/ 289
477

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 118


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang hai trăm năm mươi tư:


Tam, nhân thiên chúng.

三、人天眾。

(Ba, chúng trời người).


Xin xem kinh văn.


(Kinh) Cập Thích Đề Hoàn Nhân đẳng, vô lượng chư thiên đại chúng câu.

(經) 及釋提桓因等。無量諸天大眾俱。

(Kinh: Và Thích Đề Hoàn Nhân v.v... vô lượng chư thiên đại chúng cùng nhóm họp).


Chúng ta đọc lời chú giải của Liên Trì đại sư.


(Sớ) Cập giả, thừa tiền ngôn Tịnh Độ pháp môn, bất đản chư thánh dự hội, nhất thiết phàm chúng giai đồng văn cố.

(疏)及者,承前言淨土法門,不但諸聖與會,一切凡眾皆同聞 故。

(Sớ: “Cập” nhằm tiếp nối ý đã nói trong phần trước: Pháp môn Tịnh Độ chẳng phải chỉ có thánh chúng dự hội mà hết thảy phàm chúng đều cùng nghe).


Câu này nói rõ trạng huống trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, quả thật là chỗ để hữu tình chúng sanh thuộc chín pháp giới cùng nhau nhóm họp một chỗ. Hiện tượng này cũng nói rõ sự viên chứng ba thứ Bất Thoái, lên trọn bốn cõi. Từ kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta thấy hết sức cặn kẽ, kinh Di Đà cũng nói giống như vậy. Bồ Tát sanh sang cõi Thật Báo Trang Nghiêm của bên đó, như bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ trong hội Hoa Nghiêm, tuy sanh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm, nhưng cũng đồng thời sanh vào cõi Thường Tịch Quang, cũng sanh trong cõi Phương Tiện Hữu Dư, và cũng sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Do vậy rất đặc biệt, bốn cõi xếp hàng ngang, chẳng xếp theo hàng dọc, đây là chỗ khác với mười phương thế giới; đó gọi là “sanh vào một là sanh trong hết thảy”. Phàm phu cũng như vậy, phàm phu sanh vào cõi kia, hễ sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư nơi ấy, cũng đồng thời sanh trong ba cõi trên. Có thể cùng với các vị thượng thiện nhân, “thượng thiện nhân” chỉ Đẳng Giác Bồ Tát, hằng ngày có thể ở cùng một chỗ với các vị Đẳng Giác Bồ Tát, vì bốn cõi trong Tây Phương Tịnh Độ xếp hàng ngang, chẳng theo hàng dọc; cho nên có thể ở cùng một chỗ.

Ở đây, “nhất thiết phàm chúng” (hết thảy phàm chúng), “phàm chúng” là kẻ chưa đoạn Kiến Tư phiền não, điều này cũng là nói tùy thuận theo tri kiến của bọn chúng sanh chúng ta trong thế giới này. Thật ra, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, dẫu một phẩm Hoặc vẫn chưa đoạn, họ cũng là Bồ Tát, đấy là vì trong bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật có nói: Phàm người vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới thảy đều là Bồ Tát. Do đó, thế giới ấy là thế giới thuần túy Bồ Tát, ở cõi chúng ta đây (thế giới Sa Bà) là ngũ thừa, bên kia chỉ có nhất thừa, chẳng có ngũ thừa. Nói “phàm phu” nghĩa là Kiến Tư phiền não chưa đoạn, nói A La Hán tức là đã đoạn Kiến Tư phiền não, nhưng chưa phá Trần Sa và Vô Minh. Chỉ dùng những danh từ này để tỷ dụ, chẳng phải là thật sự. Tuyệt đối chẳng giống như trong cõi này (thế giới Sa Bà), chúng ta nói “nhân thiên”, họ thật sự là nhân thiên, nói A La Hán bèn thật sự là A La Hán. Cõi kia chẳng vậy, do tùy thuận tập khí của chúng ta mà nói [nhân thiên, Thanh Văn]. [Cõi ấy] thuần nhất Bồ Tát, từ đại kinh (kinh Vô Lượng Thọ), chúng ta thấy điều này rất rõ ràng. Vì thế, hợp hai kinh lại để giảng quả thật rất có lợi!


(Sớ) Thích Đề Hoàn Nhân, thử vân Năng Thiên Chúa. Viết “đẳng”, hựu viết “vô lượng” giả, tận nhất thiết chư thiên cố.

(疏)釋提桓因,此云能天主。曰等,又曰無量者,盡一切諸天故。

(Sớ: Thích Đề Hoàn Nhân, cõi này dịch là Năng Thiên Chúa. Nói “đẳng”, còn nói là “vô lượng” vì gồm trọn hết thảy chư thiên).

Thích Đề Hoàn Nhân (Śakro Devānām Indrah) là tiếng Phạn, dịch sang tiếng Hán là Năng Thiên Chúa. Thích là Năng, Thích Ca là Năng Nhân. Đề Hoàn Nhân là thiên chúa (chúa một cõi trời), [nên Thích Đề Hoàn Nhân] dịch là Năng Thiên Chúa. Ông ta có năng lực, “Năng” là [từ ngữ] tán thán, ca ngợi ông ta. Ông ta thật sự là một vị chúa trời tốt, cai quản thiên chúng, cho thấy ông ta hết sức có trí huệ, có năng lực, thống lãnh thiên chúng hết sức trật tự, có thể [xử sự] đúng như pháp. Ngọc Hoàng Đại Đế như người Trung Quốc hay nói, trên thực tế là Thích Đề Hoàn Nhân được nói tới trong kinh điển, là Đao Lợi Thiên Chúa. Cõi trời ấy được gọi là Đao Lợi thiên, Đao Lợi (Trayastrimśa) là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Tam Thập Tam (ba mươi ba), nên còn gọi là Tam Thập Tam Thiên. Quý vị phải nhớ Tam Thập Tam Thiên là một tầng trời, chẳng phải là ba mươi ba tầng. Có rất nhiều người hiểu lầm, nói Phật giáo bảo chỉ có ba mươi ba cõi trời, hiểu lầm rồi. Tam Thập Tam Thiên là một tầng trời. Vì sao nói ba mươi ba? Đấy là nhân duyên của Thích Đề Hoàn Nhân trong đời quá khứ.

/ 289