/ 289
442

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 127


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang hai trăm bảy mươi tám.


(Sao) Trí Giác vân: “Tổng trì giáo trung, thuyết tam thập thất Phật, giai Tỳ Lô Giá Na nhất Phật sở hiện. Vị Giá Na nội tâm, chứng Tự Thụ Dụng, thành ư Ngũ Trí, tự đương trung ương Pháp Giới Thanh Tịnh Trí. Thứ tùng tứ trí, lưu xuất tứ phương tứ Như Lai, kỳ Diệu Quán Sát Trí, lưu xuất Tây Phương Cực Lạc thế giới Vô Lượng Thọ Như Lai, tắc nhất Phật nhi song hiện nhị độ dã”. Cố Thanh Lương vân: “Tức Bổn Sư dã”.

(鈔) 智覺云:總持教中,說三十七佛,皆毗盧遮那一佛所現。謂遮那內心,證自受用,成於五智,自當中央法界清淨智。次從四智,流出四方四如來,其妙觀察智,流出西方極樂世界無量壽如來,則一佛而雙現二土也。故清涼云:即本師也。

(Sao: Ngài Trí Giác nói: “Trong giáo pháp Tổng Trì có nói ba mươi bảy vị Phật đều do Tỳ Lô Giá Na Phật hiện ra. Nghĩa là từ trong nội tâm, Tỳ Lô Giá Na Phật chứng Tự Thụ Dụng, thành tựu Ngũ Trí, tự đảm nhiệm Pháp Giới Thanh Tịnh Trí ở trung ương. Kế đó, từ bốn trí kia lưu xuất bốn vị Như Lai ở bốn phương. Diệu Quán Sát Trí lưu xuất Tây Phương Cực Lạc thế giới Vô Lượng Thọ Như Lai, tức là một vị Phật mà hiện trong hai cõi”. Vì vậy, ngài Thanh Lương nói: “Chính là Bổn Sư vậy”)


Trí Giác chính là Vĩnh Minh Diên Thọ đại sư, đoạn văn trên đây do Ngài viết trong quyển hai mươi bốn của bộ Tông Kính Lục, Tông Kính Lục tổng cộng một trăm quyển. Trong giáo pháp Đại Thừa thường nói: “Thập phương tam thế Phật, cộng đồng nhất Pháp Thân” (Mười phương ba đời Phật, cùng chung một Pháp Thân), hoàn toàn tương ứng với ý nghĩa trong cách nói này. Đại thế giới của chúng ta là thế giới Hoa Tạng, thế giới Sa Bà là một tiểu thế giới trong thế giới Hoa Tạng, chúng ta gọi [thế giới Sa Bà] là một tam thiên đại thiên thế giới. So với thế giới Hoa Tạng để nói thì tam thiên đại thiên thế giới này là một tiểu thế giới. Giáo chủ của đại thế giới này là Tỳ Lô Giá Na Như Lai, chúng ta gọi Ngài là Pháp Thân Phật. Kinh Hoa Nghiêm lấy Tỳ Lô Giá Na Phật làm chủ. Pháp Thân chẳng thuyết pháp, Pháp Thân chẳng có hình tướng, là bản thể của vạn pháp trong vũ trụ, nên Ngài chẳng có ngôn thuyết. Chúng ta thấy trong kinh Hoa Nghiêm các vị Bồ Tát thuyết pháp, nhưng trên thực tế, các vị Bồ Tát ấy là Hóa Thân của Tỳ Lô Giá Na Phật. Pháp Thân chẳng thuyết pháp, bản thể chẳng thuyết pháp. Từ Thể khởi Dụng, hiện thân, hiện tướng, lúc ấy sẽ có ngôn thuyết, sẽ có thuyết pháp. Do vậy, kinh Hoa Nghiêm từ đầu đến cuối đều là Bồ Tát thuyết pháp.

Kinh dạy, đã lấy Tỳ Lô Giá Na Phật làm bản thể, tức Chân Như bổn tánh, sau đấy, “tùng tứ trí” (từ bốn trí) “lưu xuất tứ phương Như Lai” (lưu xuất các vị Như Lai ở bốn phương). Bốn trí là Đại Viên Kính Trí, Bình Đẳng Tánh Trí, Diệu Quán Sát Trí, và Thành Sở Tác Trí. Tỳ Lô Giá Na ở trung ương. Chúng ta nói đến Ngũ Phật thì trung ương là Tỳ Lô Giá Na Phật, tức Pháp Thân Phật. Từ Đại Viên Kính Trí lưu xuất Đông Phương A Súc Phật, từ Bình Đẳng Tánh Trí lưu xuất Nam Phương Bảo Sanh Như Lai, từ Diệu Quán Sát Trí lưu xuất Tây Phương A Di Đà Phật, từ Thành Sở Tác Trí lưu xuất Bắc Phương Bất Không Thành Tựu Như Lai. Đó là nói tới Ngũ Phương Phật, gồm năm vị Phật. Mỗi vị trong năm vị Phật đều có “Tứ Đại Bồ Tát”, bốn lần năm là hai mươi, cộng thêm năm vị Phật là hai mươi lăm. Lại còn có Tứ Nhiếp, Bát Cúng Dường, tức là thêm mười hai vị nữa, do đó biến thành ba mươi bảy. Ba mươi bảy vị Phật do đó mà có! [Trong ấy], năm vị là Phật, hai mươi vị là Bồ Tát, nay chúng ta gọi Tứ Nhiếp và Bát Cúng Dường là “đạo cụ”, trong Phật pháp gọi [đạo cụ] là “pháp khí”. Những thứ Bồ Tát cầm trong tay được gọi là “pháp khí”, vì chúng đều nhằm biểu thị nghĩa lý giáo hóa chúng sanh rất sâu. Do vậy, đều được tính vào đây.

“Nhất Phật nhi song hiện nhị độ” (một vị Phật mà hiện trong hai cõi), “nhất Phật” là A Di Đà Phật, “nhị độ” là thế giới Cực Lạc và thế giới Sa Bà của chúng ta. Thanh Lương đại sư nói, Phật Thích Ca là Bổn Sư của chúng ta, A Di Đà Phật cũng là Bổn Sư. Vị thầy căn bản thật sự là A Di Đà Phật, Thích Ca Phật bất quá thay mặt A Di Đà Phật chiêu sinh trong thế giới Sa Bà mà thôi, hy vọng chúng sanh thật sự giác ngộ trong thế giới Sa Bà sẽ ngay lập tức cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Do vậy, A Di Đà Phật quả thật là Bổn Sư của chúng ta. Ý nghĩa này được thấy rõ ràng nhất trong kinh Hoa Nghiêm, kinh Hoa Nghiêm đến cuối cùng là “mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc”, có thể thấy A Di Đà Phật trong thế giới Cực Lạc thật sự là vị thầy căn bản của chúng ta.

/ 289