/ 289
575

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 103


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm chín mươi bốn:

(Sao) Lược chương giả, ngôn bất tận ý, cố vân lược dã.

(鈔) 略彰者,言不盡意,故云略也。

(Sao: “Trình bày đại lược”: Nói chẳng hết ý, nên bảo là “đại lược”).


Đây là một đoạn ngắn đã được giảng trong lần trước, nhằm giải thích Văn Tự Bát Nhã.


(Sao) Lục chủng thành tựu, phân hợp nhị khoa giả.

(鈔) 六種成就,分合二科者。

(Sao: Sáu thứ thành tựu được chia ra, và gộp lại thành hai khoa).


Có những bản [chú giải] kinh, sáu thứ thành tựu được chia thành sáu khoa, chia rất tỉ mỉ. Ở đây, Liên Trì đại sư chia khá đơn giản, gộp năm thứ thành tựu đầu thành một khoa, xếp Chúng Thành Tựu thành riêng một khoa, [do vậy, sáu thứ thành tựu được] chia làm hai khoa. “Khai hợp” (tức chữ “phân hợp” được dùng trong lời Sao), “khai” là triển khai, “hợp” là quy nạp; trong kinh Phật có rất nhiều lề lối như vậy.


(Sao) Lệ như Ngũ Uẩn, Lục Căn, hoặc hợp Sắc khai Tâm, hoặc hợp Tâm khai Sắc, tùy kỳ sở nghi, vô định pháp dã.

(鈔)例如五蘊六根,或合色開心,或合心開色,隨其所宜,無定法也。

(Sao: Ví dụ như Ngũ Uẩn và Lục Căn thì Ngũ Uẩn là gộp Sắc, tách Tâm [thành nhiều thành phần khác nhau], hoặc [như trong trường hợp Lục Căn] thì gộp Tâm, chia chẻ Sắc [thành năm căn riêng biệt], tùy thuận cơ nghi, chẳng có pháp nhất định).


Đây là nêu thí dụ. Trong kinh điển nhà Phật và các bản chú giải của cổ đức, những trường hợp như vậy rất nhiều, trong tương lai chư vị đều có thể thấy được. Ngũ Uẩn là năm pháp Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Gộp lại, chẳng hạn như “hợp Sắc khai Tâm”, Sắc chỉ nói một thứ, tức là quy nạp hết thảy các Sắc pháp thành một, nói triển khai Tâm pháp thành bốn thứ. Thọ, Tưởng, Hành, Thức đều là Tâm pháp; đó là “hợp Sắc khai Tâm”. Lục Căn là “hợp Tâm khai Sắc”, Nhãn Căn, Nhĩ Căn, Tỵ Căn, Thiệt Căn, Thân Căn đều là Sắc, chỉ có Ý Căn là Tâm; Tâm pháp nói một thứ, Sắc pháp nói năm thứ. “Hợp” là quy nạp, “khai” là triển khai. Vì thế, thuyết pháp chẳng nhất định; nhưng lúc nói luôn có một nguyên tắc. Vì sao có lúc đức Phật nói Ngũ Uẩn? Có lúc nói Lục Căn? Do đối tượng (thính chúng) khác nhau. Nếu đối phương mê Sắc pháp rất sâu, mê Tâm pháp cạn hơn, bèn đối với điều mê sâu mà nói cặn kẽ, đối với điều mê cạn bèn nói đại lược. Có khi nói nhiều về Tâm pháp, như Ngũ Uẩn là để nói với kẻ mê tâm nặng nề! Nói Lục Căn là đối với kẻ mê sắc nặng hơn một chút, tức là nói với kẻ mê sắc tướng nặng nề. Nếu Sắc lẫn Tâm đều mê nặng nề, đức Phật bèn giảng Thập Nhị Xứ, hoặc Thập Bát Giới. Trong Thập Bát Giới, Sắc pháp được nói rất nhiều, đến mười một thứ: Lục Trần (Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp) là sáu Sắc pháp, trong Lục Căn, trừ Ý Căn thuộc Tâm pháp ra, năm thứ còn lại là Sắc pháp; [do vậy] sáu cộng thêm năm thành mười một thứ, tức là nói đến mười một thứ Sắc pháp. Lục Thức là Tâm pháp, lại còn có Ý Căn. Vì thế, nói đến bảy thứ Tâm pháp, [hợp với mười một món Sắc pháp] thành Thập Bát Giới. Đối với kẻ Sắc và Tâm đều mê sâu đậm, đức Phật thuyết pháp như vậy. Do điều này, ta biết đức Phật chẳng có cách nói nhất định, chỉ tùy thuận nhu cầu của đối phương mà thuyết pháp cho chúng sanh. Nói thật ra, bản thân đức Phật chẳng có pháp nào để nói. Đây là một nguyên tắc trong sự thuyết pháp của đức Phật và trong cách chú giải kinh điển của cổ đức.


(Sao) Phật thị giả.

(鈔) 佛示者。

(Sao: Phật dạy).


Nhằm giải thích câu “Phật thị A Nan cố” (đức Phật dạy A Nan) [trong lời Sớ]. Lục Chủng Thành Tựu trong phần Tự [của một bản kinh] xuất phát từ lời dặn dò của đức Phật.


(Sao) Trí Luận vân: “Phật Niết Bàn thời, thị A Nan ngôn, nhất thiết kinh sơ, giai vân như thị ngã văn, nhất thời Phật tại mỗ quốc, mỗ địa”. Cái thị tôn Phật di sắc cố.

(鈔)智論云:佛涅槃時,示阿難言,一切經初,皆云如是我聞,一時佛在某國某地。蓋是尊佛遺敕故。

(Sao: Trí Độ Luận chép: “Lúc đức Phật nhập Niết Bàn, dạy ngài A Nan: - Đầu hết thảy các kinh đều ghi ta nghe như thế này, một thời đức Phật ở nước nọ, nơi nọ”. Đấy là tôn trọng di giáo của đức Phật vậy).

Lúc Thích Ca Mâu Ni Phật diệt độ, ngài A Nan vẫn giống như phàm phu, trong tâm vô cùng khổ sở. Ngài A Nậu Lâu Đà bảo ngài A Nan hãy thỉnh giáo đức Phật, thỉnh giáo bốn chuyện. Trong ấy có chuyện: Đầu hết thảy các kinh phải xếp đặt ra sao? Đức Phật dạy: Trước hết thảy các kinh đều phải thêm câu “tôi nghe như thế này, một thời, đức Phật ở nơi nào đó, cùng với những người nào”, thêm mấy câu ấy. Do vậy, phần Thông Tự tuân theo “di sắc” của đức Phật, tức là làm theo di giáo của đức Phật.

/ 289