/ 289
324

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 102

 

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm chín mươi hai.

 

  Thập, biệt giải văn nghĩa.

  十、別解文義。

  (Mười, giải thích ý nghĩa của từng đoạn kinh văn riêng biệt).

 

  Khoa mục lớn này là cả một đoạn lớn; đoạn lớn này là đoạn thứ mười, chín đoạn trước đều là Huyền Đàm, nói theo cách bây giờ là phần Khái Luận, còn ở đây là giảng giải kinh văn. Trong đoạn này, toàn bộ kinh văn được chia thành ba phần, tức là ba đoạn:

 

  Sơ Tự Phần, nhị Chánh Tông Phần, tam Lưu Thông Phần.

  初序分,二正宗分,三流通分。

  (Thứ nhất, Tự Phần; thứ hai, Chánh Tông Phần; thứ ba, Lưu Thông Phần).

  Ba phần này cũng cần phải giới thiệu đại lược cùng quý vị. Thể tài trong kinh Phật chẳng giống sách vở trong thế gian. Thế gian có những người viết sách, tự mình viết lời tựa, hoặc cậy người khác viết lời tựa. Lời tựa nhằm dụng ý giới thiệu cuốn sách ấy. Kinh Phật rất đặc biệt, bản thân cuốn kinh có lời Tựa, tức Tự Phần, chẳng cần nhờ người khác viết lời tựa! Kinh có Chánh Tông Phần, Chánh Tông là nói thẳng vào vấn đề, phần chủ yếu nhất nằm trong Chánh Tông Phần. Vì thế, kinh văn của phần này đặc biệt dài, những ý nghĩa chủ yếu đều được giảng rõ trong ấy. Cuối cùng, kinh có một phần được gọi là Lưu Thông Phần, trong các sách thông thường cũng không có phần này. Lưu Thông Phần mang ý nghĩa khuyên người ta sau khi đọc xong, phải giới thiệu kinh này cho người khác, đối với hiện tại phải lưu thông mười phương, chúng ta phổ biến, giới thiệu kinh điển cho đại chúng; đối với người mai sau, phải lưu truyền hậu thế. Phương pháp lưu truyền hậu thế trước kia là in kinh, chép kinh. Thời cổ chưa có [kỹ thuật] ấn loát, chỉ có chép tay; vì thế, chép kinh để truyền cho hậu thế. Đấy là chỗ đặc biệt trong kinh Phật.

  Nhưng ba phần này đều rất trọng yếu, cổ nhân nói: “Như nhân thực mật, trung biên giai điềm” (Như người ăn mật, ở chính giữa hay chung quanh đều ngọt ngào). Mang ý nghĩa này, cân nhắc giữa ba phần có thể nói là chúng [quan trọng] như nhau. Tự Phần lại chia làm hai đoạn, đoạn thứ nhất là Chứng Tín Tự, đoạn thứ hai là Phát Khởi Tự. Chứng Tín Tự còn gọi là Thông Tự, trong hết thảy các kinh đều có Thông Tự; phàm là kinh Phật đều có, phần này gọi là Thông Tự, [Thông nghĩa là] chung cho hết thảy các kinh. Biệt Tự của mỗi bộ kinh khác nhau; phần này nhằm nêu rõ nhân duyên khiến đức Phật giảng bộ kinh này, do duyên cớ nào mà giảng bộ kinh này, nên được gọi là Biệt Tự. Chứng Tín Tự gồm sáu thứ chứng tín, còn gọi là Lục Chủng Thành Tựu.

 

  Sơ Tự Phần, sơ ngũ cú chứng; nhị liệt chúng chứng.

  初序分。初五句證。二列眾證。

  (Thứ nhất, Tự Phần, trước hết là năm câu làm chứng, kế đó, liệt kê các vị thánh giả tham dự pháp hội để làm chứng).

 

  Tổng cộng có sáu câu chứng tín, chúng ta đọc kinh văn.

 

  (Kinh) Như thị ngã văn, nhất thời, Phật tại Xá Vệ quốc, Kỳ Thụ Cấp Cô Độc Viên.

  (經) 如是我聞。一時。佛在舍衛國。祇樹給孤獨園。

  (Kinh: Tôi nghe như thế này, một thời, đức Phật ngự tại nước Xá Vệ, trong vườn của ông Cấp Cô Độc, cây của thái tử Kỳ Đà).

 

  Trong một dòng kinh văn này, có năm thứ chứng tín. “Như thị” là Tín Thành Tựu; “ngã văn” là Văn Thành Tựu. Chúng tôi giảng đơn giản: [Nói] “như thị” là vì thuở ấy, đức Phật giảng kinh không ghi chép, sau khi đức Phật diệt độ, do tôn giả A Nan lặp lại một lượt những kinh đức Phật đã nói khi Ngài còn tại thế. Ngài A Nan có trí nhớ vô cùng mạnh, nghe một lần sẽ vĩnh viễn chẳng quên mất, nên [đại chúng] thỉnh Ngài nhắc lại, tức là lặp lại lần nữa những kinh do đức Phật đã giảng trước đây. Vừa nói vừa có người ghi chép, chỉnh lý, gọi [những biên bản ghi chép ấy] là kinh điển. Hai chữ “như thị” nhằm nói rõ những lời nhắc lại của ngài A Nan quả thật đã dựa trên những gì Thích Ca Mâu Ni Phật đã giảng thuở ấy, chẳng thêm, chẳng bớt, nên gọi là “như thị”. Lặp lại những lời đức Phật đã nói, giống hệt như lời Phật nói. Chẳng phải do chính ngài A Nan nói, mà hoàn toàn là nhắc lại lời Phật dạy. Đấy là Tín Thành Tựu. Giống như vậy, mỗi chữ, mỗi câu trong bộ kinh này đều do A Nan đích thân nghe đức Phật giảng, chẳng phải là nghe kể lại, nên cũng gọi là “như thị”. “Ngã văn” là nhận trách nhiệm đối với người đời sau, A Nan tôi đích thân nghe đức Phật dạy, nên gọi là Ngã Văn (tôi nghe), chẳng phải lần lượt được nghe kể lại, mà là đích thân tôi tự nghe đức Phật nói. Đấy là Văn Thành Tựu.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289