A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 122
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang hai trăm sáu mươi bốn.
(Sao) Y báo giả, thân tạ độ cư, cố danh sở y. Tùy sở tác nghiệp, y hữu thắng liệt, cố danh vi báo. Ngôn tùng thị Sa Bà giả, Sa Bà, Cực Lạc tại Hoa Tạng trung, nhị độ tương vọng.
(鈔) 依報者,身藉土居,故名所依;隨所作業,依有勝劣,故名為報。言從是娑婆者,娑婆極樂,在華藏中,二土相望。
(Sao: Y báo là thân nương vào cõi nước để ở, nên gọi là “sở y” (chỗ để nương vào). Tùy theo nghiệp đã tạo, mà sở y thù thắng hay hèn kém, vì thế gọi là Báo. Nói “từ cõi Sa Bà này” là vì hai cõi Sa Bà và Cực Lạc đối diện nhau trong thế giới Hoa Tạng).
Chúng ta xem tiếp từ chỗ này.
(Sao) Kim vân “quá” giả, tùng thử Tây hướng hoành cắng nhi quá dã, Nhất đại thiên giả, tam thiên đại thiên thế giới dã, chí hạ lục phương trung biện.
(鈔) 今云過者,從此西向橫亙而過也。一大千者,三千大千世界也,至下六方中辨。
(Sao: Nay nói là “vượt qua”, tức là từ phương Tây cõi này hướng theo chiều ngang mà đi. Một đại thiên là một tam thiên đại thiên thế giới, đến phần Sáu Phương [Phật Tán Thán] trong phần sau sẽ biện định).
Trong đoạn này đã nói đến vài chuyện, chúng ta nói từng chuyện một. Kinh Hoa Nghiêm nói thế giới Hoa Tạng có hai mươi tầng, thế giới Cực Lạc và thế giới Sa Bà chúng ta cùng ở trong tầng thứ mười ba của thế giới Hoa Tạng. Dùng viễn vọng kính tân tiến nhất của thiên văn trong hiện thời, chúng ta vẫn chưa thể quan sát trọn hết tầng thứ mười ba, huống là bảy tầng phía trên và mười hai tầng phía dưới. Chúng ta đang ở tầng thứ mười ba, có thể thấy thế giới vô cùng to lớn. Trong kinh, đức Phật dạy: Tuyệt đối chẳng phải là cả vũ trụ là một thế giới Hoa Tạng, chẳng phải vậy! Kinh Hoa Nghiêm nói trong hư không có vô lượng vô biên thế giới giống như thế giới Hoa Tạng, ta liền hiểu thế giới to lớn, thật sự chẳng thể nghĩ bàn. Những điều này quả thật còn phải chờ khoa học chứng thực, hiện thời, đích xác là đã chứng thực đôi chút.
“Quá” (過) là vượt qua, từ phương Tây của thế giới Sa Bà, chẳng phải là phương Tây của địa cầu. Chúng ta tu Tịnh Độ, vì sao hướng mặt về phương Tây là chỗ mặt trời lặn, đó chính là phương Tây của địa cầu, vì sao? Nói thật ra, đấy là buộc tâm chuyên hướng đến một phương hướng, mang ý nghĩa ấy! Phương Tây của địa cầu chắc chắn chẳng phải là phía Tây của hệ Ngân Hà, chỉ cốt giữ lấy ý niệm ấy. Trên thực tế, chúng ta vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, đối với phương hướng chúng ta có thể chẳng cần lo ngại, vì sao? Chắc chắn là A Di Đà Phật đến tiếp dẫn quý vị, mang quý vị đi. Rốt cuộc phương hướng ở nơi đâu, quý vị chẳng cần phải tìm kiếm! Nếu chúng ta đi tìm, chắc chắn sẽ không tìm được, vũ trụ to như thế, đến đâu để tìm? Tìm chẳng ra! Nhất định là Quán Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, A Di Đà Phật đến tiếp dẫn chúng ta, dẫn dắt chúng ta ra đi.
Nếu các Ngài chẳng đến tiếp dẫn, sẽ chẳng thể vãng sanh. Vì vậy, khi lâm chung, thụy tướng vãng sanh nhất định là thấy Tam Thánh đến tiếp dẫn. Lúc vãng sanh dẫu có các thụy tướng khác, nếu chẳng có Phật đến tiếp dẫn, đều chẳng đáng tin. Quý vị nói “biết trước lúc mất” thì người có phước báo trong thế gian cũng có thể biết trước lúc mất. Biết trước lúc mất là người có phước báo rất lớn, đời sau kẻ ấy sẽ sanh vào đâu? Không nhất định, có kẻ sanh lên trời, có kẻ sanh trong loài người, có kẻ thành quỷ vương trong quỷ đạo. Phước báo rất lớn đều biết trước lúc mất. Nói thật ra, biết trước lúc mất chẳng nhất thiết là vãng sanh. Vãng sanh nhất định phải thấy Tây Phương Tam Thánh đến tiếp dẫn thì mới là đúng. Quý vị nói sau khi người ấy đã chết, chân tay rất mềm mại, đó cũng là hảo tướng. Nói ngắn gọn, từ những hảo tướng ấy đại đa số chúng ta có thể chứng thực người ấy chắc là chẳng đọa tam ác đạo, đời sau sanh trong hai đường nhân thiên. Dẫu sanh trong ác đạo cũng chẳng sao, người ấy phước báo to lớn, người thế gian chúng ta nói “người ấy đi làm thần”, tối thiểu là hạng như Thổ Địa Công, Thành Hoàng Gia, là đại phước đức quỷ trong quỷ đạo, được gọi là Đa Tài Quỷ, người ấy cũng có rất nhiều thụy tướng. Vì thế, những thứ ấy chẳng đủ để chứng thực. Dẫu có lưu lại xá-lợi, lưu lại nhục thân [không hư hoại], vẫn chưa thể chứng thực. Thụy tướng vãng sanh quyết định là Tam Thánh đến tiếp dẫn, chúng ta phải nhớ điều này!
Tôi nhớ lúc mới học Phật chưa được bao lâu, quen biết lão cư sĩ Châu Kính Trụ. Vị lão cư sĩ này đã vãng sanh bốn năm rồi, thọ chín mươi sáu tuổi. Cụ cùng một tuổi với thầy Lý, vãng sanh trước thầy Lý một năm. Tôi học Phật hết sức có duyên với cụ, cụ là đại biểu Quốc Hội. Thoạt đầu, mới vừa đến Đài Loan, cụ bèn sáng lập Đài Loan Ấn Kinh Xứ, người in kinh Phật sớm nhất tại Đài Loan là cụ. Cụ đi khắp nơi hóa duyên in kinh Phật. Khi đó, số lượng in cũng ít, bản in cũng khá kém, nhưng đã là hết sức khó có! Do tôi có cơ hội quen biết cụ như vậy, nên cụ thường tặng kinh sách cho tôi đọc. Chỉ cần cụ in xong một cuốn sách, nhất định sẽ gởi ngay cuốn đầu tiên cho tôi. Cụ là con rể cụ Chương Thái Viêm. Cụ Chương Thái Viêm là Quốc Học đại sư đầu thời Dân Quốc, là một người rất lỗi lạc. Cụ Chương Thái Viêm từng làm phán quan của Đông Nhạc Đại Đế. Thuở ấy, cụ Châu trọn chẳng tin Phật, nghe bố vợ nói những chuyện ấy, cụ bán tín bán nghi, coi như chuyện thần thoại.