/ 289
354

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 105

 

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang thứ hai trăm lẻ ba.

 

  (Sao) Phế Biệt tùng Tổng giả, dĩ bất vân “nhĩ văn”, nhi vân “ngã văn”. Lương diêu Ngã tắc thống thâu chư căn thức đẳng, dĩ Tổng cai Biệt, cố vân “ngã văn”.

  (鈔)廢別從總者,以不云耳聞,而云我聞。良繇我則統收諸根識等,以總該別,故云我聞。

  (Sao: “Phế Biệt, theo Tổng”: Do chẳng nói “tai nghe” mà nói “ta nghe”, ấy là vì Ngã bao gồm các Căn, Thức v.v... nên dùng Tổng để bao gồm Biệt. Vì thế, nói “ta nghe”).

 

  Ý nghĩa của đoạn này rất rõ ràng. Chúng ta nói “mắt, tai, mũi, lưỡi, thân” là những bộ phận trên thân thể chúng ta, nói Ngã thì toàn bộ các bộ phận nhiều như vậy đều được bao gồm. Vì thế, chẳng nói là “nhĩ văn” mà nói là “ngã văn”.

 

  (Sao) Thỉ Giáo đẳng giả.

  (鈔) 始教等者。

  (Sao: Thỉ Giáo v.v...)

 

  Đây là giải thích [các ý nghĩa về Ngã] theo Thỉ Giáo, Chung Giáo, và Đốn Giáo trong Đại Thừa.

 

  (Sao) Nhược vân ngã ký vô ngã, văn diệc vô văn, thị Đại Thừa sơ môn, Thỉ Giáo ý dã.

  (鈔)若云我既無我,聞亦無聞,是大乘初門,始教意也。

  (Sao:  Nếu nói “ngã đã là vô ngã, có nghe cũng như không nghe”,

thì đó là ý nghĩa trong Thỉ Giáo, tức là bước đầu của Đại Thừa vậy).

 

  Câu này nói về giáo nghĩa trong Thỉ Giáo. Đại Thừa Thỉ Giáo giảng về Không, hoàn toàn nói theo thể tánh. Nếu dùng thuật ngữ triết học hiện đại để nói thì Thỉ Giáo giảng về bản thể của vạn hữu trong vũ trụ. Bản thể là không tịch; do vậy, hết thảy hiện tượng đều là pháp được sanh bởi nhân duyên. Phàm là “nhân duyên sanh pháp” (pháp sanh bởi nhân duyên) sẽ chẳng có tự tánh, chẳng có tự thể. Vì thế, Ngã quả thật là chẳng thể được (bất khả đắc). Đã chẳng có Ngã thì ai nghe? Đương nhiên cũng chẳng có ai nghe. Đối với Không Tông của Tiểu Thừa và Bát Nhã của Đại Thừa, đều có thể nói là “hết thảy các pháp đều Không”, như thường nói: “Phật diệc vô thuyết, ngã diệc vô văn” (Phật cũng chẳng nói, ta cũng chẳng nghe), đó gọi là “chân văn”. Ý nghĩa này khá sâu, nhất là tông Bát Nhã trong Đại Thừa, [kinh điển thuộc] hệ thống Bát Nhã quả thật khá sâu!

  Đọc Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa, chúng ta thấy cư sĩ Giang Vị Nông đã nói rất rõ ràng: Trong thời đại Đường - Tống, rất ít người muốn giảng kinh Kim Cang, do nguyên nhân nào? Chỉ sợ người ta nghe xong nẩy sanh hiểu lầm, đọa vào Ác Thủ Không (sai lầm do chấp trước lý Không, phủ nhận mọi sự tướng, phế bỏ tu hành) sẽ phiền toái to lớn. Vì thế, trong kinh thường nói: “Ninh khả chấp Hữu như Tu Di sơn, bất khả chấp Không như giới tử” (Thà chấp Có như núi Tu Di, chẳng chấp Không chừng bằng hạt cải). Đó là nói quý vị chấp trước Có, người ấy có thể cứu, Có là như thế nào? Có nhân, có quả, tối thiểu quý vị chẳng dám làm chuyện xấu, sẽ làm việc thiện, thiện có thiện báo, ác có ác báo, còn cứu được! Nếu chấp trước Không, điều gì cũng đều là Không, chuyện xấu gì kẻ ấy cũng dám làm, vì sau khi làm đâu có gì, rỗng không mà! Không xong rồi, rất nhiều tệ nạn! Vì thế, cổ nhân cũng chẳng muốn giảng kinh luận Bát Nhã do sợ người nghe nếu chẳng hiểu rõ ý nghĩa thật sự, sẽ thường nẩy sanh hiểu lầm.

  Gần đây, người bàn luận Bát Nhã (giảng Không) rất nhiều, nói rất huyền, rất diệu, nói đến nỗi hoa trời rơi loạn xạ, thật ra, kẻ ấy có Không hay chăng? Tôi thấy kẻ ấy chẳng Không! Vì sao? Kẻ ấy rất coi trọng danh lợi, rất so đo, có thể thấy kẻ ấy chẳng Không, miệng nói Không, trong tâm chẳng Không. Kẻ ấy nói Không, chắc chắn chẳng phải là nghĩa Không trong tam thừa, vì sao? Nếu chính mình chẳng nhập cảnh giới ấy, những gì quý vị nói đều chẳng thật, giả trất! Chính mình ắt phải khế nhập cảnh giới ấy, thật sự thấu hiểu; sau đó, quý vị nói ra, ý vị sẽ khác hẳn. Hiện thời có rất nhiều kẻ nói Không, đàm huyền thuyết diệu đều là trên mặt văn tự, phần lớn là đọc mấy cuốn sách, miệng nói thao thao như nước chảy; nếu quý vị thật sự hỏi kẻ ấy mấy câu, hắn cũng chẳng thể đáp được! Chúng ta phải hiểu điều này!

  Cư sĩ Giang Vị Nông đổ công sức bốn mươi năm nơi kinh Bát Nhã rất đáng giá, quả thật, ông ta có thể thấu hiểu [Bát Nhã] đôi chút. Tuy có thể thấu hiểu đôi chút, ông ta vẫn chuyên tu Tịnh Độ, cầu nguyện vãng sanh, đó nghĩa là gì? Thưa quý vị, đấy là thật sự hiểu được nghĩa Không. Nói cách khác, kẻ chủ trương “hết thảy đều là Không, vạn pháp đều là Không, trong ngoài đều Không”, hủy báng Tịnh Độ, chẳng muốn cầu sanh Tịnh Độ, thật sự chẳng hiểu nghĩa Không! Mã Minh Bồ Tát, Long Thọ Bồ Tát đều là tổ sư Không Tông, nhưng những vị ấy đều phát nguyện niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Tám tông phái của Đại Thừa Trung Quốc đều do ngài Long Thọ truyền dạy. Vì thế, ngài Long Thọ là tổ sư chung của cả tám tông, là tổ sư khai tông của tám tông phái Đại Thừa, nhưng Ngài là một người cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Do vậy, ta biết: Không có tông nào chẳng quy về Tịnh Độ, cuối cùng đều là chỉ quy Tịnh Độ. Chúng ta phải nên nhận biết chuyện này!

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289