/ 289
478

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 120


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang hai trăm năm mươi chín:


(Sớ) Vấn: Chư kinh vô luận, chỉ như bổn giáo nhị kinh, giai hữu phát khởi, kim kinh hà độc bất nhiên? Đáp: Ý di thiết cố, diệc thị bất phát khởi chi phát khởi cố.

(疏)問:諸經無論,只如本教二經,皆有發起,今經何獨不然。答:意彌切故,亦是不發起之發起故。

(Sớ: Hỏi: “Các kinh chẳng bàn tới, chỉ riêng hai kinh thuộc giáo này đều có phần phát khởi, cớ sao riêng mình kinh này chẳng vậy?” Đáp: Do ý càng thiết tha, cũng là chẳng phát khởi mà phát khởi vậy).


Đây là Liên Trì đại sư giả lập một nghi vấn, trên thực tế, cũng có thể có nghi vấn này. “Chư kinh” là các kinh khác, chúng ta chẳng bàn tới, chỉ nói tới Tịnh Độ tam kinh, kinh Vô Lượng Thọ và Quán Kinh đều có phần Phát Khởi, cớ sao Tiểu Bổn A Di Đà Kinh không có ai phát khởi? Nêu ra một câu hỏi như thế, Liên Trì đại sư giải đáp: “Ý di thiết cố” (do ý càng thiết tha)!


(Sao) Bổn giáo nhị kinh giả, Thập Lục Quán Kinh dữ thử kinh Đại Bổn.

(鈔) 本教二經者,十六觀經與此經大本。

(Sao: “Hai kinh thuộc giáo này” là Thập Lục Quán Kinh và Đại Bổn của kinh này).


Đại Bổn là kinh Vô Lượng Thọ.


(Sao) Giai chuyên thuyết Tịnh Độ, cố xưng bổn giáo.

(鈔)皆專說淨土,故稱本教

(Sao: Đều chuyên nói về Tịnh Độ nên gọi là “bổn giáo”).


Đây là Tịnh Độ tam kinh, thời Liên Trì đại sư, kinh điển chuyên về Tịnh Độ Tông là tam kinh nhất luận. Nay chúng ta thấy kinh luận Tịnh Độ là ngũ kinh nhất luận, thêm vào Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm và Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương. Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm do cư sĩ Ngụy Nguyên thêm vào dưới đời Thanh trong niên hiệu Hàm Phong, Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương do Ấn Quang đại sư thêm vào đầu thời Dân Quốc, nên mới biến thành Tịnh Độ Ngũ Kinh. Nói cách khác, cuối phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện là “mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc”, đương nhiên có thể nói là kinh điển Tịnh Độ! Không chỉ là kinh điển Tịnh Độ, mà còn là kinh điển rất trọng yếu trong Tịnh Độ Tông. Trong Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương đã nêu ra cương lãnh tu học vô cùng trọng yếu. Thời Liên Trì đại sư, Tịnh Độ vẫn chỉ có ba kinh. Vì thế, hễ nhắc tới [kinh điển Tịnh Độ] đều không nói ngũ kinh. Chẳng nói tới những kinh điển khác trong bổn giáo, chỉ nói “bổn giáo nhị kinh”.


(Sao) Quán Kinh, tắc Vy Đề thương tử ác nghịch, yếm trược cầu tịnh, nhi viết: “Ngã nguyện sanh thanh tịnh thế giới, bất nhạo thử Diêm Phù Đề trược ác thế” dã. Thị dĩ Xà vương mẫu tử vi phát khởi cố.

(鈔)觀經,則韋提傷子惡逆,厭濁求淨,而曰我願生清淨世界,不樂此閻浮提濁惡世也。是以闍王母子為發起故。

(Sao: Quán Kinh thì bà Vy Đề Hy đau lòng vì con ác nghịch, chán cõi trược, cầu cõi tịnh, bèn nói: “Nguyện sanh về thế giới thanh tịnh, chẳng thích đời trược ác trong cõi Diêm Phù Đề”; đấy là dùng mẹ con vua A Xà Thế để phát khởi).


Đây là nhân duyên phát khởi của Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh.


(Sao) Đại Bổn, tắc Thế Tôn nhất nhật dung nhan dị thường.

(鈔) 大本,則世尊一日容顏異常。

(Sao: Đại Bổn thì một hôm đức Thế Tôn dung nhan khác lạ).


“Dung nhan dị thường” tức là vô cùng hoan hỷ, Phật dùng sự hoan hỷ để phát khởi, hiện tướng lành hoan hỷ khôn sánh, tôn giả A Nan trông thấy.


(Sao) A Nan vấn ngôn: “Ngã tùng thị Phật, vị tằng hoạch đổ oai dung, hữu như kim nhật”.

(鈔)阿難問言:我從侍佛,未曾獲睹威容,有如今日。

(Sao: A Nan hỏi: “Con từ khi hầu Phật đến nay, chưa từng được thấy oai dung giống như ngày hôm nay”).


A Nan trông thấy vô cùng kinh ngạc, lạ lùng, Ngài nói: “Con hầu Phật đã lâu như thế, trước nay chưa hề thấy đức Phật vui sướng giống như ngày hôm nay”. Do vậy, quý vị phải hiểu đức Phật nói kinh này vô cùng hoan hỷ.

(Sao) Khởi phi niệm quá khứ chư Phật, hoặc niệm vị lai chư Phật, cố trí nhiên da?

(鈔) 豈非念過去諸佛,或念未來諸佛,故致然耶。

(Sao: Há chẳng phải là nghĩ tới quá khứ chư Phật hoặc vị lai chư Phật nên mới thành ra như vậy ư?)


A Nan suy nghĩ vì sao đức Phật hoan hỷ ngần ấy? Nhất định là do niệm Phật, chỉ có niệm Phật mới là hoan hỷ nhất, bèn hướng về Thích Ca Mâu Ni Phật thỉnh giáo.

/ 289