410

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 91

 

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm sáu mươi mốt.

 

  (Sớ) Nạn thoát giả, Nguyên mạt, Trương Sĩ Thành công Hồ Châu, Giang Chiết thừa tướng dữ chiến, cầm tứ thập nhân, tù hạm tống lục, dạ túc Tây Hồ Điểu Khòa Tự. Đại Du Mưu thiền sư, từ bộ lang hạ, tù kiến Sư thần quán nhàn nhã, trì tụng bất chuyết, nhân cầu cứu bạt. Sư giáo linh chí tâm niệm Nam Mô Cứu Khổ Cứu Nạn A Di Đà Phật, trung hữu tam nhân tín thọ kỳ ngữ, niệm bất tuyệt khẩu. Thiên hiểu phát tù, dịch già tỏa, chí tam nhân, hình cụ bất túc, duy hệ dĩ thằng, ký nhi thẩm cúc, tri lương dân bị lỗ giả, toại đắc thích.

  (疏) 難脫者 ,元末張士誠攻湖州 ,江浙丞相與戰,

擒四十人,囚檻送戮,夜宿西湖鳥窠寺。大猷謀禪師,徐步廊下,囚見師神觀閒雅,持誦不輟,因求救拔。師教令至心念南無救苦救難阿彌陀佛,中有三人信受其語,念不絕口。天曉發囚,易枷鎖,至三人,刑具不足,惟繫以繩,既而審鞫,知良民被虜者,遂得釋。

  (Sớ: Thoát nạn: Cuối đời Nguyên, Trương Sĩ Thành tấn công Hồ Châu, Thừa Tướng đánh nhau với hắn tại miền Giang Chiết, bắt được bốn mươi người, giam vào tù xa, đưa đi hành hình. Đến đêm, [xe tù] nghỉ tại chùa Điểu Khòa ở Tây Hồ. Thiền sư Đại Du Mưu đi thong dong trên hành lang, tù nhân thấy Sư dáng vẻ nhàn nhã, trì tụng không ngớt; do vậy, bèn cầu Sư cứu giúp. Sư dạy họ hãy chí tâm niệm Nam Mô Cứu Khổ Cứu Nạn A Di Đà Phật, trong số ấy có ba người tin nhận lời Ngài, niệm không ngớt tiếng. Tới sáng, giải tù nhân đi, thay gông xiềng, tới ba người ấy, không đủ gông cùm, chỉ trói bằng thừng. Thẩm vấn cặn kẽ, biết họ là lương dân bị bắt, họ bèn được thả).

 

  Đây là nói tới điều cảm ứng cuối cùng, tức “phu tù thoát nạn” (bị giam cầm được thoát nạn). Khi gặp phải tai nạn, niệm Phật, niệm Bồ Tát, cảm ứng rất nhiều. Chúng ta thấy điều này không chỉ được ghi chép trong nhiều bộ cảm ứng lục, mà trong bút ký của cổ nhân cũng thấy hết sức nhiều, như trong cuốn Duyệt Vy Thảo Đường Bút Ký của Kỷ Hiểu Lam cũng ghi chép không ít. Ở đây cũng là nêu đại lược một điều, tức là một chuyện vào đời Nguyên. Khi ấy, Trương Sĩ Thành[1] cát cứ một phương, về sau bị Châu Nguyên Chương tiêu diệt, lúc ấy, thế lực của hắn khá lớn. Hồ Châu thuộc tỉnh Giang Tô. Trong chiến tranh loạn lạc, chẳng ít dân lành bị bắt làm tù binh. Có kẻ làm loạn, mà cũng có dân lành lẫn lộn trong các tù binh, mỗi người nghiệp lực khác nhau. Do những tù binh ấy bị nhốt trong phòng trống của nhà chùa, nên có thể gặp pháp sư, đấy là cộng nghiệp của chúng sanh. Những kẻ ngộ nạn ấy cầu pháp sư giúp đỡ, pháp sư có thể giúp đỡ bằng cách khuyên họ niệm Phật. Thông thường chúng ta gặp tai nạn đều niệm “Nam-mô đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ Tát”, ở đây là Cứu Khổ Cứu Nạn A Di Đà Phật, tôi tin bản thân thiền sư Đại Du Mưu nhất định là một người niệm Phật tu Tịnh Độ. Nếu không, Sư chẳng dạy họ niệm A Di Đà Phật.

