/ 289
555

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 123


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang hai trăm sáu mươi sáu:


(Sao) Nhị viết Thật Báo Trang Nghiêm độ, hành chân thật pháp, cảm thù thắng báo, thất bảo trang nghiêm, cụ tịnh diệu ngũ trần cố. Diệc vân Vô Chướng Ngại độ, dĩ sắc tâm bất nhị, mao sát tương dung cố, thị Pháp Thân đại sĩ sở cư.

(鈔) 二曰實報莊嚴土,行真實法,感殊勝報,七寶莊嚴,具淨妙五塵故。亦云無障礙土,以色心不二,毛剎相容故。是法身大士所居。

(Sao: Hai là cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Hành pháp chân thật, cảm báo thù thắng. Bảy báu trang nghiêm, trọn đủ ngũ trần tịnh diệu, còn gọi là cõi Vô Chướng Ngại, do sắc và tâm bất nhị, sợi lông và cõi nước chứa đựng lẫn nhau, là nơi ở của hàng Pháp Thân đại sĩ).


Đây là loại thứ hai trong bốn cõi, tức cõi Thật Báo Trang Nghiêm. “Thật” là chân thật, “Báo” là quả báo. Báo độ là chân thật, chẳng hư vọng. Bốn cõi đều là quả. Nói đến quả, đương nhiên nhất định phải nói đến tu nhân. Tu nhân như thế nào thì mới chứng quả như thế ấy. Ở đây nói là “hành chân thật pháp”, đấy là tu nhân, nên cảm báo độ thù thắng. “Hành chân thật pháp” là gì? Câu này hết sức trọng yếu, vì chỉ cần cái nhân là chân thật thì quả báo là tự nhiên, chẳng cầu cũng đạt được. Nói thông thường, hễ là Bồ Tát thuộc địa vị tu nhân, còn chưa kiến tánh, chưa chứng đắc Pháp Thân, tu hành trong khi ấy đều chẳng thể nói là chân thật. Do vậy có thể biết, hễ nói đến chân thật, mức độ thấp nhất là phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân, Bồ Tát như vậy bất luận tu học pháp môn gì cũng đều là chân thật. Chưa đạt đến cảnh giới ấy thì đều gọi là Quyền Tiểu Bồ Tát, hay Quyền Thừa Bồ Tát, chẳng chân thật. Đối với tiêu chuẩn này, nếu chúng ta dùng tỷ dụ trong kinh Kim Cang để nhìn, sẽ lý giải rất dễ dàng! Nửa đầu kinh Kim Cang nói: “Nhược Bồ Tát hữu ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, tức phi Bồ Tát” (Nếu Bồ Tát có tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, bèn chẳng phải là Bồ Tát), nửa bộ sau nói: “Nhược Bồ Tát hữu ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến, tức phi Bồ Tát” (Nếu Bồ Tát có ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến, bèn chẳng phải là Bồ Tát). Do vậy có thể biết, nếu quý vị có bốn tướng, bốn kiến; bốn kiến vi tế hơn bốn tướng rất nhiều, bốn tướng thô, bốn kiến vi tế. “Kiến” là kiến giải, hễ còn có những kiến giải như thế thì quý vị chẳng phải là Bồ Tát. Chẳng phải là hạng Bồ Tát nào? Chẳng phải là Bồ Tát chân thật như đang nói ở đây.

Nói thật thà, chẳng thể nói [vị ấy] không phải là Bồ Tát, vị ấy là Bồ Tát, nhưng chẳng phải là chân thật Bồ Tát, chẳng phải là Pháp Thân đại sĩ. Ở đây nói [cõi Thật Báo Trang Nghiêm là] “Pháp Thân đại sĩ sở cư” (là nơi ở của Pháp Thân đại sĩ), nhưng vị ấy (tức vị Bồ Tát chưa lìa bốn tướng và bốn kiến) chẳng phải là Pháp Thân đại sĩ. Nói cách khác, tuy chúng ta đã phát Bồ Đề tâm, nhưng bốn tướng chưa phá, bốn kiến chưa đoạn, vị Bồ Tát như vậy trụ ở đâu? Trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư hay cõi Phương Tiện Hữu Dư. Tuy phát Bồ Đề tâm, nhưng chưa đắc Thiền Định, bèn trụ trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Nếu đắc Thiền Định, sẽ là cõi Phương Tiện Hữu Dư. Nếu lại phá một phẩm vô minh, chứng một phần bổn tánh, tức là chứng một phần Pháp Thân, đó là chân thật Bồ Tát, trụ trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Nhân chân thật, quả báo cũng chân thật, có ý nghĩa như vậy. Do vậy có thể biết, niệm Phật đạt đến Lý nhất tâm bất loạn liền sanh trong cõi Thật Báo, đây là cách nói theo lẽ thông thường.

Mười phương chư Phật đều có bốn cõi Tịnh Độ, trọn chẳng phải là chỉ riêng Tây Phương Cực Lạc thế giới mới có bốn cõi Tịnh Độ, mà mỗi vị Phật trong mười phương ba đời đều có bốn cõi; nhưng bốn cõi của hết thảy chư Phật chẳng phải là xếp hàng ngang, mà có tầng lớp trên dưới, có thứ lớp cao, thấp, trọn chẳng phải ở cùng một chỗ. Bồ Tát trong cõi Thật Báo chẳng thấy Bồ Tát trong cõi Phương Tiện, Bồ Tát trong cõi Phương Tiện chẳng thấy Bồ Tát trong cõi Đồng Cư, ngoại trừ có nhân duyên đặc biệt. Nếu không, sẽ chẳng thấy nhau; bởi lẽ, giữa các cõi có chướng ngại. Thế giới Tây Phương đặc biệt, bốn cõi xếp hàng ngang kề nhau, chẳng phải là từng tầng một. Nói cách khác, sanh về một là sanh trong hết thảy. Chúng ta sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, dẫu sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư, vẫn cùng với cõi Phương Tiện, cõi Thật Báo, cõi Thường Tịch Quang đều ở cùng một chỗ, nên hằng ngày gặp gỡ các vị đại Bồ Tát (Pháp Thân đại sĩ), cùng sống một chỗ, chẳng thể nghĩ bàn! Trong các cõi nước của mười phương chư Phật chẳng có tình hình như vậy, thế giới Tây Phương đặc biệt. Vì thế, chư Phật khuyên chúng ta cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ, đạo lý ở chỗ này. Đó là “hoành siêu tam giới”, bên kia là “luôn sanh trong bốn cõi”, đó là lợi ích, công đức thù thắng khôn sánh! “Cảm thù thắng báo”, người ấy cảm được quả báo thù thắng, do nội hạnh thù thắng, quả báo cũng thù thắng, thân tướng người ấy biến chuyển vi diệu.

/ 289