/ 289
477

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 109


Xin xem A Di Đà kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang hai trăm hai mươi:


(Sớ) Độc cử thiên nhị bách ngũ thập nhân giả, dĩ thường tùy cố.

(疏) 獨舉千二百五十人者,以常隨故。

(Sớ: Riêng nêu lên một ngàn hai trăm năm mươi người vì họ thường theo đức Phật).


Thính chúng được liệt kê trong kinh Phật đại đa số đều là một ngàn hai trăm năm mươi vị, chỉ có rất ít kinh là ngoại lệ. Vì sao đều nêu lên một ngàn hai trăm năm mươi vị? Đại sư bảo những vị ấy là Thường Tùy Chúng của đức Phật.


(Sao) Thường tùy giả, vị Phật xuất thế gian, sở độ La Hán, tỳ-kheo, thậm đa vô lượng, hà độc cử thử?

(鈔)常隨者,謂佛出世間,所度羅漢比丘,甚多無量,何獨舉此。

(Sao: “Thường tùy” nghĩa là: Đức Phật xuất hiện trong thế gian, độ La Hán, tỳ-kheo số nhiều đến vô lượng, cớ sao nêu riêng những vị này?)


Thuở Phật tại thế, quả thật đã độ rất nhiều người; vì sao thường nêu con số này?


(Sao) Dĩ thử thiên nhị bách ngũ thập nhân giả, tối tiên quy Phật.

(鈔) 以此千二百五十人者,最先歸佛。

(Sao: Do một ngàn hai trăm năm mươi người này quy y đức Phật sớm nhất).


Đấy là những vị được đức Phật độ sớm nhất. Sau khi đắc độ, những vị này thường chẳng rời đức Phật, đức Phật đi đến đâu, các Ngài đều theo đến đó.


(Sao) Hựu thường bất ly Phật, trực chí Phật diệt, cố độc cử dã.

(鈔) 又常不離佛,直至佛滅,故獨舉也。

(Sao: Lại thường chẳng rời đức Phật mãi cho đến khi đức Phật diệt độ, nên nêu riêng những vị này).


Mãi cho đến sau khi đức Phật thị hiện Bát Niết Bàn (nhập Niết Bàn), các Ngài mới rời khỏi; vì thế, trong kinh thường nhắc tới những vị này. Những vị này đều chẳng phải là người tầm thường, trong Phật môn thường nói: “Một vị Phật ra đời, ngàn vị Phật ủng hộ”. Nếu đức Phật đến nơi nào đó giảng kinh mà chẳng có ai nghe, hoằng pháp sẽ chẳng có hiệu quả. Năm ngoái, tôi sang Tân Gia Ba, pháp sư Diễn Bồi bảo tôi: “Đừng nên sang Mỹ!” Vì sao chẳng thể sang? Sư nói: “Chúng ta là pháp sư giảng kinh, sang bên đó không có thính chúng, chúng ta sang làm gì?” Chẳng làm gì được hết! Lời ấy nói rất có lý! Ở Mỹ, thính chúng có thể đông tới cả trăm người, cũng là rất nhiều, pháp duyên thù thắng hiếm có, có tình hình như thế, nhưng đó là chuyện đôi khi, giống như chúng tôi một hai năm, sang đó một lần, họ đăng báo, phát thông cáo, tổ chức pháp hội. Pháp hội kéo dài dăm ba ngày thì được, cũng có thể đông tới hai ba trăm người, là hiện tượng rất hiếm có. Nếu giảng kinh trong một thời gian dài như ở nơi đây, giảng mỗi ngày, sợ rằng không có ai đến nghe, có được đôi ba người đến nghe cũng chẳng thể coi là ít! Đấy là tình hình tại Mỹ. Do vậy, ở nơi ấy, Phật pháp vẫn chưa truyền tới bên đó! Giảng kinh bên Tân Gia Ba, thông thường là thính chúng từ năm trăm người trở lên, cho tới khoảng chừng một ngàn người là hiện tượng rất thường thấy, rất phổ biến. Vì thế, bên đó nghe kinh thù thắng hơn chúng ta ở nơi đây!

Đức Phật xuất hiện trên thế gian chẳng thể không có thính chúng, trong số một ngàn hai trăm năm mươi người ấy, có rất nhiều vị là cổ Phật tái lai. Nếu không phải là cổ Phật thì gần như cũng là đại Bồ Tát, đều là minh tâm kiến tánh đăng địa Bồ Tát, hoặc Viên Giáo địa thượng Bồ Tát. Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện trên thế gian này chẳng có thính chúng, các Ngài sẽ đến làm thính chúng. Đã làm thính chúng, đương nhiên chẳng thể dùng thân phận Phật hay Bồ Tát, chẳng thể làm như vậy, nhất loạt theo Phật đến thế gian này, thị hiện làm một gã ngoại đạo, hay một kẻ phàm nhân, toàn bộ đều là thị hiện. Không chỉ thính chúng là thị hiện, ngay cả những vị hộ pháp cũng đều là thị hiện, giống như diễn tuồng, toàn thể gánh hát do Phật dẫn đến. Vua Ba Tư Nặc, theo kinh Phật cho biết, chính là Tứ Địa Bồ Tát thị hiện hộ pháp. Phàm phu làm sao hiểu được chỗ hay của Phật pháp? Chẳng hiểu được! Lúc ấy, Phật, Bồ Tát giáng lâm, đương nhiên cũng có Phật, Bồ Tát đồng thời giáng hạ thị hiện làm quốc vương, đại thần, trưởng giả, cư sĩ đến hộ trì Phật pháp, Phật pháp mới hưng long! Có thể thấy nhân duyên thù thắng chẳng thể nghĩ bàn.

Trong một ngàn hai trăm năm mươi người; trước hết, đức Phật tại Lộc Dã Uyển chuyển pháp luân, độ năm tỳ-kheo, tôn giả Kiều Trần Như đắc độ đầu tiên. Năm người ấy đều có quan hệ thân thuộc với Thích Ca Mâu Ni Phật; vốn do Thích Ca Mâu Ni Phật bỏ nhà ra đi, cha Ngài rất lo lắng, chỉ sợ Ngài xuất gia, nên phái năm người ấy đi tìm, mục đích là tìm Ngài về, chẳng để cho Ngài xuất gia. Nào ngờ, đức Phật thần thông quảng đại, đều độ hết năm vị này, đấy là chuyện tại Lộc Dã Uyển. Về sau, gặp gỡ ba vị Ca Diếp, tôn giả Ca Diếp tu theo ngoại đạo, các Ngài có đồ chúng; ngài Đại Ca Diếp có năm trăm đệ tử, do vậy, đoàn thể này khá to. Hai vị kia là anh em của ngài Ca Diếp, mỗi người có hai trăm năm mươi người. Thầy trò ba vị Ca Diếp gộp thành một ngàn người. Họ gặp Phật, cũng đắc độ, biến thành một ngàn lẻ năm người. Về sau, gặp gỡ Mục Kiền Liên và Xá Lợi Phất, hai vị này cũng là thủ lãnh ngoại đạo, mỗi người có đồ chúng một trăm người. Kết quả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên theo Phật xuất gia, các đồ chúng của hai Ngài cũng đều xuất gia theo Phật; vì thế, có một ngàn hai trăm lẻ năm người. Ngoài ra, còn có năm mươi đồng tử cũng đắc độ; hợp thành Tăng đoàn một ngàn hai trăm năm mươi lăm người. Do năm người là số lẻ không nói tới, nên một ngàn hai trăm năm mươi người là số tròn, trên thực tế là một ngàn hai trăm năm mươi lăm người.

/ 289