A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 113
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang hai trăm ba mươi tám:
Nhị, tổng kết
(Kinh) Như thị đẳng chư đại đệ tử.
(Sớ) Như thị giả, kết thượng. Đẳng giả, lệ dư. Đại giả, thâu tiền Đại nghĩa.
二、總結。
(經) 如是等諸大弟子。
(疏) 如是者,結上。等者,例餘。大者,收前大義。
(Hai, tổng kết.
Kinh: Các vị đại đệ tử như thế.
Sớ: “Như thị” nhằm kết lại phần trên. “Đẳng” là nói đến những vị khác. “Đại” gồm thâu ý nghĩa của chữ Đại trong phần trên).
Câu này nhằm tổng kết tất cả mười sáu vị tôn giả đã được nêu ra trong phần trước. Trong kinh Phật, các con số mang ý nghĩa biểu thị pháp, như trong kinh này, chúng ta thấy dùng “thất” nhiều nhất, chẳng hạn như “thất trùng hàng thụ”, “thất trùng lan thuẫn”, “thất bảo trì”, dùng chữ Thất để biểu thị sự viên mãn. Thất có nghĩa là Đông, Nam, Tây, Bắc, trên, dưới, chính giữa, mang ý nghĩa ấy. Kinh Hoa Nghiêm thường dùng Thập để biểu thị pháp. Thập là con số, từ một đến mười là con số viên mãn; vì vậy, nó mang ý nghĩa biểu thị pháp. Thập Lục cũng nhằm biểu thị pháp, trong Mật Tông, nó biểu thị ý nghĩa đại viên mãn. Từ kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta thấy “Hiền Hộ đẳng thập lục Chánh Sĩ” (mười sáu vị Chánh Sĩ như Hiền Hộ v.v...), ở đây cũng dùng “thập lục” nhằm biểu thị ý nghĩa nói rõ “Thiền - Tịnh bất nhị, Mật - Tịnh bất nhị”. Cư sĩ Hạ Liên Cư lão nhân gia thường nói: “Tịnh Độ là hiển thuyết của Mật Tông”. Ngài khẳng định Tịnh và Mật là một, không hai; nhất là Phổ Hiền Bồ Tát đại diện cho pháp môn này. Trong Mật Tông, tổ sư Kim Cang Tát Đỏa (Kim Cang Thủ Bồ Tát) là hóa thân của Phổ Hiền Bồ Tát. Vì thế, biết rằng: Thiền trở về Tịnh Độ, mà Mật vẫn trở về Tịnh Độ. Chẳng trở về Tịnh Độ, sẽ chẳng thể viên mãn rốt ráo! Do đó, ta biết: Hiển, Mật, Tông, Giáo đến cuối cùng thảy đều quy vào Tịnh Độ, đấy mới là rốt ráo viên mãn. Con số này nhằm biểu thị ý nghĩa ấy. Bộ kinh này bao gồm toàn bộ Phật pháp trong ấy; vì thế, pháp môn này thù thắng chẳng thể nghĩ bàn.
(Sớ) Đệ tử giả.
(疏) 弟子者。
(Sớ: Đệ tử).
Những vị ấy đều là Đại Thừa Bồ Tát thị hiện làm Thanh Văn, tuyệt đối chẳng phải là tỳ-kheo thật sự, mà là Đại Bồ Tát thị hiện.
(Sớ) Học tại sư hậu viết Đệ.
(疏) 學在師後曰弟。
(Sớ: Học sau thầy nên gọi là Đệ).
Có ý nghĩa này, thầy tuổi lớn hơn trò.
(Sớ) Giải tùng sư sanh viết Tử.
(疏) 解從師生曰子。
(Sớ: Sự hiểu biết do thầy mà sanh ra nên gọi là Tử).
Quý vị khai ngộ là do thầy giúp đỡ, quý vị khai ngộ dưới tay thầy, nên có ý nghĩa Sanh, [tức là] sanh trí huệ. Pháp Thân huệ mạng do thầy mà sanh; vì thế, chữ Đệ Tử do đó mà có!
(Sớ) Như tư thắng hội, khả vị “nan đệ, nan huynh, thiện tác, thiện thuật”.
(疏) 如斯勝會,可謂難弟難兄,善作善述。
(Sớ: Hội thù thắng như thế, có thể nói “em khó có, mà anh cũng khó có, khéo làm, khéo thuật”).
“Nan đệ, nan huynh” có điển cố, trong phần sau sẽ nói tới.
(Sao) “Kết thượng, lệ dư” giả, tiền kết thập lục tôn giả, hậu lệ thiên nhị bách nhân dã.
(鈔) 結上例餘者,前結十六尊者,後例千二百人也。
(Sao: “Kết phần trước, nói đến những người khác” là tiểu kết [phần kinh văn nói về] mười sáu vị tôn giả trong phần trước, sau đó nhắc tới một ngàn hai trăm vị [Thường Tùy Chúng]).
Mười sáu vị ấy là đại biểu, trên thực tế, một ngàn hai trăm năm mươi lăm vị dự hội đều được bao gồm trong ấy.
(Sao) “Thâu tiền Đại nghĩa” giả, thử đại đệ tử, tức tiền đại tỳ-kheo, đại A La Hán, dĩ nhất Đại tự nhiếp tiền nhị dã.
(鈔)收前大義者,此大弟子,即前大比丘大阿羅漢,以一大字攝前二也。
(Sao: “Gồm thâu ý nghĩa chữ Đại trong phần trên”: Các vị đại đệ tử ấy, chính là đại tỳ-kheo, đại A La Hán trong phần trước, dùng một chữ Đại để gồm trọn hai ý nghĩa được nói trong phần trên).
Ý nghĩa này dễ hiểu.
(Sao) “Học tại sư hậu” giả, tiên giác, hậu giác, như huynh tiên đệ hậu cố. “Giải tùng sư sanh” giả, khải phát, dục dưỡng, nhi thành pháp khí, sở vị: “Tùng Phật khẩu sanh, đương thiệu Phật chủng”, như phụ mẫu sanh tử cố.