/ 289
335

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 104

 

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm chín mươi chín:

 

  (Sớ) Thánh nhân vô ngã, kim hà xưng Ngã? Trí Luận hữu tam: Nhất, tùy thế gian cố; nhị, phá tà kiến cố; tam, bất trước vô ngã cố. Dĩ thị tam giả, bất ngại thuyết Ngã. Hựu Pháp Thân chân ngã, diệc đắc xưng Ngã.

  (疏)聖人無我,今何稱我?智論有三:一、隨世間故,二、破邪見故,三、不著無我故。以是三者,不礙說我,又法身真我,亦得稱我。

  (Sớ: Thánh nhân vô ngã, nay cớ sao nói là Ta? Trí Độ Luận nêu lên ba điều: Một, do tùy thuận thế gian; hai, do phá tà kiến; ba, do chẳng chấp trước Vô Ngã. Do ba điều ấy, nói Ngã chẳng trở ngại gì. Lại nữa, Pháp Thân là Chân Ngã, nên cũng nói Ngã).

 

  Đoạn này nhằm ngăn ngừa trước trường hợp có những kẻ học một chút Phật pháp, [bèn bắt bẻ] trong kinh Phật thường nói phải phá Ngã Chấp và Pháp Chấp. Sơ Quả đã phá Thân Kiến, Tứ Quả La Hán đã phá Ngã Chấp, vì sao, các Ngài vẫn còn nói Ta? Ngăn ngừa mối nghi hoặc như thế, cho nên ở đây, đại sư đặc biệt giảng rõ, Ngài dẫn ba ý nghĩa [vì sao] xưng là Ta như trong Đại Trí Độ Luận đã giảng. Trong phần dưới có giải thích ba ý nghĩa ấy, chúng ta hãy đọc lời Sao:

 

  (Sao) Thử hạ phục phân “ngã văn” vi nhị, ly thích đồng tiền.

  (鈔) 此下復分我聞為二,離釋同前。

  (Sao: Dưới đây lại chia “ngã văn” thành hai đoạn để giải thích từng điều [riêng rẽ] giống như [phương cách giải thích hai chữ “như thị”] trong phần trên).

 

  “Ly” là tách ra để giảng, Ngã là gì? Văn là gì? Giống như phương cách đã được sử dụng trong phần trước. Điều thứ nhất là:

 

  (Sao) Nhất vân tùy thế gian giả, vị thế pháp trung thuyết Ngã, phi Đệ Nhất Nghĩa trung thuyết Ngã, tùy thuận thế gian nhi thuyết, vô hữu thật thể, tắc bất quai ư Đệ Nhất Nghĩa dã.

  (鈔)一云隨世間者,謂世法中說我,非第一義中說我,隨順世間而說,無有實體,則不乖於第一義也。

  (Sao: Một là nói “tùy thuận thế gian” có nghĩa là nói Ngã theo pháp thế gian, chẳng phải là nói Ngã như trong Đệ Nhất Nghĩa Đế, tùy thuận thế gian mà nói, [cái Ngã ấy] chẳng có thực thể, nên chẳng trái nghịch Đệ Nhất Nghĩa).

 

  Đệ Nhất Nghĩa chẳng thể nói được, điều này thường diễn tả là “ngôn ngữ dứt bặt, tâm hành xứ diệt”. Những gì có thể diễn tả được đều là Đệ Nhị Nghĩa, Đệ Tam Nghĩa! Những gì có thể tư duy, tưởng tượng, cũng không phải là Đệ Nhất Nghĩa. Đệ Nhất Nghĩa là gì? Trong Đệ Nhất Nghĩa, ngay cả Đệ Nhất Nghĩa cũng không có. Nếu có Đệ Nhất Nghĩa, sẽ chẳng phải là Đệ Nhất Nghĩa thật sự. Nói thật ra, nói theo tướng được hiện thì Chân Như bổn tánh được gọi là Nhất Chân pháp giới. “Chư pháp Thật Tướng” như kinh Pháp Hoa đã nói, hay “Lý nhất tâm bất loạn” được nói trong Tịnh Độ đều là Đệ Nhất Nghĩa. Nó có rất nhiều danh từ, hơn một trăm loại, đều nhằm nói về cùng một chuyện! Thật ra, chẳng thể nào diễn tả được! Chính chúng ta phải tự mình thấu hiểu, chỉ có thể lãnh hội, chẳng thể vận dụng tư duy, vì vừa rớt vào tư duy sẽ là Đệ Nhị Nghĩa, chẳng còn là Đệ Nhất Nghĩa nữa.

  Nhà Thiền nói “tham Thiền” tức là lìa tâm ý thức để tham, lìa tâm

ý thức là Đệ Nhất Nghĩa. “Tâm” là A Lại Da thức, “Ý” là Mạt Na thức, tức thức thứ bảy, “Thức” là thức thứ sáu (Ý Thức). Quý vị có thể rời khỏi thức thứ sáu, thức thứ bảy, thức thứ tám, những gì quý vị hiển lộ sẽ là Chân Như bổn tánh, Chân Như bổn tánh là Đệ Nhất Nghĩa. Làm thế nào mới có thể lìa được? Trước hết, quý vị phải hiểu “tâm ý thức” nghĩa là gì? Là hiện tượng như thế nào? Thức thứ sáu, tức Ý Thức, cái tâm phân biệt ấy là thức thứ sáu (Ý Thức), thức thứ bảy là chấp trước, chúng ta nói thức thứ tám là “ghi ấn tượng”. Nói cách khác, quý vị chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, không giữ ấn tượng, lúc ấy là Đệ Nhất Nghĩa. Chúng ta mắt thấy sắc chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, chẳng giữ lại ấn tượng; tai nghe tiếng cũng chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, chẳng giữ lại ấn tượng, tức là không dùng tâm ý thức; khi ấy, lục căn tiếp xúc cảnh giới lục trần đều là Đệ Nhất Nghĩa.

  Ở đây, quý vị hãy khéo suy nghĩ, quý vị có thể nói một câu nào hay không? Đừng nói chi khác, chúng tôi nêu thí dụ như thế này: “Rời khỏi hết thảy danh tướng, quý vị hãy nói một câu xem, đấy là gì vậy? Quý vị có thể nói được hay không?” Lìa khỏi tướng danh tự, quý vị nói “trang giấy” thì “trang giấy” là danh tự, “tinh xá” cũng là danh tự, “cái thẻ kẹp sách” cũng là danh tự! Tôi bảo quý vị rời khỏi tướng danh tự, quý vị hãy nói một câu xem, đó là gì vậy? Chẳng nói được! Chẳng rõ ràng hay sao? Rõ ràng là nói không được, đấy là Đệ Nhất Nghĩa. Quý vị có thể nói được thì là Đệ Nhị Nghĩa, chẳng phải là Đệ Nhất Nghĩa.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289