/ 289
470

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 98


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm tám mươi lăm:


(Sớ) Thử kinh bổn danh Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Kinh.

(疏)此經本名:稱讚不可思議功德一切諸佛所護念經。

(Sớ: Kinh này vốn có tên là Kinh Khen Ngợi Công Đức Chẳng Thể Nghĩ Bàn Được Hết Thảy Chư Phật Hộ Niệm).

Tên kinh này do chính Thích Ca Mâu Ni Phật nói ra. Trong phần sau, trong đoạn Sáu Phương Phật sẽ nêu ra tên gốc của kinh này. Tên này hết sức trọng yếu. Từ tên kinh này, chúng ta có thể nhận biết pháp môn này chẳng thể nghĩ bàn. Xưng Tán là ai khen ngợi? Mười phương ba đời hết thảy chư Phật, không vị Phật nào chẳng khen ngợi, khen ngợi điều gì? Khen ngợi Bất Khả Tư Nghị Công Đức. Công là gì? Đức là gì? Công là tín nguyện trì danh, công phu, công tu hành ấy. Đức là gì? Đức và Đắc (đạt được) có cùng một ý nghĩa, thời cổ, hai chữ này dùng lẫn lộn; vì thế, Đức là cái ta đạt được! Quý vị nương theo công phu này để tu, sẽ đạt được gì? Vãng sanh bất thoái. “Tín nguyện trì danh, vãng sanh bất thoái” là công đức của bộ kinh này!

Vì sao nói chẳng thể nghĩ bàn? Thật sự chẳng thể nghĩ bàn. Sự thật này “chỉ có Phật và Phật mới có thể thấu đạt rốt ráo”, Đẳng Giác Bồ Tát cũng chẳng thể hiểu rất rõ ràng, do nguyên nhân nào? Chúng ta thường tán thán Phật là vạn đức vạn năng, giác hạnh viên mãn. Có rất nhiều người nói khen ngợi như vậy chính là cách nói tượng trưng, vì Phật há có năng lực to lớn ngần ấy? Phật chẳng thể làm được rất nhiều chuyện như thế. Chúng ta không chỉ nghe tục nhân phê bình như thế, thậm chí các đại pháp sư xuất gia cũng phê bình như vậy! Họ phê bình đúng hay sai? Họ phê bình chẳng đúng, nói thật ra, họ chẳng thấy được mọi mặt trong Phật pháp!

Nói cách khác, nếu người ấy thật sự liễu giải kinh Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ, và pháp môn Tịnh Độ, sẽ thừa nhận Phật thật sự vạn đức vạn năng, đúng là giác hạnh viên mãn, chẳng còn tranh cãi gì nữa. Vì sao? Chúng sanh tội nghiệp cực nặng, Ngũ Nghịch, Thập Ác, tạo những trọng tội ấy ngay lập tức phải đọa địa ngục, nếu chúng ta hỏi, đức Phật có bản lãnh khiến cho những kẻ như vậy chẳng đọa địa ngục hay chăng? Không chỉ chẳng đọa địa ngục, mà còn có thể khiến cho kẻ ấy ngay lập tức thành Phật hay không? Nếu đức Phật có bản lãnh ấy, đức Phật là vạn đức vạn năng, là giác hạnh viên mãn. Nếu đức Phật chẳng có năng lực ấy, tức là năng lực của Phật vẫn còn khiếm khuyết, chúng ta nói Ngài vạn đức vạn năng chỉ là lời ca ngợi, chẳng thật, chẳng phải là sự thật. Thật ra, từ kinh này, chúng ta đã có được kết luận, Phật vạn đức vạn năng là sự thật, tức là nói chúng sanh Ngũ Nghịch, Thập Ác phải đọa địa ngục, đức Phật không chỉ có thể khiến cho họ chẳng đọa địa ngục, mà còn có thể khiến cho họ lập tức thành Phật. Đức Phật dùng phương pháp gì? Bảo họ niệm Phật.

Từ Thập Lục Quán Kinh, tức là từ kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, có mười sáu phép Quán [để quán] Vô Lượng Thọ Phật. Mười sáu phép Quán ấy bao gồm trọn hết: Mười hai phép Quán đầu là Quán Tưởng Niệm Phật, [phép Quán thứ] mười ba, mười bốn và mười lăm là Quán Tượng Niệm Phật; [phép Quán] thứ mười sáu là Trì Danh Niệm Phật. Quý vị phải ghi nhớ: Kinh Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ đều chú trọng trì danh niệm Phật. Trì Danh Niệm Phật là phép Quán thứ mười sáu trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật. Độ hạng chúng sanh nào? Kẻ Ngũ Nghịch, Thập Ác, khi lâm chung, một niệm hay mười niệm đều có thể vãng sanh. Hễ vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, sẽ viên chứng ba thứ Bất Thoái, còn có gì để nói hay chăng? Viên chứng ba thứ Bất Thoái là thành Phật!

Nếu chẳng thành Phật, làm sao có thể viên chứng ba thứ Bất Thoái? Trong phần trước, chúng tôi đã nói: Tiểu Thừa Sơ Quả mới chứng Vị Bất Thoái; thuộc về Đại Thừa là hàng Tứ Quả A La Hán hồi Tiểu hướng Đại. Nếu nói theo Viên Giáo, Bồ Tát thuộc địa vị Thất Tín chứng Hạnh Bất Thoái, tức loại Bất Thoái thứ hai. Minh tâm kiến tánh, phá một phẩm vô minh, phần chứng Pháp Thân thì mới có thể chứng đắc Niệm Bất Thoái, nhưng đó là mới vừa chứng đắc, chưa viên mãn. Viên mãn ba thứ Bất Thoái là ai? Là Đẳng Giác Bồ Tát trong Viên Giáo, tức là những vị như Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, Di Lặc, các Ngài mới là viên chứng ba thứ Bất Thoái. Do vậy, công đức ấy chẳng thể nghĩ bàn, vì sao? Quý vị thấy các Ngài chẳng cần tu ba đại A-tăng-kỳ kiếp, chẳng cần phải trải qua nhiều tầng cấp, địa vị như vậy, từ Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, lại đạt đến Đẳng Giác, không cần phải trải qua như thế, từ phàm phu ngay lập tức đạt lên cao như vậy, lại là trong một niệm hay mười niệm trong khoảng sát-na bèn đạt được, điều này chẳng thể nghĩ bàn! Thật vậy, Bồ Tát đều nghĩ chẳng thông suốt, đây là đạo lý gì? Trong Tịnh Độ Tam Kinh đã giảng cặn kẽ đạo lý này, giảng cho chúng ta biết đạo lý này. Vì vậy, đấy là công đức chẳng thể nghĩ bàn. Do đó, mười phương chư Phật không vị nào chẳng tán thán, không vị nào chẳng hoằng dương, quý vị phải biết [như vậy]!

/ 289