói “người niệm Phật nhiều, kẻ vãng sanh ít” là vì lẽ nào? Hễ nổi nóng là không được rồi, sẽ trở thành chướng ngại. Do vậy, người niệm Phật sau khi thật sự giác ngộ, đối với hết thảy những người và sự trên thế gian này đều để mặc, tốt cũng được, xấu cũng xong, dẫu như thế nào cũng đều chẳng liên can đến ta. Ta khuyên nhủ họ, họ nghe lời thì ta khuyên. Họ không nghe thì thôi, chẳng cần phải quan tâm đến nữa, phải giữ gìn sự thanh tịnh nơi thân tâm của chính mình. Kinh thường nói “tích công lũy đức”, công đức ấy mới có thể tích lũy.

  Trong quá khứ, tôi có một người bạn. Ông ta tuổi trẻ đã bị bệnh phổi, chẳng thể tức giận. Hễ nổi nóng, căn bệnh ấy sẽ phát ra. Vì thế, suốt đời ông ta giữ cho tâm mình chẳng nóng giận, vì sao? “Ta chẳng có sức nóng giận”. Đến cuối cùng, chuyện ấy quả thật rất hữu ích cho sự tu hành của ông ta. Về sau, ông ta học Phật. Tuy ông ta mất sớm, nhưng lúc chết cũng chẳng rất đơn giản. Ông ta thân mang bệnh nặng, tự mình ngồi xe bus đến bệnh viện Vinh Dân vào phòng cấp cứu. Sau khi ghi danh xin nằm phòng cấp cứu, vào phòng cấp cứu chưa đầy nửa giờ bèn mất, tỉnh táo, sáng suốt, đó là chuyện hết sức chẳng dễ dàng

  Do vậy, nói cách khác, đối với cái thân này, hễ có cảm tình thì cảm tình là phiền não, là hữu lậu, rất khổ! Nói cách khác, chẳng có cách nào tích lũy công đức, khá là khổ sở. Lại còn thêm “chủng chủng bức não”, “chủng chủng bức não” (các thứ bức bách, khổ não) là nói tám thứ khổ trong phần sau. Nếu nói chi tiết, Khổ Khổ gồm tám loại lớn: Sanh, lão, bệnh, tử, ái biệt ly (yêu thương mà phải chia lìa), oán tăng hội (oán ghét mà phải gặp gỡ), cầu không được, Ngũ Ấm lừng lẫy. Có thể nói là đối với tám loại lớn này, mỗi chúng sanh trong Dục Giới đều phải hứng chịu, chẳng ai có thể trốn tránh. Đây là loại thứ nhất, là sự khổ trong Dục Giới.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289