/ 289
562

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 117

 

  Xin xem A Di Đà  Kinh  Sớ  Sao  Diễn  Nghĩa  Hội  Bản, trang hai

trăm năm mươi hai:

 

  Tam, tổng kết.

  (Kinh) Dữ như thị đẳng chư đại Bồ Tát.

  三、總結。

  (經) 與如是等諸大菩薩。

  (Ba, tổng kết.

  Kinh: Cùng với các vị đại Bồ Tát giống như vậy).

 

  Câu này nhằm tổng kết phần Bồ Tát Chúng trong phần trên.

 

  (Sớ) Kết thượng lệ dư đồng tiền, tựu đương kinh, tắc biểu Tín, Hạnh, Nguyện tam, thành Tịnh Độ nhân cố.

  (疏)結上例餘同前,就當經,則表信行願三,成淨土因故。

  (Sớ: Kết lại [ý nghĩa biểu pháp của] những vị trên đây và các vị Bồ Tát khác giống như trong phần trên, kinh này biểu thị ba thứ Tín, Hạnh, Nguyện, tạo thành cái nhân Tịnh Độ).

 

  Đoạn này sẽ được giải thích trong lời Sao.

 

  (Sao) “Đồng tiền” giả, kết thượng Văn Thù, Di Lặc đẳng. “Lệ dư”, tắc Phổ Hiền, Quán Âm nhất thiết Bồ Tát dã.

  (鈔)同前者,結上文殊彌勒等。例餘,則普賢觀音一切菩薩也。

  (Sao: “Giống như trên” là kết luận Văn Thù, Di Lặc v.v... [đã nói trong] phần trên. “Các vị Bồ Tát khác” là như Phổ Hiền, Quán Âm, hết thảy các vị Bồ Tát).

 

  Số lượng các vị Bồ Tát dự hội rất nhiều, vì sao không nêu tên các Ngài, ở đây chỉ nhắc tới bốn vị Bồ Tát Văn Thù, A Dật Đa, Càn Đà Ha Đề, Thường Tinh Tấn? Nêu tên nhằm biểu thị pháp, có ý nghĩa giống như [ý nghĩa biểu pháp] của mười sáu vị tôn giả trong phần Thanh Văn Chúng ở phía trên. Ngoài bốn vị Bồ Tát này ra, các vị Bồ Tát khác dự hội khá đông, nên nói “dữ như thị đẳng” (và các vị Bồ Tát giống như thế). Chữ “như thị” chỉ bốn vị Bồ Tát đã nói trong phần trước. Các vị Bồ Tát giống như các Ngài rất nhiều!

  (Sao) Tín, Hạnh, Nguyện giả, Diệu Thủ biểu tín.

  (鈔) 信行願者,妙首表信。

  (Sao: “Tín, Hạnh, Nguyện”: Diệu Thủ biểu thị Tín).

 

  Văn Thù Bồ Tát (Diệu Thủ) tượng trưng cho Tín.

 

  (Sao) Cầu sanh Tịnh Độ, Tín vi tối tiên, kinh vân “nhược hữu tín giả”, thị dã.

  (鈔) 求生淨土,信為最先,經云若有信者是也。

  (Sao: Cầu sanh về Tịnh Độ thì lòng tin là [điều kiện cần phải hội đủ] trước hết. Kinh nói “nếu kẻ nào có lòng tin” chính là nói về điều này).

 

  Thứ nhất là phải kiến lập lòng tin chân thật đối với Tây Phương Tịnh Độ, quyết định chẳng hoài nghi, có như vậy thì chuyện vãng sanh mới quyết định nắm chắc. Phàm là người niệm Phật đến lúc cuối cùng chẳng thể vãng sanh, tuyệt đại đa số nguyên nhân là đến phút cuối, lòng tin dao động, tới lúc lâm chung chẳng tin tưởng, hoặc chẳng nỡ bỏ thế giới này, những điều ấy tạo thành chướng ngại cho sự vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Do vậy, lúc bình thời, vì sao chúng ta phải thâm nhập, nghiên cứu, đọc kinh luận Tịnh Độ? Mục đích là đoạn nghi, khiến cho nội tâm của chúng ta thật sự chẳng còn nghi hoặc, tín tâm thanh tịnh.

 

  (Sao) Tinh Tấn biểu nguyện hạnh, tinh giả bất tạp.

  (鈔) 精進表願行,精者不雜。

  (Sao: Tinh Tấn biểu thị nguyện và hạnh, Tinh là chẳng xen tạp).

 

  Là chẳng xen tạp!

 

  (Sao) Tấn giả, bất thoái.

  (鈔) 進者不退。

  (Sao: Tấn là chẳng lui sụt).

 

  Là chẳng gián đoạn; ở đây nói tới bất thoái, tức là chẳng lui sụt.

 

  (Sao) Bất tạp giả, kinh vân nhất tâm bất loạn. Bất thoái giả, kinh vân “bất thoái chuyển Bồ Đề” thị dã.

  (鈔)不雜者,經云一心不亂。不退者,經云不退轉菩提是也。

  (Sao: “Chẳng tạp”, kinh nói “nhất tâm bất loạn”. Bất thoái: Kinh nói “chẳng thoái chuyển Bồ Đề” là nói tới điều này).

 

  Càn Đà Ha Đề Bồ Tát biểu thị ý nghĩa này. Sau khi đã tin mới thật sự phát nguyện. Lòng tin chẳng vững vàng, nguyện lực chẳng mạnh mẽ; vì lẽ đó, người ấy tu hành chẳng nỗ lực, dễ giải đãi. Thông thường, chúng ta thấy người tu Tịnh Độ hoàn toàn chẳng phải là không sốt sắng, nhưng kẻ ấy trọn chẳng thấy đây là một chuyện trọng yếu, chúng ta biết gốc bệnh của họ là do lòng tin chẳng kiên cố. Nếu lòng tin kiên cố, tự nhiên nguyện lực mạnh mẽ, to lớn, nhất định coi niệm Phật là đại sự bậc nhất trong một đời này. Cơm có thể không ăn, chẳng cần ngủ, nhưng chẳng thể không niệm Phật! Chúng ta biết người ấy thật sự tin, thật sự nguyện vãng sanh, đúng là dốc hết tánh mạng để thực hiện, người như vậy chắc chắn có thành tựu. Lợi ích thứ hai do thâm nhập kinh luận là giúp chúng ta có năng lực tiếp dẫn chúng sanh. Bản thân chúng ta đạt được lợi ích ấy, lợi ích ấy là lợi ích thù thắng khôn sánh. Cổ đức nói lợi ích ấy là “lợi ích hiếm có, khó gặp từ vô lượng kiếp đến nay”, ngày nay chúng ta đã đạt được, sau khi đã đạt được, đương nhiên chính mình thành tựu.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289