/ 289
459

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 99

 

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm tám mươi lăm:

 

  (Sớ) Xứng lý, tắc tự tánh giác, thị Phật nghĩa; tự tánh giác vô lượng, thị A Di Đà nghĩa; tự tánh Bổn Thỉ nhị giác, thị lưỡng độ quả nhân nghĩa; tự tánh giác thể biến chiếu, thị thuyết kinh nghĩa. Hậu giai lệ thử.

  (疏)稱理,則自性覺,是佛義;自性覺無量,是阿彌陀義;自性本始二覺,是兩土果人義;自性覺體遍照,是說經義。後皆例此。

  (Sớ: Xứng Lý thì tự tánh giác là ý nghĩa của chữ Phật. Tự tánh giác vô lượng là nghĩa của A Di Đà. Bổn Giác và Thỉ Giác trong tự tánh là ý nghĩa người đã chứng quả trong hai cõi. Thể của tự tánh giác chiếu khắp là ý nghĩa “nói kinh”. Những điều sau đó cứ dựa theo đấy [mà suy ra ý nghĩa]).

 

   Đoạn văn này khá quan trọng. Cổ nhân thường dạy chúng ta, nghe kinh phải “tiêu quy tự tánh”, tu hành phải “chuyển Thức thành Trí”, dạy chúng ta hai cương lãnh trọng yếu ấy. Chúng ta tu học đến rốt ráo sẽ đạt được gì, mấu chốt ở ngay trong hai câu này. Liên Trì đại sư viết tác phẩm chú giải này, mỗi đoạn văn đều tiêu quy tự tánh; những bản chú giải khác dẫu có, cũng chẳng nêu bày rõ rệt dường ấy. Đây là nêu gương nhằm dạy chúng ta một phương pháp học tập.

  Do vậy, Phật pháp cầu từ nơi đâu? Phải cầu từ tự tánh, đấy mới là Phật pháp chân chánh, Phật pháp chẳng ở bên ngoài. Kinh văn là bên ngoài, là ngôn thuyết, đức Phật đã tỷ dụ, kinh Lăng Nghiêm ghi “do như chỉ nguyệt” (giống như ngón tay chỉ mặt trăng), ngón tay ấy là ngôn giáo của đức Phật, hết thảy kinh điển đều là ngón tay để chỉ điều gì? Chỉ vầng trăng, mục đích nhằm dạy quý vị hãy nhìn vầng trăng, chớ nên nhìn ngón tay. Nhìn ngón tay là trật mất rồi, ngỡ ngón tay là mặt trăng, lầm lẫn quá đỗi! Do ngón tay ấy, quý vị bèn thấy vầng trăng, vầng trăng tượng trưng tự tánh. Vì thế, đoạn xứng tánh này nhằm giảng về tự tánh, nhắc nhở chúng ta học Phật phải học theo cách như thế ấy. Đoạn này nhằm giảng tựa đề kinh, tức là [giảng giải] Phật Thuyết A Di Đà Kinh, làm thế nào để biến Phật Thuyết A Di Đà thành tự tánh của chính mình thì quý vị mới thật sự đạt được. Đạt được điều gì vậy? Minh tâm kiến tánh, tức là những gì do tự tánh lưu lộ và những điều Phật đã giảng chẳng khác nhau.

  “Phật”“tự tánh giác”. Trong Đàn Kinh, Lục Tổ đại sư đã giảng cương lãnh tu hành. Tuy Ngài thuộc Thiền Tông, nhưng nói đến cương lãnh tu hành trên thực tế cũng có tầng lớp, Ngài giảng năm tầng lớp. Đầu tiên Ngài nói đến “Nhất Thể Tam Bảo”, đây là điều những kẻ học Phật chúng ta mong cầu. Đối với cương lãnh tu học, lão nhân gia nêu ra Tam Quy. Tam Quy của Ngài chẳng phải là “quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng”, mà là “quy y Giác, quy y Chánh, quy y Tịnh”, nói rõ ràng; những câu này thuần túy nói về Tự Tánh Tam Bảo. Thật ra, ý nghĩa của “Phật, Pháp, Tăng” viên mãn hơn “Giác, Chánh, Tịnh”, vì Phật - Pháp - Tăng Tam Bảo, có thể giảng là Nhất Thể Tam Bảo, mà cũng có thể giảng là Biệt Tướng Tam Bảo, hoặc có thể giảng là Trụ Trì Tam Bảo, đều có thể nói như thế, ý nghĩa viên mãn đều được bao gồm trong ấy. Tôi nghĩ, Thiền Tông nói “giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm” (truyền riêng ngoài Giáo, chỉ thẳng tâm người), Ngài trực tiếp chỉ rõ “Giác, Chánh, Tịnh” trong tự tánh là Tam Bảo, là chỗ quy y chân thật của chúng ta. Cách giảng này chẳng hàm hồ chút nào, mà rõ rệt, minh bạch. Giáo Hạ cũng không ra ngoài lệ ấy, hết thảy đều lấy Tự Tánh Tam Bảo làm chỗ quy y chân thật cho chúng ta. Ở đây, [Liên Trì đại sư dạy]: “Xứng Lý, tắc tự tánh giác thị Phật nghĩa” (Tương xứng với Lý, tự tánh giác là ý nghĩa của chữ Phật).

   Kinh Kim Cang nói: Nếu quý vị cầu Phật nơi sắc tướng, hoặc cầu Phật nơi âm thanh, sẽ là “thị nhân hành tà đạo” (người ấy hành tà đạo). Sắc tướng là gì? Quý vị nghĩ ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp của đức Phật chính là Phật, sai rồi! Cầu nơi âm thanh: Thuở ấy, đức Phật thuyết pháp, âm thanh bao gồm kinh điển nhà Phật. Cầu từ nơi kinh điển, cầu từ lời thuyết pháp thì có thể cầu Phật được hay không? Chẳng cầu được, vì sao? Cầu pháp ngoài tâm! Sắc tướng và âm thanh đều là lục trần bên ngoài, trong ấy đâu có Tam Bảo? Vì thế, nhất định phải biết quay đầu. Nói tới Phật là nói tới vị Phật trong tự tánh của chúng ta thì bản thân quý vị mới thật sự được thụ dụng. Nếu quý vị nghĩ “ở ngoài tâm ta thật sự có một đức Phật đang thuyết pháp”, chính mình thì sao? Chẳng phải là chính mình biến thành ma ư? Nhất định phải biết: Tự và Tha chẳng hai, Tánh và Tướng như một, đức Phật trong tâm của chính mình thuyết pháp cho chính mình, thuyết pháp nhằm đánh thức tự tánh giác của chúng ta thì mới hòng đạt được mục đích. Do vậy, nhất định phải nhận biết rõ ràng ý nghĩa chữ Phật, quyết định chẳng nói tới ai khác, mà là nói đến tự tánh giác.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289