/ 289
521

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 121


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang hai trăm sáu mươi hai:


(Sớ) Hựu bất độc trí vi năng tín, Phật quả thành tựu, giai diêu trí cố.

(疏) 又不獨智為能信,佛果成就,皆繇智故。

(Sớ: Lại nữa, chẳng phải chỉ là do trí bèn có thể tin, mà thành tựu Phật quả cũng đều do trí).


Trong lời Sao, Liên Trì đại sư có giải thích mấy câu này.


(Sao) Hoa Nghiêm nhị thập nhị, kinh vân.

(鈔) 華嚴二十二,經云。

(Sao: Trong kinh Hoa Nghiêm quyển thứ hai mươi hai có nói).


Chư vị đồng học phải nhớ những câu giống như vậy. “Nhị thập nhị” là quyển thứ hai mươi hai. Kinh Hoa Nghiêm có tám mươi quyển, trong quyển thứ hai mươi hai có nói...


(Sao) Nhất thiết chư Phật trang nghiêm thanh tịnh, mạc bất giai dĩ Nhất Thiết Trí cố, tắc tri A Di Đà Phật diệc dĩ thử trí thành tựu Tịnh Độ công đức, nhi chư chúng sanh tu Tịnh Độ giả, dĩ trí sanh tín, tắc vi chánh tín, dĩ trí phát nguyện, tắc vi hoằng nguyện, dĩ trí khởi hạnh, tắc vi diệu hạnh.

(鈔) 一切諸佛莊嚴清淨,莫不皆以一切智故。則知阿彌陀佛亦以此智成就淨土功德。而諸眾生修淨土者,以智生信則為正信,以智發願,則為弘願,以智起行,則為妙行。

(Sao: Hết thảy chư Phật trang nghiêm thanh tịnh, không vị nào chẳng đều do Nhất Thiết Trí, nên biết A Di Đà Phật cũng dùng trí này để thành tựu công đức của Tịnh Độ, mà các chúng sanh tu Tịnh Độ do trí mà sanh lòng tin thì lòng tin ấy là chánh tín, dùng trí để phát nguyện thì nguyện ấy là hoằng nguyện, dùng trí để khởi hạnh thì hạnh ấy là diệu hạnh).


Trong một câu này bao gồm ba tư lương của pháp môn Tịnh Độ, [tức là] ba điều kiện tu hành cơ bản Tín, Nguyện, Hạnh. Ba điều kiện này đều được kiến lập trên trí huệ, nhằm phân biệt chẳng phải là mê tín, chẳng phải là xử sự theo cảm tình, nó là lý tánh, mong các đồng tu phải đặc biệt chú ý điều này, chúng ta mới thật sự hiểu rõ niệm Phật chẳng phải là mê tín. Trang nghiêm cõi nước Phật nhất định phải dùng trí huệ chân thật; do vậy, kinh Vô Lượng Thọ nói ba thứ chân thật, “chân thật huệ”, tức là trí huệ chân thật, “chân thật chi tế”, và “huệ dĩ chúng sanh chân thật chi lợi” (ban cho chúng sanh lợi ích chân thật), nói tới ba thứ chân thật, lấy “chân thật huệ” làm căn cứ bậc nhất. Chú giải kinh này, Liên Trì đại sư cũng dùng Nhất Thiết Trí, cho nên Ngài nói “chẳng riêng gì Tín phải nương vào Trí”, mà thành tựu Phật quả cũng nhờ vào trí huệ. Trong kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta thấy chuyện này đặc biệt rõ ràng. Do vậy, người tu Tịnh Độ chúng ta, [hay nói rộng hơn] là hết thảy chúng sanh tu tập pháp môn Tịnh Độ “dĩ trí sanh Tín” (do trí mà sanh lòng tin) thì [lòng tin ấy] gọi là Chánh Tín. Trong Yếu Giải, Ngẫu Ích đại sư đã nói sáu thứ Tín, “tín tự, tín tha, tín nhân, tín quả, tín Sự, tín Lý”, nói đến sáu thứ. Do vậy, nhất định phải tin tưởng “tâm này làm Phật, tâm này là Phật”. Đây là căn cứ lý luận của toàn thể Phật pháp, bất luận tông nào hay phái nào, “tâm này làm Phật”, đặc biệt là pháp môn “niệm Phật thành Phật” này, niệm Phật thành Phật đấy nhé! Niệm Phật vãng sanh, niệm Phật làm Phật; do vậy, phải tin tưởng chúng sanh và Phật bất nhị! Chỉ sợ quý vị không niệm Phật, chứ người niệm Phật quyết định làm Phật.

Mười pháp giới đều do tự tâm của chúng ta biến hiện, tâm chúng ta tưởng gì liền biến ra cảnh giới ấy. Cho nên, y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới do đâu mà có? Từ trong tưởng tượng biến hiện, sức mạnh của tưởng tượng rất lớn, tưởng điều gì liền biến hiện điều ấy! Chúng ta phải có trí huệ và tín tâm như vậy thì mới được coi là “chánh tín”. Nếu chẳng có trí huệ, nói thật ra, chánh tín sẽ chẳng thể sanh khởi; dẫu có tín tâm vẫn chẳng phải là chánh tín. Chẳng phải là chánh tín, người ấy sẽ thoái chuyển, sẽ thay đổi. Chúng tôi đã từng thấy không ít người niệm Phật, niệm vài chục năm, đến tuổi già bèn thay đổi, học pháp môn khác, điều ấy vô cùng đáng tiếc! Đấy đều là vì trong tín tâm chẳng có trí huệ, là một thứ lòng tin theo cảm tình, nói khó nghe là mê tín, nên kẻ ấy mới thay đổi! Người thật sự có trí huệ chắc chắn sẽ không bị thay đổi!

“Dĩ trí phát nguyện” (dùng trí để phát nguyện), nguyện ấy là “hoằng nguyện”, nguyện ấy cũng chẳng kiến lập trên cơ sở cảm tình hay mê tín! Nó là nguyện từ trong trí huệ Bát Nhã, tức là nguyện phát sanh từ lý trí, tuyệt đối chẳng phải là cảm xúc nhất thời, nên nguyện ấy là chân nguyện. Người ấy hiểu rõ ràng, minh bạch Sự và Lý của y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới, hiểu rõ vì sao phải chọn lựa Tây Phương. Trong Đại Kinh, chuyện này rất rõ rệt. Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, phu nhân Vy Đề Hy gặp nạn, con cái bất hiếu, giam chặt bà ta. Bà cảm thấy thống khổ, ở trong hoàng cung dõi nhìn Linh Sơn. Khi ấy, đức Phật ở núi Linh Thứu, núi Linh Thứu ở ngoài thành Vương Xá. Bà ở trong hoàng cung niệm Phật, cầu Phật đến cứu. Bà ta cảm thấy thế giới này rất khổ, con cái bất hiếu, làm phản. Nếu lúc ấy chẳng có mấy vị đại thần khuyên can, ngăn cản, con bà ta sẽ giết mẹ! Bà ta cảm thấy thế giới này chẳng có ý nghĩa gì, cầu Phật: “Các cõi Phật trong mười phương cõi nào tốt đẹp, con muốn sang đó, chẳng muốn ở trong thế gian này nữa!”

/ 289