A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 119
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang hai trăm năm mươi sáu:
Nhị, Chánh Tông phần.
二、正宗分。
(Hai, phần Chánh Tông).
Trong phần trước, chúng tôi đã giới thiệu Tự Phần của kinh này, từ hôm nay trở đi, chúng ta bước vào phần Chánh Tông của kinh này. “Tự” (序) là giới thiệu, dẫn nhập, những ý nghĩa trọng yếu nhất trong một bộ kinh đều thuộc bộ phận Chánh Tông Phần này; vì thế, văn tự cũng đặc biệt nhiều, nghĩa lý được nêu bày hết sức tường tận. Trong phần Chánh Tông chia thành bốn đoạn lớn, tức bốn khoa:
1) “Sơ, tường trần y chánh linh sanh tín nhạo” (trước hết, nêu bày cặn kẽ y báo và chánh báo để [người nghe] sanh lòng tin ưa) là đoạn thứ nhất, tức khoa mục lớn thứ nhất. Bốn đoạn lớn ấy chẳng ngoài ba món tư lương là Tín - Nguyện - Hạnh. Đoạn thứ nhất trần thuật tỉ mỉ y báo và chánh báo trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. “Y báo” là hoàn cảnh sống của chúng ta, “chánh báo” là tự thân, trừ thân thể của chính chúng ta ra đều gọi là y báo; người khác là hoàn cảnh nhân sự (quan hệ giữa con người với nhau) của chúng ta. Trong hoàn cảnh có hoàn cảnh nhân sự và hoàn cảnh vật chất, thảy đều là y báo. Nói “chánh báo” là nói tới tự thân của chúng ta, đừng nghĩ hết thảy hữu tình chúng sanh đều là chánh báo, [nghĩ như thế] là sai lầm. Nếu chúng ta thật sự lý giải, thật sự hiểu rõ y báo và chánh báo của Tây Phương Cực Lạc thế giới, tự nhiên sẽ sanh tâm đại hoan hỷ!
Nói thật ra, khá nhiều đồng tu học Phật chúng ta học Phật đã nhiều năm ngần ấy, dường như ngày nào cũng lần chuỗi niệm A Di Đà Phật, nhưng có hiểu rõ y báo và chánh báo của Tây Phương Cực Lạc thế giới hay không? Chẳng hiểu rõ! Vì sao biết quý vị chưa hiểu rõ ràng? Nếu quý vị thật sự hiểu rõ, một hạt xá-lợi của Thích Ca Mâu Ni Phật khiến cho quý vị động tâm thì Thích Ca Mâu Ni Phật là đại ma vương! Vì sao? Tâm quý vị niệm lâu ngày ngần ấy, vừa mới niệm đến mức được thanh tịnh chút ít, gặp dịp này, tâm thanh tịnh của quý vị liền bị phá hoại, chẳng còn nữa, điều đó gọi là “ma cảnh hiện tiền”. Vì thế, chư Phật, Bồ Tát quyết định chẳng đến thế gian này, [bởi] đến đây chẳng có ích gì cho quý vị, nếu đến sẽ hại chết quý vị, vì sao? Quý vị chấp tướng. Phật muốn chúng ta tu gì? Muốn chúng ta tu tâm thanh tịnh, muốn chúng ta thành tựu Niệm Phật tam-muội. Các Ngài đến sẽ khiến cho chúng ta bị quấy động, [thế là] chúng ta chuyện gì cũng xôi hỏng bỏng không!
Quý vị hãy nghĩ xem, chúng tôi giảng kinh, tu học ở chỗ này nhiều năm, tâm mới an định một chút, bị hai hạt xá-lợi từ Tư Lý Lan Kha (Sri Lanka, Tích Lan) biến thành tình trạng ấy, Phật thấy chúng ta thành ra nông nỗi này sẽ ứa lệ! Đấy là điều chẳng nên! Tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, quý vị sẽ thấy chân thân của Phật, còn thấy xá-lợi gì nữa! Vì thế, người thật sự niệm Phật trong mười hai thời, giữ được sự thanh tịnh, bình đẳng của chính mình trong hết thảy cảnh duyên, đấy mới là có thể đi vào khuôn khổ. Phật lưu lại xá-lợi hoặc lưu lại chân thân, chỉ nhằm khiến cho những kẻ còn chưa tin Phật sẽ sanh khởi lòng tin, dụng ý ở chỗ này. [Đối với người] đã nhập môn, chẳng cần đến thứ ấy nữa! Đối với những kẻ chưa dấy lên lòng tin, đối với xã hội thông tục, xá-lợi rất hiếm lạ, họ đến chiêm ngưỡng, sanh khởi tín tâm. Người đã sanh tín tâm phải tiến cao hơn nữa, chớ nên chấp trước những thứ ấy, chớ nên thoái chuyển, chỉ có tinh tấn, đừng bị lui sụt! Hy vọng chư vị liễu giải ý nghĩa này.
Chánh báo của Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng thể nghĩ bàn, thường nói là “tất thọ thanh hư chi thân, vô cực chi thể” (đều nhận lấy cái thân trong sạch, rỗng rang, bản thể vô cực), thân thể trong suốt, chẳng có tí ti ô uế nào! Đã thế, thân ấy chẳng phải có, chẳng phải không, thật sự có hình tướng, nhưng chẳng có gì để quý vị nắm bắt, giống như mây mù. Có mây hay không? Có, nhưng quý vị có thể nắm được nó hay không? Nắm chẳng được. Vì thế, nó có thể “tương tức, tương nhập”, sự sự vô ngại. Thân thể hai người có thể hợp thành một, có thể tách rời, vì sao? Chẳng có chướng ngại! Như ánh sáng, như hình bóng, vĩnh viễn bất hoại. Do vậy, đúng là Vô Lượng Thọ, chẳng phải là vô lượng trong hữu lượng, mà thật sự là vô lượng trong vô lượng. Quý vị phải chú tâm lãnh hội điều này!
Đoạn văn này chủ yếu nhằm dạy chúng ta sanh khởi tín tâm và dục vọng ưa thích đối với Tây Phương Cực Lạc thế giới, thế giới của mười phương chư Phật đều chẳng sánh bằng Tây Phương Tịnh Độ. Nơi tốt đẹp ngần ấy, chúng ta không chỉ phải đến, mà còn phải đến cho nhanh, phải sớm có ngày đến đó, người thật sự liễu giải nhất định là như vậy.