/ 289
437

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 101

 

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm tám mươi chín:

 

  (Sao) Hựu Bồ Tát do nghi cận Phật, như tiền Giáo Khởi trung thuyết, tắc dĩ ngộ tâm giả, diệc chánh ưng niệm Phật cầu sanh, hà túc nghi dã.

  (鈔) 又菩薩猶宜近佛,如前教起中說,則已悟心者,

亦正應念佛求生,何足疑也。

  (Sao: Lại nữa, Bồ Tát vẫn còn nên thân cận Phật, như trong phần Giáo Khởi ở phía trước đã nói: Người đã ngộ tâm cũng phải nên niệm Phật cầu sanh, há còn ngờ ư?)

 

   Theo Quán Kinh, người tu hành phải biết phép Quán hoàn toàn nương vào tâm tánh, dùng tâm tánh của chúng ta để quán y báo và chánh báo trang nghiêm của Tây Phương Cực Lạc thế giới thì cảnh giới Tây Phương Cực Lạc thế giới sẽ có thể hiển thị rõ ràng, minh bạch. Ngược lại, qua sự hiển thị cảnh giới y báo và chánh báo, cũng có thể thấy được tâm tánh của chính chúng ta hiện tiền, nhà Thiền gọi [điều ấy] là “minh tâm kiến tánh”. Đây là lý luận hết sức trọng yếu trong Quán Kinh. Phương pháp trong kinh Vô Lượng Thọ và kinh Di Đà còn thiện xảo và thuận tiện hơn Quán Kinh, chẳng cần dùng đến y báo và chánh báo trang nghiêm của Tây Phương Cực Lạc thế giới. Cách ấy (cách quán trong Quán Kinh) cũng khá rắc rối, [còn kinh Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ] dùng một câu danh hiệu, do một câu danh hiệu ấy mà hiển lộ chân tánh của chính mình. Do vậy, kinh dạy quý vị phải “hệ tâm bất loạn” để niệm câu danh hiệu ấy. Xét về ý nghĩa chung thì [quán tưởng và trì danh] giống nhau, nhưng khó hay dễ khác biệt rất lớn. Trì danh niệm Phật dễ hơn quán tưởng rất nhiều!

  Giảng tới đoạn này, sợ sẽ có người muốn hỏi: “Minh tâm kiến tánh là người khai ngộ. Kẻ chưa khai ngộ đáng nên niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ; người đã khai ngộ dường như không cần thiết, không cần phải cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ?” Vì vậy, đại sư mới viết một đoạn như thế này: Bồ Tát vẫn phải thường thân cận Phật Đà! Từ kinh Hoa Nghiêm, chúng ta thấy Văn Thù, Phổ Hiền và bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ đều là hạng minh tâm kiến tánh, các Ngài vẫn cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới thân cận A Di Đà Phật; có thể thấy ở đây Liên Trì đại sư đã nói chẳng sai. Trong phần Giáo Khởi Nhân Duyên ở phía trước cũng nói rất nhiều. “Tắc dĩ ngộ tâm giả”, tức là người đã minh tâm kiến tánh, đại triệt đại ngộ, “chánh ưng niệm Phật cầu sanh, hà túc nghi dã” (cũng nên niệm Phật cầu vãng sanh, há còn ngờ ư). Kẻ chưa kiến tánh mê hoặc, điên đảo, có lúc cũng chẳng mong vãng sanh Tịnh Độ; hàng kiến tánh Bồ Tát tuyệt đại đa số đều mong vãng sanh Tịnh Độ; từ hội Hoa Nghiêm, chúng ta thấy được điều này. Bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ trong thế giới Hoa Tạng đều vãng sanh; đây là một chứng cứ rất rõ rệt!

 

  (Sao) Hựu Duy Ma kinh vân: “Tuy tri chư Phật quốc, cập dữ chúng sanh không, nhi thường tu Tịnh Độ, giáo hóa ư chúng sanh”.

  (鈔)又維摩經云:雖知諸佛國,及與眾生空,而常修淨土,教化於眾生。

  (Sao: Hơn nữa, kinh Duy Ma dạy: “Tuy biết các cõi Phật, và chúng sanh đều Không, nhưng thường tu Tịnh Độ, giáo hóa các chúng sanh”).

 

  Đây là dẫn chứng, dẫn bốn câu kinh văn từ kinh Duy Ma để làm chứng. “Tuy tri chư Phật quốc, cập dữ chúng sanh Không”, đấy là như kinh Bát Nhã thường nói: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”, “hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”, đấy là tinh tủy của kinh Bát Nhã. Đó là nói về Lý, Sự có phải là như vậy hay chăng? Sự thật xác thực là như vậy. Thế nhưng, chẳng phải là hàng kiến tánh Bồ Tát không thấy chân tướng sự thật ấy, chân tướng sự thật quả thật đúng như hai câu kinh ấy đã nói; thế mà Bồ Tát vẫn niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, dùng phương pháp ấy để tự hành, dạy người. Từ hai câu ấy, chúng ta hiểu rõ mười phương ba đời hết thảy chư Phật, Bồ Tát dùng phương pháp gì để tự mình thành Phật và giúp đỡ chúng sanh thành Phật? Chính là pháp môn Niệm Phật! Bốn câu kinh văn ấy đã giảng rõ ràng. Do vậy biết Tánh và Tướng chẳng mâu thuẫn nhau, mà viên dung, là một, chẳng hai. Chúng ta thường thấy Không Tông và Hữu Tông dường như xung đột, đó là cái nhìn của phàm phu chúng ta, chứ đối với người thật sự nhập cảnh giới, thông đạt sẽ chẳng như vậy! Một chính là hai, hai chính là một, Tánh và Tướng quả thật là một.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289