/ 289
352

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 125

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang hai trăm bảy mươi hai:

 

  (Sao) Hựu, Tùy Nguyện Vãng Sanh Kinh ngôn: “Phật quốc vô lượng, chuyên cầu Cực Lạc giả hà? Nhất, dĩ nhân thắng, thập niệm vi nhân, tức đắc vãng sanh cố. Nhị, dĩ duyên thắng, tứ thập bát nguyện, phổ độ chúng sanh cố.

  (鈔) 又隨願往生經言:佛國無量,專求極樂者何?一以因勝,十念為因,即得往生故;二以緣勝,四十八願,普度眾生故。

  (Sao: Lại nữa, kinh Tùy Nguyện Vãng Sanh[1] nói: “Cõi Phật vô lượng, vì sao chuyên cầu [vãng sanh] Cực Lạc? Một, do nhân thù thắng, mười niệm làm nhân liền được vãng sanh. Hai là duyên thù thắng, vì bốn mươi tám nguyện phổ độ chúng sanh”).

 

  Đoạn này là do sợ có kẻ vặn hỏi: “Trong  mười  phương, cõi  nước

của chư Phật vô lượng, vô biên, cần gì nhất định phải cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới?” Từ xưa tới nay luôn nghe thấy lời này, chính bản thân chúng tôi trong quá trình tu học cũng gặp chẳng ít kẻ nêu ra câu hỏi này. Thật ra, câu hỏi này là hý luận! Nếu chúng ta cầu sanh Đông Phương Lưu Ly thế giới [của Dược Sư Phật], kẻ ấy lại nói trong mười phương, cõi nước của chư Phật rất nhiều, cớ gì cứ phải nhất định cầu sanh về Đông Phương Lưu Ly thế giới? Nói chung, câu hỏi ấy chẳng có khi nào chấm dứt! Nói thật ra, [câu hỏi này] chẳng có ý nghĩa lớn lao gì, nhưng Liên Trì đại sư vẫn hết sức từ bi. Tây Phương Cực Lạc thế giới có rất nhiều ưu điểm, người tu Tịnh Độ chẳng ít, nhưng kẻ vãng sanh chẳng nhiều, nguyên nhân đương nhiên cũng chẳng rất đơn thuần. Nhất định phải hiểu rõ, phải thông đạt kinh luận này, chúng ta mới có thể thật sự nắm chắc sanh về thế giới Cực Lạc trong một đời này!

  Ở đây, đại sư vì chúng ta nêu đại lược nhân duyên, “nhân thắng, thập niệm vi nhân” (nhân thù thắng, mười niệm làm nhân), đối với hết thảy các cõi nước của chư Phật, chúng ta mong vãng sanh đâu có dễ dàng như vậy! “Thập niệm tất sanh” (mười niệm ắt được vãng sanh) là nguyện thứ mười tám trong bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật, đó là Di Đà bổn nguyện. Do vậy có thể biết, pháp môn này là đạo dễ hành, bao nhiêu tổ sư đại đức từ xưa tới nay bảo chúng ta đây là đạo dễ hành. Trong chú giải kinh Vô Lượng Thọ đã chú giải “mười niệm” rất nhiều, nhất định phải hiểu rõ. Mười niệm là niệm theo cách nào? Mười niệm có cách niệm bình thường và cách niệm khi lâm chung. Mười niệm, cứ hết một hơi là một niệm, đó là cách niệm bình thường. Lúc lâm chung, một tiếng Phật hiệu là một niệm. Nói cách khác, mười niệm khi ấy là niệm mười câu Phật hiệu.

  Tuy kinh dạy chúng ta, kẻ Ngũ Nghịch, Thập Ác lâm chung gặp thiện tri thức dạy niệm Phật, kẻ ấy có thể tin nhận, sám hối, có thể chí tâm từ một niệm cho đến mười niệm bèn có thể vãng sanh; cổ đức nói: Chuyện này thoạt nhìn rất dễ dàng, thật ra chẳng dễ dàng! Trong ấy, có nhân, có duyên, điều kiện nơi bản thân là khi quý vị lâm chung, thần thức rất sáng suốt, điều kiện này chẳng dễ dàng! Hễ là lâm chung mới nghe Phật pháp, mười niệm hay một niệm vãng sanh, chắc chắn người ấy chẳng phải là đời này mới tu hành, mà là đã thường tu hành nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ, nhưng chưa thành công. Trong một sát-na lâm chung, thiện căn và phước đức của kẻ ấy phát khởi, giống như kinh Di Đà đã nói: “Chẳng thể do chút ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh về cõi ấy”. Trong thời gian rất ngắn ngủi là một sát-na khi lâm chung, thiện căn, phước đức, nhân duyên của kẻ ấy thảy đều trọn đủ. Nếu chẳng do nhiều đời, nhiều kiếp tu hành, sẽ chẳng thể nào làm được, chúng ta phải hiểu chuyện này! Do vậy, đọc kinh văn này, chớ nên hiểu là chuyện cầu may, nay ta không niệm Phật chẳng sao, khi lâm chung vẫn còn kịp, hiện thời tạo ác nhiều thêm một chút cũng chẳng sao, lâm chung mười niệm vẫn có thể vãng sanh. Nếu quý vị nghĩ như vậy thì trật mất rồi!

  Chúng ta hãy lắng lòng quan sát, bất luận xuất gia hay tại gia, lúc lâm chung có mấy ai thần trí sáng suốt? Điều này đáng cho chúng ta cảnh giác. Nếu lúc lâm chung mê hoặc, điên đảo, bất tỉnh nhân sự, thưa quý vị, Phật, Bồ Tát có đến trợ niệm cho quý vị cũng chẳng có cách nào, phải biết chuyện này! Có thể thấy là bình thường phải tu phước! Chết tốt lành là một trong năm thứ phước; người Hoa nói đến Ngũ Phước thì phước cuối cùng trong Ngũ Phước là “chết tốt lành”, [tức là] khi chết sáng suốt, tỉnh táo. Vì sao? Chết tốt lành, người ấy đời sau nhất định sẽ có cuộc sống tốt đẹp! Các vị hãy nghĩ xem có ai muốn sanh vào trong ba ác đạo? Chẳng ai muốn cả! Hễ đọa trong tam ác đạo đều là hồ đồ đi vào, có người nào tỉnh táo mà biến thành súc sanh hay ngạ quỷ? Chẳng có lẽ ấy! Do vậy, lúc lâm chung mê hoặc, điên đảo cũng rất dễ dàng đọa trong tam ác đạo. Lâm chung nếu sáng suốt, tỉnh táo, dù người ấy chẳng gặp Phật pháp, suốt đời chưa học Phật, chắc chắn chẳng đọa trong tam ác đạo, đời sau sẽ hưởng phước báo nhân thiên. Vì sao? Người ấy tỉnh táo, sáng suốt, sẽ chọn lựa chỗ để đầu thai. Chỉ có kẻ mê hoặc, điên đảo mới chẳng chọn lựa, mặc cho nghiệp lực dẫn dắt. Người học Phật chúng ta phải đặc biệt chú ý điều này!  

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289