/ 289
416

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 94

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm bảy mươi mốt:

 

  (Sao) Thập nghĩa giả, cụ nhị trí, đoạn nhị chướng, giác nhị đế, đắc tự tha nhị lợi, như mộng giác hoa khai nhị dụ, hợp chi vi thập nghĩa dã.

  (鈔)十義者。具二智,斷二障,覺二諦,得自他二利,如夢覺華開二喻,合之為十義也。 

  (Sao: “Mười nghĩa” là đầy đủ hai trí, đoạn hai chướng, giác hai đế, đắc hai lợi ích tự lợi, lợi tha, lập ra hai thứ thí dụ là “như tỉnh mộng” và “hoa nở”, hợp lại thành mười nghĩa).

 

  Đây là giải thích ý nghĩa của chữ Phật thường được nhắc đến trong kinh Phật, nói tới thập nghĩa Phật. “Cụ nhị trí” (đầy đủ hai trí) là Căn Bản Trí và Hậu Đắc Trí, mỗi vị đồng tu học Phật đều hết sức quan tâm chuyện này, mà cũng đều mong chính mình có thể đạt được trí huệ này. Tuy hết sức tha thiết mong mỏi, mấy ai đạt được? Vì sao chẳng đạt được? Trước hết phải tìm ra nguyên nhân, tiêu trừ nguyên nhân vì sao chúng ta chẳng thể đạt được thì chúng ta mới hòng đạt được. Phải biết Căn Bản Trí hết sức trọng yếu, không có Căn Bản Trí chắc chắn chẳng có Hậu Đắc Trí! Giống như cái cây, trước hết nhất định phải có rễ, trước hết phải có gốc, thì mới có cành, lá, hoa, quả. Nếu rễ không có, làm sao nó có thể khai hoa, kết quả? Đó là chuyện không thể nào xảy ra được. Vì vậy, Căn Bản Trí hết sức trọng yếu!

  Trong thế hệ chúng ta, giáo học trong Phật học đã hoàn toàn bỏ mất Căn Bản Trí; bỏ mất Căn Bản Trí thì Hậu Đắc Trí cũng chẳng có. Nói thật ra, như ngài Thanh Lương đã nói trong Hoa Nghiêm Sớ Sao, quý vị chẳng nghiên cứu Phật học thì hằng ngày “tăng trưởng vô minh”, nhưng quý vị hằng ngày nghiên cứu Phật học thì hằng ngày “tăng trưởng tà kiến”, chuyện này rất phiền phức! Chẳng phải là tăng trưởng vô minh bèn tăng trưởng tà kiến, làm sao có thể thành tựu? Chẳng thể nào! Ngược lại, chúng ta thấy giáo dục cổ đại của Trung Quốc, vào thời cổ, không riêng gì Phật môn, mà ngay cả giáo học trong pháp thế gian cũng đều coi trọng bồi dưỡng Căn Bản Trí. Nếu thật sự có tâm mong đạt một chút thành tựu trong Phật pháp, bất luận tại gia hay xuất gia, quý vị phải đặc biệt chú ý: Căn Bản Trí sanh từ tâm thanh tịnh; tâm chẳng thanh tịnh, lấy đâu ra trí huệ?

  Giáo học trong Phật môn vào thời cổ, hễ xuất gia xuống tóc bèn “năm năm học giới”, thời gian năm năm này nhằm bồi dưỡng Căn Bản Trí. Năm năm học giới, chẳng phải là bảo quý vị nghiên cứu giới luật, chẳng phải vậy! Quý vị chẳng có tư cách nghiên cứu giới luật; giới luật là một môn học vấn rất rộng, giống như pháp luật trong thế gian. Năm năm học giới là học phương thức sinh hoạt của người xuất gia, giống như huấn luyện học trò mới trong Phật môn. Ngày nay chúng ta đi học, đại khái là đến trường, ba tháng đầu nhằm huấn luyện học sinh mới, còn thời gian huấn luyện học trò mới trong Phật môn là năm năm, đấy là huấn luyện nhập ngũ. Sự huấn luyện ấy có hai trọng điểm: Thứ nhất là giáo dục sinh hoạt, tập quen với nếp sống của người xuất gia; thứ hai là bồi dưỡng Căn Bản Trí. Bồi dưỡng Căn Bản Trí ra sao? Học thuộc lòng kinh điển! Trong năm năm ấy, trong chùa có giảng đường, pháp sư giảng kinh, quý vị không có tư cách nghe. Tọa Thiền trong Thiền Đường, niệm Phật trong Niệm Phật Đường, quý vị thảy đều không có tư cách [tham dự]. Ngoài [làm xong] công tác [được giao] ra, quý vị tự tìm thời gian để học thuộc lòng kinh điển.

  Học thuộc kinh gì? Tùy theo mỗi tông, mỗi phái mà khác nhau. Nếu quý vị học Hoa Nghiêm Tông, đương nhiên phải thuộc kinh Hoa Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm to như vậy, quý vị phải đọc thuộc từ đầu đến cuối. Nếu quý vị học Thiên Thai Tông, phải học thuộc kinh Pháp Hoa, chú giải kinh Pháp Hoa cũng phải thuộc. Đối với chú giải, học thuộc bộ [Pháp Hoa] Văn Cú của Trí Giả đại sư, phân lượng rất đáng nể, lại còn phải thuộc Ma Ha Chỉ Quán, trong năm năm phải thuộc những bộ ấy. Nếu học Duy Thức Tông, đối với sáu kinh mười một luận, trong sáu kinh phải thuộc một hoặc hai kinh, trong mười một luận, phải thuộc ba hay bốn bộ luận. Trong đó, bộ lớn nhất là Du Già Sư Địa Luận phải thuộc. Nếu quý vị chẳng thuộc, chẳng có tư cách học Duy Thức. Vì thế, cổ nhân đều phải thuộc sách, học thuộc sách chính là tu Căn Bản Trí. Chư vị phải hiểu: Học thuộc sách là tu Giới, tu Định, tu Huệ, hoàn thành Giới, Định, Huệ Tam Học cùng lúc!

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289