/ 289
422

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 93

 

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm bảy mươi. 

 

  (Sao) Hựu ly tâm danh tự giác, ly sắc danh giác tha, câu ly danh giác mãn, diệc tam giác nghĩa.

  (鈔)又離心名自覺,離色名覺他,俱離名覺滿,亦三覺義。

  (Sao: Lại nữa, lìa tâm là tự giác, lìa sắc là giác tha, đều lìa [sắc và tâm] là giác mãn, đây cũng là ba nghĩa của Giác).

 

  Đây là giải thích chữ “Phật”, trong chữ này hàm chứa rất nhiều ý nghĩa. Câu này liên quan đến giáo nghĩa rất sâu, nếu chẳng có sự tu dưỡng kha khá đối với giáo nghĩa, e rằng nghe giảng sẽ chẳng dễ gì hiểu rõ cho lắm. Ở đây tôi dùng phương thức đơn giản nhất, để lại nói rõ cùng

quý vị: Sắc là gì? Tâm là gì?

  Nói đơn giản, Tâm là phân biệt, chấp trước, vọng tưởng. Lìa hết thảy phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, đấy là “tự giác”. Tôi giảng cách này dễ hiểu, chắc chắn chẳng trái phạm giáo nghĩa. Nếu giảng tâm ý thức theo giáo nghĩa, nói tới Duy Thức, giảng cả nửa ngày, mọi người nghe như đang kẹt trong mây mù cả năm dặm, chẳng hiểu rõ ràng! “Ly sắc” là gì? Sắc là cảnh giới bên ngoài, chẳng chấp tướng là lìa sắc, trọn chẳng phải là nói sắc tướng bên ngoài đều từ bỏ, đó là là chuyện chẳng thể nào được, làm không được, trong tâm chẳng chấp trước, tức là không bị sắc tướng bên ngoài nhiễm trước, đó gọi là lìa sắc, là “giác tha”.

  Vì sao gọi là giác tha? Chẳng chấp tướng, nói đơn giản là buông xuống, buông cảnh giới bên ngoài xuống: Tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghê, tiếng tăm, lợi dưỡng, thật sự có thể thấy thấu suốt, buông xuống, đó là “ly sắc”. Chư vị hãy suy nghĩ, nếu quý vị chẳng thật sự thấy thấu suốt sắc tướng bên ngoài, quý vị có buông xuống được chăng? Quý vị thấy thấu suốt sắc tướng bên ngoài là giác tha. Biết hết thảy vạn pháp giống như kinh Kim Cang đã dạy: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”. Do vậy, quý vị mới buông xuống: “Hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”, quý vị mới không đắm nhiễm chúng. Thật sự triệt để liễu giải tướng cảnh giới bên ngoài. Triệt để liễu giải sẽ nhất định chẳng chấp trước, nhất định buông xuống, đó là “giác tha”. Tự giác và giác tha thảy đều viên mãn, đó là “giác mãn”. Nghĩa Tam Giác ở chỗ này không khác với ý nghĩa trong phần trước cho lắm!

  Có những kẻ tự giác, nhưng chẳng thể giác tha; có những kẻ giác tha, chẳng thể tự giác. Chẳng hạn như người Tiểu Thừa tự giác, nhưng chẳng thể giác tha. Bản thân người Tiểu Thừa thật sự chẳng có phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, nhưng chẳng thấy thấu suốt cảnh giới bên ngoài, đó là “có tự giác, thiếu giác tha”. Quyền Giáo Bồ Tát có giác tha, nhưng chẳng tự giác. Tuy họ thấy thấu suốt cảnh giới bên ngoài, nhưng trong tâm, phiền não, kiến giải vẫn chưa buông xuống được, tri kiến vẫn chưa buông xuống được. Đối với cảnh giới bên ngoài như tiếng tăm, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần, quả thật vị ấy hết sức coi nhạt, đã buông xuống, nhưng có một thứ thành kiến không buông xuống được, đó là chẳng tự giác. Hiện tượng này rất rõ rệt nơi những kẻ sơ học như chúng ta. Chúng ta lấy việc học Phật pháp để nói thì “tiên nhập vi chủ” (pháp nào được tiếp xúc đầu tiên sẽ là chánh yếu), chẳng buông xuống được, hết sức chấp trước, đó cũng là nghiệp chướng, chướng ngại thành tựu trong một đời!

  Trong các buổi giảng, chúng tôi thường nhắc nhở các đồng tu, thời gian tốt đẹp chẳng nhiều, cuộc sống yên ổn, xã hội còn có thể sống bình an chẳng phải là chuyện dễ, nhất định phải khéo giữ vững, nhất là trong những năm gần đây, chúng ta thấy tình hình thế giới, lòng người quả thật có những dấu vết, điềm báo đại tai nạn sắp xảy ra; vì thế, chúng ta phải nỗ lực vượt bậc! Phải nỗ lực tiến theo phương hướng “tự giác, giác tha”, trong có thể buông phiền não xuống, ngoài tận lực giảm bớt thế duyên (duyên trong cõi đời); đó gọi là “tùy duyên, chẳng phan duyên”, nhiều thêm một chuyện chẳng bằng ít đi một chuyện, ít đi một chuyện chẳng bằng không có chuyện gì. Cũng có lẽ người khác thấy chúng ta rất tiêu cực, chuyện này chẳng sao cả! Họ nói ta tiêu cực, ta [cứ chấp nhận là ta] tiêu cực, khéo dùng thời gian này để niệm Phật. Đợi đến khi chúng ta niệm Phật tốt đẹp, tai nạn xảy tới, chúng ta có chỗ tốt đẹp để ra đi, chẳng bị tai nạn; khi ấy, họ mới biết chúng ta tiêu cực quả thật có rất nhiều điều tốt đẹp. Vì thế, đối với duyên thế gian phải tiêu cực, đối với niệm Phật phải tích cực.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289