/ 289
545

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 95


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm bảy mươi ba.


(Sao) Thánh trung thánh giả, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, nhập thánh vực nhi vị ưu, duy Phật cư cực quả, thị thánh nhi hựu thánh dã.

(鈔)聖中聖者,聲聞緣覺菩薩,入聖域而未優,惟佛居極果,是聖而又聖也。

(Sao: “Thánh trung thánh”: Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát đã dự vào bậc thánh, nhưng chưa đạt tới mức ưu việt, chỉ có Phật thuộc quả vị tột cùng, nên là bậc thánh của chư thánh).


Trong sự giáo học của đức Phật, trước hết, chúng ta phải hiểu rõ Phật giáo là nền giáo dục của đức Phật, có khá nhiều chỗ hết sức tương tự với cách giáo học hiện thời trong nền giáo dục của chúng ta, chỉ là danh xưng khác nhau, trên thực tế chẳng có gì khác biệt. Trong Phật pháp, chia ra Đại Thừa và Tiểu Thừa, giống như trong giáo dục hiện tại chia ra Tiểu Học, Trung Học, và Đại Học. Thanh Văn là Tiểu Học, Duyên Giác như Trung Học, Bồ Tát như Đại Học, chia thành ba giai đoạn, nhưng tốt nghiệp “Tiểu Học” trong Phật pháp có trình độ khá cao!

Cái được Phật pháp truy cầu là trí huệ tối cao, tối viên mãn, trong kinh Phật gọi [trí huệ ấy] là A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề (Anuttara-samyak-sambodhi). Đây là tiếng Phạn dịch âm, có nghĩa là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Trong câu này cũng chia thành ba giai đoạn. Thứ nhất là Chánh Giác. Người đạt Chánh Giác đã tu học xong Tiểu Thừa, được gọi là chứng đắc địa vị A La Hán. A La Hán có một ý nghĩa là Vô Học. Vô Học nghĩa là vị ấy đã học xong hết những thứ cần học, chẳng còn học nữa, đã tốt nghiệp chương trình học, nên vô học. Phật pháp có ba giai đoạn, giai đoạn thứ nhất, chứng đắc Chánh Giác là A La Hán. Phật pháp thừa nhận chúng sanh trong thế gian có giác, chẳng thể nói là không giác ngộ. Trong thế gian hiện thời, những khoa học gia, triết học gia, nhà tôn giáo, đối với vũ trụ và nhân sinh đã có sự giác ngộ kha khá, tuy đã giác, nhưng chẳng thể coi là Chánh, chưa thể coi là Chánh Giác được! Trong tiêu chuẩn Chánh Giác của Phật pháp, điều kiện thứ nhất là phải có sự giác ngộ kha khá đối với vũ trụ và nhân sinh. Điều kiện thứ hai là phải đoạn phiền não, quý vị quả thật có thể đoạn các duyên tham, sân, si, mạn, thật sự phù hợp tiêu chuẩn “giác, chánh, tịnh” mới gọi là Chánh Giác. Do vậy, A La Hán đã đạt tới mục tiêu này.

Đức Phật giảng nhiều hiện tượng trong vũ trụ, chúng ta có thể lý giải, nhưng còn có nhiều hiện tượng mà với năng lực hiện thời, chúng ta vẫn chưa thể đạt được, thậm chí tư tưởng, học thuật, khoa học kỹ thuật của chúng ta đều chẳng đạt được, nhưng chẳng thể nói là chúng không tồn tại. Thí dụ như người Ấn Độ nói lục đạo luân hồi, lục đạo luân hồi chẳng phải là quan niệm riêng của Phật giáo. Tại Ấn Độ vào thời cổ, Bà La Môn giáo, Số Luận (Sānkhyā), Du Già (Yoga)[1], ngoại đạo đều nói tới chuyện việc này. Nói cách khác, trước Thích Ca Mâu Ni Phật, người Ấn Độ đã nói tới lục đạo luân hồi. Hơn nữa, còn có nhiều nhà tôn giáo, năng lực tu hành thật sự có thể đạt tới Sắc Giới Thiên và Vô Sắc Giới Thiên. Những tôn giáo cao cấp Ấn Độ có thể lý giải tình hình trong lục đạo rất rõ ràng, họ biết những sự thật ấy rất rõ ràng, nhưng rốt cuộc vì sao sanh ra chuyện ấy? Con người có thể vượt thoát lục đạo hay chăng? Họ chẳng có cách nào! Đó gọi là “biết chuyện đương nhiên, nhưng chẳng biết nguồn cội”, [chỉ có] Thích Ca Mâu Ni Phật mới giải quyết vấn đề này cho chúng ta!

/ 289