/ 289
914

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 89


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm năm mươi ba:


Nhị, minh thích.

二、明釋

(Hai, nói về chuyện giải thích kinh).


Đoạn này nhằm giới thiệu sự chú giải, “thích” (釋) là giải thích.


(Huyền Nghĩa) Thứ minh thích thử kinh giả, luận tắc hữu Thiên Thân Bồ Tát Vô Lượng Thọ Kinh Luận, giải tắc hữu Từ Ân Thông Tán, Hải Đông Sớ, Cô Sơn Sớ, nãi chí Đại Hựu Lược Giải đẳng.

(玄義)次明釋此經者,論則有天親菩薩無量壽經論,解則有慈恩通贊、海東疏、孤山疏,乃至大佑略解等。

(Huyền Nghĩa: Tiếp theo là nói đến chuyện giải thích kinh này, về luận thì có Vô Lượng Thọ Kinh Luận của Thiên Thân Bồ Tát, về giải thì có Thông Tán của ngài Từ Ân, Hải Đông Sớ, Cô Sơn Sớ, cho đến cuốn Lược Giải của ngài Đại Hựu v.v...)


Những tác phẩm được giới thiệu ở đây đều là các bản chú giải cổ; vì Liên Trì đại sư là người đời Minh, những bản chú giải Ngài được thấy đương nhiên đều là của những vị trước thời Ngài.


(Sớ) Thiên Thân Bồ Tát giả, thường nhập Nhật Quang Định, thăng Đâu Suất thiên cung nội viện, thân cận Từ Thị, tạo Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Bà Đề Xá. Ưu Bà Đề Xá giả, thử vân “phân biệt nghĩa”.

(疏)天親菩薩者,常入日光定,昇兜率天宮內院,親覲慈氏,造無量壽經優婆提舍。優婆提舍者,此云分別義。

(Sớ: Thiên Thân Bồ Tát thường nhập Nhật Quang Định, lên nội viện của cung trời Đâu Suất, thân cận ngài Từ Thị, soạn Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Bà Đề Xá. Ưu Bà Đề Xá được cõi này dịch là “phân biệt nghĩa”).


Ưu Bà Đề Xá (Upadeśa) được người Hoa dịch là “Luận”. Thiên Thân Bồ Tát (Vasubandhu) không chú giải kinh Di Đà, mà là chú giải kinh Vô Lượng Thọ. Kinh Vô Lượng Thọ và kinh này cùng một bộ, có thể nói là một bộ kinh, không phải là hai bộ kinh; kinh Vô Lượng Thọ văn tự nhiều, giảng cặn kẽ hơn một chút. Kinh Di Đà văn tự ít, nói giản lược hơn một tí. Hai bản kinh này chỉ có chi tiết hay giản lược khác biệt, những điều khác hoàn toàn như nhau. Thiên Thân Bồ Tát có chú giải, gọi là Vô Lượng Thọ Kinh Luận, trong Đại Tạng Kinh có bản này. Chữ Giải (解) chỉ chú giải kinh Di Đà. Chú giải kinh Di Đà bản cổ nhất đương nhiên cũng có, nhưng chẳng truyền lại. Vẫn còn được lưu truyền cho tới hiện thời, chúng ta thấy bản cổ nhất là Thông Tán Sớ của pháp sư Khuy Cơ đời Đường.

Trong Phật môn, Thiên Thân Bồ Tát cũng là một vị rất lỗi lạc, Ngài là em trai Vô Trước Bồ Tát (Asanga). Lúc vị Bồ Tát này tại thế, thường lên thiên cung Đâu Suất. Thiên Thân còn gọi là Thế Thân, thân cận Di Lặc Bồ Tát, Từ Thị là Di Lặc Bồ Tát, Ngài có năng lực ấy. Tại Trung Quốc cận đại, chỉ có mình lão hòa thượng Hư Vân thân cận Di Lặc Bồ Tát. Từ Niên Phổ của Ngài, chúng ta thấy: Ngài từng đến cung trời Đâu Suất một lần trong Định; nhưng đương nhiên lão hòa thượng Hư Vân trình độ kém hơn Thiên Thân Bồ Tát. Thiên Thân Bồ Tát tới lui [Đâu Suất nội viện] tùy ý, thường xuyên đến. Tuy Ngài thường xuyên thân cận Di Lặc Bồ Tát, cũng chẳng cầu sanh Di Lặc nội viện, mà vẫn cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ; vì thế, Ngài viết chú giải cho kinh Vô Lượng Thọ. Trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục và Vãng Sanh Truyện đều có truyện ký của Thiên Thân Bồ Tát.


(Sớ) Từ Ân pháp sư giả, húy Khuy Cơ, tánh Uất Trì thị, Kính Đức do tử dã.

(疏) 慈恩法師者,諱窺基,姓尉遲氏,敬德猶子也。

(Sớ: Pháp sư Từ Ân húy là Khuy Cơ, họ Uất Trì, là cháu của Uất Trì Kính Đức).


Từ Ân là tên chùa, tức là Từ Ân Tự; vào thời Đường, Từ Ân Tự ở Trường An. Người đời sau cung kính gọi Ngài là “Từ Ân pháp sư”. Pháp danh của Ngài là Khuy Cơ. “Húy” (諱) cũng là kính xưng, là cấm kỵ, không dám gọi tên trực tiếp. Vì thế, sau này mới dùng chữ “thượng” và “hạ”, tức là [đối với pháp danh của ngài Khuy Cơ sẽ nói là] thượng “Khuy” hạ “Cơ”. Ở ngoài đời, “tánh Uất Trì thị”, tức là Ngài có họ kép là Uất Trì. Uất Trì Kính Đức[1] là đại tướng của Đường Thái Tông, Khai Quốc Uất Trì Công thời Đường Thái Tông chính là ông ta (Uất Trì Kính Đức). “Do tử” (giống như con) là cháu trai. Sư là cháu trai của Uất Trì Kính Đức, không phải là con ruột, mà là con trai của anh em ông Kính Đức. Vị này cũng là vô cùng thông minh. Theo truyện ký cho biết, khi Huyền Trang đại sư sang Ấn Độ, trên đường gặp một lão hòa thượng, đại khái đã hơn một trăm tuổi đang nhập Định, lão hòa thượng này do đọc kinh mà chứng quả. Sau khi Huyền Trang đại sư gặp vị này, cảm thấy hai người rất có duyên phận, bảo Sư hãy mau sang Trung Quốc đầu thai, Ngài nói: “Ta sang phương Tây thỉnh kinh, trong tương lai, sau khi trở về, sẽ đến độ ông”. Đây là Sơ Địa Bồ Tát, Sư bèn đến đầu thai, đầu thai vào nhà Uất Trì Kính Đức làm vương tôn công tử.

/ 289