/ 289
415

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 96


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm bảy mươi bảy:


(Sớ) Phật thuyết giả, thuyết giản ngũ nhân cố.

(疏) 佛說者,說揀五人故。

(Sớ: “Phật thuyết”: Nhằm phân định rõ [trong] năm hạng người có thể nói kinh, [kinh này do chính đức Phật nói]).


Trong đoạn trước đã giới thiệu sơ lược những ý nghĩa sâu xa được bao hàm trong chữ Thuyết. Đoạn này nói về những bộ kinh Phật [có tựa đề] được bắt đầu bằng hai chữ Phật Thuyết. Cũng có nhiều kinh điển hoàn toàn không có hai chữ này, [chẳng hạn như trong các tựa đề] Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Kinh, Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh đều không có chữ “Phật Thuyết”. Vì sao có kinh điển ghi [tựa đề] là Phật Thuyết? Có kinh điển chẳng ghi Phật Thuyết? Thật ra, đều là kinh do đức Phật nói, vì sao có sai biệt như vậy? Có thói quen như sau: Hễ là kinh Vô Vấn Tự Thuyết, như kinh Di Đà này, tên kinh phải bắt đầu bằng Phật Thuyết. Một loại khác là trong phần Chánh Tông, câu đầu tiên do đức Phật nói thì tựa đề kinh cũng bắt đầu bằng Phật Thuyết. Do phân định [kinh này] chẳng phải do năm loại người [nói ra], trong năm loại người này có cả Phật trong ấy. Bởi lẽ, kinh điển không nhất định đều do đức Phật nói, mà năm loại người đều có thể giảng kinh.


(Sao) Ngũ nhân giả, nhất Phật, nhị Bồ Tát, tam thiên nhân, tứ tiên, ngũ hóa nhân, thử ngũ giai năng thuyết kinh.

(鈔)五人者,一佛,二菩薩,三天人,四仙,五化人,此五皆能說經。

(Sao: Năm loại người là: Một là Phật, hai là Bồ Tát, ba là chư thiên, bốn là tiên, năm là hóa nhân. Năm loại này đều có thể nói kinh).


Thứ nhất là Phật, thứ hai là Bồ Tát, thứ ba là “thiên nhân” (chư thiên), thứ tư là “tiên nhân”, thứ năm là “biến hóa nhân”, năm loại này đều có thể nói kinh. Trừ Phật ra, bốn loại kia đều phải được Phật ấn chứng thì mới có thể gọi là Kinh. Nếu chưa được Phật ấn chứng, chẳng thể là kinh, quý vị phải ghi nhớ điều này!


(Sao) Kim hiển thử kinh thị Chí Thánh lập ngôn.

(鈔) 今顯此經是至聖立言。

(Sao: Nay chỉ rõ kinh này là lời dạy của đấng Chí Thánh).


Kinh Di Đà từ đầu đến cuối do một mình Thích Ca Mâu Ni Phật nói. Tuy đức Phật gọi Xá Lợi Phất để nói, nhưng trong kinh này, ngài Xá Lợi Phất chẳng nói lời nào, chỉ có nghe mà thôi, chẳng nêu ra câu hỏi nào. Từ đầu tới cuối do một mình Thích Ca Mâu Ni Phật nói, có thể nói là chẳng có kinh nào khác thuần hơn [kinh này].


(Sao) Kim khẩu thân xuất, bất đồng Bồ Tát tại nhân, thiên thuộc phàm loại.

(鈔) 金口親出,不同菩薩在因,天屬凡類。

(Sao: Miệng vàng đích thân nói ra, chẳng giống như hàng Bồ Tát còn đang tu nhân, chư thiên thuộc về phàm phu).

Bồ Tát tu nhân chưa viên mãn, Bồ Tát chưa thành Phật. Chư thiên vẫn là phàm phu y như cũ, chẳng phải là thánh nhân.


(Sao) Tiên tạp ngoại đạo, hóa nhân phi chân dã.

(鈔) 仙雜外道,化人非真也。

(Sao: Tiên xen tạp ngoại đạo, hóa nhân chẳng phải là người thật).


Họ biến hóa, chẳng phải là người thật sự.


(Sao) Như thiên tử chiếu, bất đồng bách quan, tể tướng, chư vương đẳng ngữ dã.

(鈔) 如天子詔,不同百官宰相諸王等語也。

(Sao: Giống như chiếu chỉ của hoàng đế, chẳng giống lời lẽ của trăm quan, tể tướng, các vương gia v.v...)


Đây là dùng một tỷ dụ, lời Phật nói giống như chiếu thư của hoàng đế, chúng ta thường gọi là “thánh chỉ”, hơn hẳn mệnh lệnh của tể tướng, trăm quan, vượt trỗi quá nhiều! Đây là kiến thức thông thường, chúng ta biết có năm loại người nói kinh.


(Sớ) A Di Đà giả, thị tiêu hiển bỉ Phật.

(疏) 阿彌陀者,是標顯彼佛。

(Sớ: “A Di Đà”: Nêu rõ đức Phật ấy).


“Tiêu” là tiêu minh (標明: nêu rõ, chỉ rõ), “bỉ” là giáo chủ Tây Phương Cực Lạc thế giới, là vị Phật trong thế giới kia.


(Sớ) Phạm ngữ A, thử vân Vô.

(疏) 梵語阿,此云無。

(Sớ: A là tiếng Phạn, được cõi này dịch là Vô).


A là âm tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Vô.


(Sớ) Phạm ngữ Di Đà, thử vân Lượng.

(疏) 梵語彌陀,此云量。

(Sớ: Tiếng Phạn Di Đà, cõi này dịch là Lượng).

/ 289