  Do vậy biết: Trong khi chúng ta gặp tai nạn, có cần phải niệm Quán Âm Bồ Tát hay không? Bị bệnh, có cần phải niệm Dược Sư Phật hay chăng? [Nếu gặp tai nạn bèn niệm Quán Âm Bồ Tát, bị bệnh niệm Dược Sư Phật] thì dường như mỗi vị Phật hay Bồ Tát cai quản một chuyện [nhất định]! Từ chỗ này, chúng ta hiểu: Bình thường chúng ta tu pháp môn này, niệm A Di Đà Phật, A Di Đà Phật là Bổn Tôn của chúng ta, gặp tai nạn cũng vậy, mà bị bệnh tật cũng thế, thảy đều niệm A Di Đà Phật, chắc chắn hữu hiệu! Hiệu quả do đâu mà có? Trong các buổi giảng, chúng tôi thường nói: “Chí thành cảm thông”. Người bình thường cầu Phật, cầu Bồ Tát chẳng hiệu quả, vì tâm họ chẳng chân thành. Vì sao biết tâm họ chẳng chân thành? Họ cầu rất nhiều Phật, Bồ Tát, tâm họ sẽ chẳng chân thành. Nếu tâm chân thành, chỉ cầu một vị Phật hay Bồ Tát mà quý vị thường chuyên niệm, đến lúc ấy, nhất định có linh nghiệm. Chúng ta niệm đoạn này, phải hiểu rõ đạo lý này. Tục ngữ có câu: “Thành tắc linh” (thành kính ắt linh thiêng), chẳng thành kính sẽ không linh; niệm chú, vẽ bùa đều chẳng ra ngoài lệ này! Niệm chú, vẽ bùa bằng lòng Thành đều linh, huống hồ chúng ta niệm danh hiệu Phật, Bồ Tát? Chẳng còn nghi hoặc gì nữa!

  Học Phật, dẫu là nghiên cứu kinh giáo, cũng phải một môn thâm nhập. Học nhiều, tinh thần lẫn sức lực của chúng ta bị phân tán, muốn đạt thành tựu rất khó! Từ xưa tới nay, hễ học phải “chuyên công” (chuyên dốc công sức nơi một bộ kinh); thí dụ như chúng ta dùng thời gian mười năm để chuyên môn học bộ kinh Di Đà này, “chuyên công” nơi một bộ kinh Di Đà này, mười năm không ngừng đọc tụng, diễn giảng, nghiên cứu, thảo luận, sau mười năm ấy, quý vị sẽ là chuyên gia kinh A Di Đà, chẳng có ai sánh bằng quý vị, vì sao? Quý vị có hạ thủ mười năm công phu [nghiên cứu, học tập] bộ kinh này. Một kẻ khác, trong mười năm nghiên cứu mười bộ kinh, thoạt nhìn chẳng ít, rất nhiều! Mỗi năm nghiên cứu một bộ, đối với mỗi bộ kinh, người ấy đều liễu giải ngoài da, thiếu chiều sâu! Nếu mười năm nghiên cứu hai mươi bộ, ba mươi bộ, càng chẳng cần phải nói nữa! Tôi nghĩ mọi người đều có thể hiểu rõ đạo lý này, quý vị hãy suy nghĩ kỹ lưỡng: Chúng ta phải nên dùng thái độ gì để học Phật?

Nguồn: www.niemphat.net">www.niemphat.net">www.niemphat.net