/ 289
387

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 97

 

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm tám mươi mốt:

 

  (Sao) Giáo Hành Lý giả, bổn Lý lập Giáo, y Giáo tu Hành, tùng Hành hiển Lý, chư kinh giai cụ Giáo Hành Lý tam, cố danh vi Thông.

  (鈔)教行理者,本理立教,依教修行,從行顯理,諸經皆具教行理三,故名為通。

  (Sao: “Giáo, Hành, Lý”: Vốn dựa trên Lý để lập Giáo, nương theo Giáo để tu hành, từ tu hành mà hiển Lý. Các kinh đều trọn đủ ba món Giáo, Hành, Lý, nên gọi là Thông).

 

  Những điều được nói trong mấy câu này cũng là những ý nghĩa trọng yếu trong tựa đề kinh. Hết thảy các kinh Phật, bất luận Đại Thừa hay Tiểu Thừa, nhất định trọn đủ ba ý nghĩa “Giáo, Hành, Lý”. Có ba điều ấy thì mới thấy rõ chỗ khác biệt giữa kinh Phật và sách vở thế gian. Nay chúng ta gọi Giáo là sách giáo khoa. Thuở Phật tại thế không có sách, cũng chẳng có giảng nghĩa, đó gọi là “dĩ âm thanh vi Phật sự” (dùng âm thanh để làm Phật sự), lời Phật giảng diễn là Giáo. Đời sau kết tập kinh điển, bèn gọi [kinh điển] là Giáo, giống như đức Phật nói bộ kinh A Di Đà này chính là Giáo, những điều do đức Phật đã nói là Giáo. Trong ấy, nhất định có đạo Lý, lý luận trong kinh ấy là gì? Những gì là cách tu hành trong kinh ấy? Tựa đề bản kinh này do La Thập đại sư dùng thiện xảo phương tiện nhất để chọn lựa, lấy danh hiệu của A Di Đà Phật làm đề mục. Thật ra, tựa đề gốc của kinh này là Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Kinh, đó là tên gốc của kinh; nhưng danh hiệu A Di Đà Phật đúng là hết sức kỳ diệu, bốn chữ ấy trọn đủ cả ba món Giáo, Hành, Lý, thật sự tuyệt diệu chẳng thể diễn tả được!

  “Bổn Lý lập Giáo, y Giáo tu Hành”: Giáo nhất định phải kiến lập từ Lý. Lý là gì? Lý là Chân Như Thật Tướng. Hết thảy các kinh Đại Thừa đều lấy Thật Tướng làm Thể, trong phần trước, chúng ta đã thảo luận [điều này]. Trong phần đầu bộ Sớ Sao, Liên Trì đại sư sử dụng Thập Môn Khai Khải [để thảo luận thể tánh của kinh này], giảng hết sức tỉ mỉ. Phật từ Chân Như bổn tánh lưu lộ giáo học, mà cũng từ chân tánh lưu lộ hết thảy các kinh. Hết thảy các kinh lưu lộ từ chân tánh. Chân tánh là Lý, Chân Như bổn tánh là Lý, nương vào Lý ấy để kiến lập giáo học. “Y giáo tu hành”, nói theo ý nghĩa thông thường sẽ là nương theo Văn Tự Bát Nhã, kinh điển là văn tự, là sách giáo khoa, chúng ta phải nương theo lý luận và phương pháp trong sách giáo khoa để tu hành, tu gì vậy? Khôi phục tự tánh của chúng ta, tu điều này, chẳng phải điều nào khác, khôi phục tự tánh mà thôi! Trong tự tánh có Pháp Thân, Giải Thoát, Bát Nhã. Giáo Hạ thiên trọng Bát Nhã, tức là nương vào Văn Tự Bát Nhã để tu Quán Chiếu Bát Nhã, nương theo lý luận và phương pháp ấy để tu hành.

  Tu hành phải có mục tiêu, mục tiêu ấy là gì? Là “tùng Hành hiển Lý” (do Hành mà hiển Lý), Hành là tu hành. Nói thật ra, Hiển là hiển lộ Chân Như bổn tánh, Thiền gia nói là “minh tâm kiến tánh”. Minh tâm kiến tánh là hiển lộ Lý. Thiền nhằm mục đích minh tâm kiến tánh, Giáo Hạ vẫn nhằm mục đích minh tâm kiến tánh, chúng ta niệm Phật cũng không ngoài minh tâm kiến tánh. Niệm tới Lý nhất tâm bất loạn bèn minh tâm kiến tánh. Có thể thấy bất luận tông nào, phái nào, tuy phương pháp, kỹ xảo khác biệt, có các cách [tu tập] sai khác, nhưng mục tiêu là nhất trí, chỗ để đạt tới hoàn toàn tương đồng. Vì thế mới nói pháp môn vô nhị, pháp môn bình đẳng, mới nói ra ý nghĩa này. “Chư kinh giai cụ Giáo, Hành, Lý tam” (các kinh đều đủ ba món Giáo, Hành, Lý), hết thảy các kinh đều đầy đủ ba yếu tố này. Đó là Thông Đề, hết thảy các kinh phải trọn đủ ba ý nghĩa này.  Tiếp đó,  [chuyên]  nói về kinh  [A Di Đà]

này:

 

  (Sao) Chuyên chỉ thử kinh, tắc Phật Thuyết thị Giáo.

  (鈔) 專指此經,則佛說是教。

  (Sao: Chuyên nói về kinh này, thì Phật Thuyết là Giáo).

 

  Trong tựa đề kinh thì Phật Thuyết là Giáo.

 

  (Sao) Chấp trì danh hiệu thị Hành, A Di Đà thị Lý.

  (鈔) 執持名號是行,阿彌陀是理。

  (Sao: Chấp trì danh hiệu là Hành, A Di Đà là Lý).

 

  Giáo là A Di Đà, chấp trì danh hiệu (Hành) vẫn là A Di Đà, Lý được chứng đắc vẫn là A Di Đà; do vậy, A Di Đà Phật chẳng thể nghĩ bàn. Trong những kinh điển khác, mỗi chuyện đều có thể phân biệt, nhưng kinh này rất lạ lùng: Một câu A Di Đà Phật có đủ các ý nghĩa ấy (Giáo, Hành, Lý), thật sự chẳng thể nghĩ bàn. Trong kinh Vô Lượng Thọ, mỗi chuyện đều [tách bạch] rõ rệt; nhưng kinh này hết sức lạ lùng, đặc biệt, A Di Đà Phật dịch sang nghĩa tiếng Hán là Vô Lượng Giác. Vô Lượng Giác là tự tánh của chúng ta. Nói cách khác, [A Di Đà Phật] là danh hiệu của tự tánh. Danh hiệu Phật đồng thời cũng là danh hiệu của tự tánh; do vậy, nó là Lý, chúng ta niệm Phật phải chứng, chứng gì? Phải đích thân chứng đắc A Di Đà.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289