/ 289
481

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 110


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang hai trăm hai mươi ba.


(Sao) Văn danh đổ hình giả, thị thân sơ nhất đối, tri giả nhĩ văn tắc tư mộ nguyện kiến, thức giả mục kích tắc phụng sự bất vi dã.

(鈔)聞名睹形者,是親疏一對,知者耳聞則思慕願見,識者目擊則奉事不違也。

(Sao: “Nghe tiếng, thấy hình” là cặp ý nghĩa thân - sơ. Tri là tai nghe bèn nghĩ nhớ, hâm mộ, mong được thấy. Thức là gặp gỡ bèn phụng sự chẳng trái nghịch).


Câu này nhằm giải thích lời Sớ: “Văn danh khâm đức, viết Tri. Đổ hình kính phụng, viết Thức” (Nghe tiếng kính trọng, ngưỡng mộ đức là Tri, thấy mặt kính trọng, phụng sự là Thức), mang ý nghĩa nói rõ các vị Thường Tùy đệ tử của đức Thế Tôn, nói theo cách bây giờ, đều hết sức nổi tiếng, thuở ấy, trong ngoài nước đều biết tới những nhân vật ấy. Mỗi người trong số các Ngài đều có sở trường đặc thù, về sau, trong kinh điển, các vị kết tập luôn dùng họ đại diện Phật pháp. “Văn danh” là nghe nói tới người ấy, “đổ hình” là đã từng thấy người ấy. Nghe tiếng là sơ, gặp mặt đương nhiên là thân thiết, [nên lời Sao mới nói] “thân sơ nhất đối” (một cặp ý nghĩa thân và sơ). Lại nói tới Tri Thức, Tri có nghĩa là nghe tiếng, “nhĩ văn tắc tư mộ nguyện kiến” (tai nghe bèn nghĩ nhớ, hâm mộ, mong được thấy), “nguyện kiến” không nhất định đã được gặp, còn Thức là đã từng gặp gỡ. Đây là giải thích chữ Tri Thức đơn giản.


(Sao) Kiến hình, kiến tâm giả, thị thiển thâm nhất đối. Tri giả, tắc diện đối quang nghi. Thức giả, tắc thần giao ý địa dã.

(鈔)見形見心者,是淺深一對。知者則面對光儀,識者則神交意地也。

(Sao: “Thấy mặt, thấy tâm” là một cặp ý nghĩa sâu và cạn. Tri là chỉ đối diện với hình dung. Thức là thấu hiểu tâm ý).

Ở đây có một cặp ý nghĩa sâu và cạn, tức là chúng ta đã từng gặp mặt một người, gặp mặt là quen biết, nhưng chẳng thâm giao, chẳng thường qua lại. Nếu có mối thâm giao, thường qua lại, sự quen biết ấy sâu đậm hơn. Do vậy, trong sự quen biết cũng có sâu hay cạn sai khác, câu này có ý nghĩa như vậy. Dưới đây, đại sư trích dẫn một câu chuyện từ trong kinh Phật.


(Sao) Như nhị tăng cận Phật, kỳ nhất đạo vong, Phật dĩ vong giả vi tiên kiến ngã, tức kiến tâm chi vị dã.

(鈔)如二僧覲佛,其一道亡,佛以亡者為先見我,即見心之謂也。

(Sao: Như có hai vị tăng muốn đến thân cận Phật, một vị vì đạo mà chết, đức Phật nói “vị Tăng đã mất thấy ta trước”, ý nói thấy tâm vậy).


Trong câu chuyện này, có hai người xuất gia muốn đến gặp Phật, nhưng khoảng cách khá xa xôi, thuở ấy, chẳng có phương tiện giao thông thuận lợi, toàn là đi bộ. Đi qua đồng hoang chẳng tìm được nước, thuở ấy nguồn nước thiếu thốn, khá vất vả mới tìm được nước, nhưng trong nước ấy có trùng, uống nước ấy đương nhiên là sát sanh. Trong đó có một vị xuất gia trì giới rất nghiêm, chẳng dám uống, nên chết khát, đương nhiên chẳng thấy Phật. Người kia khát nước, chẳng có cách nào khác, đành uống nước, sau đấy, đến gặp Phật. Đức Phật hỏi vị đó: “Ông từ đâu đến?” Vị ấy thưa: “Hai người chúng con kết bạn đến gặp Phật, giữa đường, một người chẳng dám uống nước có trùng nên chết khát”. Đức Phật bảo vị ấy: “Người chết khát đó đã sớm gặp ta, ông đến quá trễ rồi!” Nói rõ người kia thấy Phật là thấy bằng tâm, còn vị này thấy Phật là thấy hình dáng, tức là thấy bằng thân, chẳng phải là thấy bằng tâm. Do vậy, trong đây có sâu hay cạn sai khác. “Phật dĩ vong giả vi tiên kiến ngã, tức kiến tâm chi vị dã” (đức Phật nói vị Tăng đã mất thấy ta trước, ý nói thấy tâm vậy).


(Sao) Tri tức thức giả.

(鈔) 知即識者。

(Sao: Tri chính là Thức).


Tri và Thức có thể gộp lại để dùng.

(Sao) Do ngôn tương tri tương thức dã.

(鈔) 猶言相知相識也。

(Sao: Giống như nói “tương tri tương thức” vậy).


Tận cho đến chỗ này, đều nhằm giải thích chữ Tri Thức.


(Sao) Đức cao vọng trọng, danh mãn thiên hạ, nhân nhân tri chi, nhân nhân thức chi, cố viết “chúng sở tri thức” dã. Nhất thuyết cử chúng chi trung, thử vi đa tri đa thức, nhân thiên nhãn mục, vân chúng đạo dã.

(鈔)德高望重,名滿天下,人人知之,人人識之,故曰眾所知識也。一說舉眾之中,此為多知多識,人天眼目,云眾導也。

(Sao: Đức cao vọng trọng, tiếng tăm lừng lẫy thiên hạ, ai nấy đều biết, ai nấy đều hay, nên nói là “chúng sở tri thức”. Một thuyết khác là giữa đại chúng, những vị ấy được nhiều người hay biết, là mắt của trời người, nên gọi họ là bậc hướng dẫn đại chúng vậy).

/ 289