A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 126
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang hai trăm bảy mươi bốn:
(Sao) Kiên cố giả, Tây thuộc Kim thể, hữu kiên cố nghĩa.
(鈔) 堅固者,西屬金體,有堅固義。
(Sao: “Kiên cố”: Phương Tây thuộc về Kim thể, có ý nghĩa kiên cố).
Thời cổ, Trung Quốc lẫn Ấn Độ đều nói tới Ngũ Hành, Ngũ Hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Phối hợp với phương vị, phương Tây thuộc Kim, Kim có ý nghĩa kiên cố. Phối hợp với bốn mùa thì Kim ứng với mùa Thu, như thường nói “Xuân sanh, Hạ trưởng, Thu thâu, Đông tàng”. Mùa Thu là mùa thâu hoạch nên khí trời khiến cỏ cây tàn rụng[1].
(Sao) Tức tự tánh chân thường bất dịch.
(鈔) 即自性真常不易。
(Sao: Tức là tự tánh chân thường, chẳng thay đổi).
Đây là ý nghĩa kiên cố.
(Sao) Vạn cổ như như cố. Thanh tịnh giả, phục hữu nhị nghĩa: Tây đương túc khí, hữu trừng thanh nghĩa.
(鈔) 萬古如如故。清淨者,復有二義:西當肅氣,有澄清義。
(Sao: Muôn đời như như. Thanh tịnh lại có hai nghĩa: Phương Tây có khí phận nghiêm ngặt[2], và có ý nghĩa trong lặng).
Mùa Thu là lúc thâu hoạch, gặt hái, thảy đều thâu hoạch sạch cả rồi, dùng ý nghĩa ấy để tỷ dụ sự trong lặng.
(Sao) Tức tự tánh chư vọng bổn không, thể lộ kim phong cố.
(鈔) 即自性諸妄本空,體露金風故。
(Sao: Tức là tự tánh vốn không có các vọng, bản thể được biểu lộ bằng gió Tây).
Chữ Túc Sát (肅殺) có ý nghĩa giống như Sát Tặc của A La Hán, tức là đoạn phiền não. Tất cả tập khí phiền não, vô minh đều đoạn sạch rồi, do vậy, mùa Thu có khí Túc Sát. “Thể lộ Kim phong”: Đây là một công án của thiền sư Vân Môn. Có một vị xuất gia thỉnh giáo Tổ, đại khái cũng nhằm tiết Thu, vị ấy nêu câu hỏi: “Trời Thu lá cây đều rụng, khi lá rụng hết sẽ như thế nào?” Tổ sư Vân Môn trả lời: “Thể lộ Kim phong”, cái có thể bị rơi rụng ví như phiền não, tập khí thảy đều hết sạch, khi [tập khí phiền não] hết sạch sẽ thành Phật! Mang ý nghĩa như thế!
(Sao) Tây đương bạch sắc, hữu khiết tịnh nghĩa.
(鈔) 西當白色,有潔淨義。
(Sao: Phương Tây màu trắng, mang ý nghĩa khiết tịnh).
Năm màu là đỏ, vàng, xanh, trắng, đen, phương Tây màu trắng, phương Bắc màu đen, trung ương màu vàng[3]. Màu trắng có ý nghĩa khiết tịnh.
(Sao) Tức tự tánh chư nhiễm bất sanh, bổn lai nhất sắc cố. Ly chướng tuyệt phi giả, tự tánh bổn vô phiền não, như Thập Khổ, Thập Ác, Thập Triền, Thập Sử đẳng, tịnh siêu việt chi, hữu viễn quá nghĩa.
(鈔) 即自性諸染不生,本來一色故。離障絕非者,自性本無煩惱,如十苦十惡,十纏十使等,並超越之,有遠過義。
(Sao: Tức là tự tánh chẳng sanh các nhiễm, vì vốn là một sắc. “Ly chướng, tuyệt phi”: Tự tánh vốn chẳng có phiền não, như Thập Khổ, Thập Ác, Thập Triền, Thập Sử v.v... đều vượt thoát, nên có ý nghĩa “xa lìa lầm lỗi”).
“Quá” là lầm lỗi, “viễn” xa lìa, [“viễn quá”] có ý nghĩa xa lìa hết thảy lỗi lầm. Thập Khổ, Thập Ác, Thập Triền, Thập Sử đều là các danh từ Pháp Tướng, trong Phật Học Từ Điển và sách Giáo Thừa Pháp Số[4] đều có [giải thích cặn kẽ], nên ở đây tôi chỉ nói đơn giản. Mười thứ khổ ấy, ai nấy đều có, chúng ta thường nói tám khổ, ở đây dùng “mười” để biểu thị sự viên mãn, nhằm tượng trưng cho tất cả hết thảy các nỗi khổ, chúng được quy nạp thành mười loại lớn. Trong ấy có sanh, lão, bệnh, tử, bốn nỗi khổ ấy ai nấy đều chẳng tránh được! Trừ bốn thứ ấy ra, còn có sầu, oán, ưu (lo nghĩ), khổ thọ (chịu đựng đau khổ), thống não (đau đớn, áo não), sanh tử lưu chuyển (tức là nỗi khổ luân hồi). Đó là Thập Khổ. Thập Ác là thân giết, trộm, dâm; miệng nói dối, nói đôi chiều, ác khẩu, nói thêu dệt; ý tham, sân, si. Đó là mười ác nghiệp.