/ 289
455

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 90

 

Xin đọc A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm năm mươi bảy:

 

  (Huyền Nghĩa) Hựu nhược thư tả tắc hóa bị thương sanh[1], giảng diễn tắc tường phù bạch hạc.

  (玄義) 又若書寫則化被蒼生,講演則祥符白鶴。

  (Huyền Nghĩa: Lại nữa, như biên chép giáo hóa trọn khắp phàm dân, giảng diễn ắt hiện điềm lành hạc trắng).

 

  Từ xưa tới nay, thọ trì kinh Di Đà có khá nhiều sự cảm ứng chẳng thể nghĩ bàn. Đoạn này nói về chuyện chép kinh. Trước đây, kinh sách lưu thông phải dựa vào biên chép. Kỹ thuật ấn loát cho đến sau đời Tống - Nguyên mới dần dần phát triển. Kinh điển in theo lối phương sách, tức là in theo lối khâu gáy đóng thành sách như chúng ta thấy hiện thời, đóng sách như vậy để trở thành một cuốn. Mãi đến cuối đời Minh, mới chọn lựa cách đóng kinh Phật thành sách theo lối như vậy. Vào đời Minh, [cách đóng sách ấy do] Hàn Sơn đại sư đề xướng, gọi là “phương sách bản”. Trước kia, thời Đường [kinh Phật được] gọi là “quyển tử”, giống như những bức vẽ được cuộn lại. Sau đấy là “triếp điệp bản”[2]. Từ triếp bản lại diễn biến thành sách đóng thành tập gọi là phương sách bản.

  Thời ấy, thuật ấn loát chưa phát triển, bản in khắc trên gỗ, trước hết, phải chép lại. Chép hoàn chỉnh rồi mới đem bản ấy khắc lên ván gỗ, khắc từng chữ một. Khi in cũng rất bất tiện. Cứ một bức ván gỗ là một trang kinh sách. Thuở đó chưa có mực in, dùng muội gỗ tùng để in; tức là dùng hạt cây tùng đốt lấy bồ hóng. Quý vị thấy những bản sách cổ, in bằng muội gỗ tùng, tay sờ vào sẽ bị đen thui, đối với bản in bằng mực ta sẽ không bị đen tay. In bằng muội gỗ tùng nên giá thành khá cao, chẳng thuận tiện như hiện tại. Người hiện tại tu phước nên [mọi việc] thuận tiện hơn cổ nhân rất nhiều! Cổ nhân muốn lưu thông kinh sách, phải thuê người sao chép, sao một bộ phải trả công chừng đó tiền! Có những người có học, đi thi không đỗ, làm cách nào đây? Thường đến chùa miếu chép kinh. Nhà chùa trả tiền công cho họ, sao một bộ kinh trả công bao nhiêu tiền, cho họ ăn, cho họ ở, để họ chuyên làm việc sao chép kinh điển. Lưu thông kinh điển thuở ấy phải dùng phương thức này. Những trường hợp được đại sư nêu lên trong lời chú giải đều là chuyện thật.

 

  (Sớ) Thư tả giả, Đường Thiện Đạo đại sư, phàm đắc sấn thí, dụng tả Di Đà kinh thập vạn quyển.

  (疏)書寫者,唐善導大師,凡得襯施,用寫彌陀經十萬卷。

  (Sớ: “Biên chép”: Đời Đường, Thiện Đạo đại sư hễ được cúng dường bèn dùng để chép kinh Di Đà số đến mười vạn quyển).

 

   “Sấn thí” (襯施) là tín đồ cúng dường tiền bạc cho Ngài, Ngài dùng tiền này để cậy người khác chép kinh Di Đà. Chẳng dễ dàng! Kinh Di Đà được phổ biến, lưu thông là do Thiện Đạo đại sư đề xướng mà đắc lực. Đương nhiên, kinh này chẳng thể coi là quá dài, cứ một quyển là được một bộ, đấy là một quyển kinh. Ngài nhờ người khác chép kinh Di Đà, số lượng rất đáng kể, mười vạn quyển! Với kỹ thuật ấn loát phát triển như trong hiện thời, người nào phát tâm in kinh Di Đà mười vạn quyển? Hiện thời làm chuyện này dễ hơn thời Thiện Đạo đại sư rất nhiều, mười vạn quyển kinh phải chép trong bao nhiêu năm? Ngày nay, chúng ta in mười vạn cuốn sách chỉ mất một tháng, giá tiền lại còn thấp hơn trước đây rất nhiều. Đây là lưu thông kinh quyển.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289