/ 289
513

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 100


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm tám mươi sáu:


(Sao) Xứng Lý giả, dĩ tức Sự tức Lý. Sở vị, tổng cai vạn hữu, tức thị nhất tâm, tắc y báo chánh báo, hà phi tự tánh? Hựu, tức Lý giả, Sự y Lý thành, như Tịnh Danh vân: “Tùy kỳ tâm tịnh, tắc Phật độ tịnh”.

(鈔)稱理者,以即事即理。所謂總該萬有,即是一心,則依報正報,何非自性。又即理者,事依理成,如淨名云:隨其心淨,則佛土淨。

(Sao: “Xứng Lý”: Sự chính là Lý, Lý chính là Sự, có nghĩa là toàn thể vạn hữu chính là nhất tâm, cho nên y báo và chánh báo, có thứ nào chẳng phải là tự tánh? Lại nữa, “tức Lý”: Sự nương vào Lý mà thành, như kinh Tịnh Danh đã nói: “Hễ tâm tịnh, cõi Phật sẽ tịnh”).


Đây là trích dẫn một câu rất nổi tiếng trong kinh Duy Ma để chứng thực.

(Sao) Kim kinh ngôn nhất tâm bất loạn.

(鈔) 今經言一心不亂。

(Sao: Nay kinh này nói “nhất tâm bất loạn”).


[Chữ “kim kinh”] chỉ bộ kinh A Di Đà đang được chúng tôi giảng.


(Sao) Tức tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ, vi nhất kinh đại chỉ dã. Minh lý nhi đàm, vân “xứng Lý” dã.

(鈔)即自性彌陀,惟心淨土,為一經大旨也。冥理而談,云稱理也。

(Sao: “Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ” là tông chỉ chánh yếu của kinh này; ngầm nói đến Lý nên gọi là “xứng Lý”).


Tông chỉ quan trọng nhất của kinh này là “tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ”.


(Sao) Giác thị tổng nghĩa, giác thể chi trung, quảng đại tất bị, vô cùng vô tận, thị vi biệt nghĩa.

(鈔)覺是總義,覺體之中,廣大悉備,無窮無盡,是為別義。

(Sao: Giác là nghĩa tổng quát, trong giác thể rộng lớn trọn đủ, vô cùng, vô tận; đấy là nghĩa riêng biệt).


Những điều này đều nhằm giải thích [những ý nghĩa] trong lời Sớ. “Giác” là tổng nghĩa, [tức là] nói tổng quát. Trong đoạn trước, lời Sớ đã giảng: “Tự tánh giác thị Phật nghĩa” (tự tánh giác là ý nghĩa của chữ Phật). Câu tiếp theo là “giác thể chi trung” (trong giác thể) nhằm giải thích câu “tự tánh giác vô lượng, thị A Di Đà nghĩa” (tự tánh giác vô lượng là ý nghĩa của A Di Đà) [trong lời Sớ]. “Quảng đại”: Quảng là nói theo tác dụng; cho nên nó bao gồm các ý nghĩa “rộng nhiều, rộng rãi mênh mông”. “Giác thể” là chân tâm của chúng ta, chân tâm vốn giác; vì thế, nó được gọi là Bổn Giác. Phật môn thường nói tới mê, mê gì vậy? Mê mất Bổn Giác. Nói cách khác là mê bổn tâm, hoặc có thể nói là mê bổn tánh. Bổn Tâm, Bổn Tánh và Bổn Giác đều có cùng một ý nghĩa. Chúng ta mê là mê điều này, nên mới biến thành bất giác. Mê như thế nào? Nói thật ra, điều này cũng hoàn toàn chẳng khó hiểu! Trong tâm chúng ta có ý niệm, đó là mê. Vì sao? Trong chân tâm chẳng có ý niệm. Trong kinh Đại Thừa, đức Phật thường dạy: “Chân tâm ly niệm”, chẳng có ý niệm. “Có niệm” là vọng tâm. Nói cách khác, có niệm là bất giác, là mê; vô niệm là giác. Chúng ta nghe nói như vậy, được rồi, tất cả hết thảy các vọng niệm đều dứt trừ, điều gì cũng chẳng nghĩ tới, vậy thì quý vị có giác hay không? Vẫn là bất giác! Vì sao nói là “bất giác?” Vì quý vị vẫn còn có “vô niệm”. Quý vị có vô niệm, tức là vẫn còn có ý niệm [“ta nay đã vô niệm”], chuyện này phiền lắm. “Có niệm” là bất giác, vô niệm cũng là bất giác. Do vậy, trong sự lìa ấy, chẳng những không thể có hữu niệm, mà vô niệm cũng chẳng cần đến. Hữu niệm lẫn vô niệm thảy đều lìa, chân tâm bèn hiện tiền.

Bởi lẽ, có những kẻ hiểu lầm, ngỡ “lìa hết thảy niệm” là niệm gì cũng đều chẳng cần đến, rốt cuộc vẫn giữ chặt một cái “vô niệm”. Quý vị có niệm hay không? Tôi chẳng có ý niệm thì “chẳng có ý niệm” vẫn là một niệm, vẫn là một vọng niệm! Vì thế, người ấy chẳng có cách nào hiển lộ chân tâm, chẳng có cách nào khôi phục giác thể, đạo lý ở chỗ này. Đấy là “tu Vô Tưởng Định” như trong nhà Phật thường nói. “Vô tưởng” vẫn là một thứ tưởng, tức là suy tưởng đến sự “vô tưởng” ấy. Do vậy, người ấy vẫn còn một niệm, cho nên chẳng phải là công phu thật sự, quả báo là [sanh trong] Vô Tưởng Thiên (Asamjñisattvāh), tu hành đến cuối cùng biến thành ngoại đạo. Vô Tưởng Thiên là ngoại đạo. Chúng ta phải hiểu đạo lý này, tu hành đúng là khó, thật sự chẳng phải là chuyện dễ dàng! Đến khi quý vị có công phu tu hành kha khá, sẽ thường xuất hiện nhiều cảnh giới, quá nửa những cảnh giới ấy [thoạt nhìn] rất giống [thánh cảnh], nhưng chẳng phải [là thánh cảnh thật sự]. Vì thế, [nếu hành nhân không biện định, hiểu rõ], sẽ thường bị rơi vào cảnh ma.

/ 289