/ 289
429

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 111


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang hai trăm hai mươi lăm:


Tam, xuất danh hiệu.

Sơ, chúng danh.

(Kinh) Trưởng lão Xá Lợi Phất, Ma Ha Mục Kiền Liên, Ma Ha Ca Diếp, Ma Ha Ca Chiên Diên, Ma Ha Câu Hy La, Ly Bà Đa, Châu Lợi Bàn Đà Già, Nan Đà, A Nan Đà, La Hầu La, Kiều Phạm Ba Đề, Tân Đầu Lô Phả La Đọa, Ca Lưu Đà Di, Ma Ha Kiếp Tân Na, Bạc Câu La, A Nậu Lâu Đà.

三、出名號。

初、眾名。

(經)長老舍利弗。摩訶目犍連。摩訶迦葉。摩訶迦旃延。摩訶俱絺羅。離婆多。周利槃陀伽。難陀。阿難陀。羅睺羅。憍梵波提。賓頭盧頗羅墮。迦留陀夷。摩訶劫賓那。薄拘羅。阿耨樓馱。

(Ba, nêu danh hiệu.

Thứ nhất, danh hiệu của thánh chúng.

Kinh: Trưởng lão Xá Lợi Phất, Ma Ha Mục Kiền Liên, Ma Ha Ca Diếp, Ma Ha Ca Chiên Diên, Ma Ha Câu Hy La, Ly Bà Đa, Châu Lợi Bàn Đà Già, Nan Đà, A Nan Đà, La Hầu La, Kiều Phạm Ba Đề, Tân Đầu Lô Phả La Đọa, Ca Lưu Đà Di, Ma Ha Kiếp Tân Na, Bạc Câu La, A Nậu Lâu Đà).


Đây là nêu ra [danh hiệu] của mười sáu vị thượng thủ trong kinh Di Đà.


(Sớ) Trưởng lão giả, đức trưởng, lạp lão, hựu đức lạp cụ nhất, diệc thông xưng trưởng lão, quán hạ thập lục tôn túc.

(疏)長老者,德長臘老,又德臘具一,亦通稱長老,貫下十六尊宿。

(Sớ: “Trưởng lão”: Đức cao, tuổi hạ cao. Lại nữa, nếu giữa đức hạnh và tuổi hạ, chỉ hội đủ một thứ, cũng đều gọi là trưởng lão. Chữ “trưởng lão” chỉ chung cả mười sáu vị tôn túc [được liệt kê trong đoạn chánh kinh trên đây]).


Trong Phật môn, “trưởng lão” (Āyuśmat) là cách xưng hô vô cùng tôn kính; vị ấy ắt phải xuất gia khá lâu, thông thường, theo thói quen tại Trung Quốc, xuất gia ba mươi năm mới có thể xưng là “trưởng lão”, đồng thời còn phải là một vị hữu học, hữu đức.


 (Sao) Lạp giả, xuất gia nhất tuế danh nhất lạp. Châu tuế chi trung, duy nhất lạp cố.

(鈔) 臘者,出家一歲名一臘。周歲之中,惟一臘故。

(Sao: “Lạp”: xuất gia mỗi năm là một lạp, bởi lẽ, trong một năm chỉ có một tháng Chạp).


Người xuất gia theo thói quen gọi Lạp là một năm. “Châu tuế” là một năm, trong một năm chỉ có một tháng Chạp[1]. Nói bao nhiêu Lạp, trên thực tế là nói bao nhiêu năm.

(Sao) Diệc vân “nhất hạ”, ý chánh đồng dã.

(鈔) 亦云一夏,意正同也。

(Sao: Còn nói là một Hạ, ý nghĩa tương đồng).


Còn gọi là “một Hạ”, ý nghĩa tương đồng. Hạ là mùa Hè, gọi là “nhất Hạ” vì trong Phật giáo có quy chế An Cư mùa Hạ, An Cư quả thật là một chế độ vô cùng hay. Lúc đức Phật tại thế, sống theo lối khất thực. Mùa Hè tại Ấn Độ là mùa mưa, từ Rằm tháng Tư đến Rằm tháng Bảy là mùa mưa, mùa mưa đi ra ngoài khất thực khá khó khăn. Trời mưa lắm nước, trên mặt đất rất nhiều trùng, đi khất thực thường là không chú ý, mỗi ngày sẽ đạp chết mấy con trùng, cũng là vô ý sát sanh. Đồng thời, bọn ngoại đạo tại Ấn Độ cũng khất thực, trong ba tháng mùa mưa, họ cũng không ra ngoài khất thực, cũng có thể nói là họ đều an cư. Nếu đệ tử Phật đi khất thực trong ba tháng ấy, người thế gian sẽ xầm xì: “Bọn họ hình như chẳng giống kẻ tu đạo. Người khác tu đạo đều rất tuân thủ quy củ, chứ bọn họ không giống kẻ tu đạo”. Vì thế, có rất nhiều định chế về tập quán sinh hoạt trong nhà Phật chịu ảnh hưởng từ những tôn giáo ở Cổ Ấn Độ.

Nhưng đức Phật đã ban [cho tập tục an cư mùa Hạ] một ý nghĩa đặc biệt, thù thắng! Ý nghĩa đặc biệt là ngoài những đệ tử thường tùy hằng ngày theo Phật, thân cận Phật mỗi ngày ra, đức Phật còn có rất nhiều đệ tử, số lượng còn nhiều hơn các vị thường tùy đệ tử, họ đều chủ trì các đạo tràng, giảng kinh, thuyết pháp tại mỗi địa phương. Những vị này có cơ hội thân cận Phật rất ít, hàng năm chỉ có một lần trong ba tháng An Cư mùa Hạ, thảy đều trở về gặp đức Phật, tức là mỗi năm họ có ba tháng ở cùng một chỗ với đức Phật, tiếp nhận tái giáo dục. Quy chế này vô cùng hay, mới thật sự có thể khiến cho dạy và học đều tiến triển. Do vậy, hằng năm, Phật có ba tháng để giáo dục nâng cao trình độ, gom các môn đệ trụ trì hoằng pháp các nơi về. Một mặt là tìm các vị ấy về nghe đức Phật thuyết pháp, mặt khác là những đồng học cùng nhau nghiên cứu thảo luận, chẳng hạn như vị ấy ở nơi này hóa độ chúng sanh, gặp những vấn đề khó khăn, gặp phải những kẻ kỳ quái, đối phó ra sao, có những nỗi khó khăn nào, các đồng học sẽ cùng nhau trao đổi ý kiến, khiến cho trí huệ tăng trưởng, tăng trưởng kỹ năng ứng xử với tín đồ. Vì thế, đây là một quy chế giáo dục vô cùng tốt đẹp.

/ 289