A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 88
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bổn, trang một trăm năm mươi mốt:
(Sớ) Án bổn truyện, Sư, Trung Thiên Trúc quốc nhân, phụ danh Cưu Ma La Diễm, gia thế tướng quốc, khí vinh xuất du, Quy Tư vương dĩ muội thê chi, sanh Sư. Sư sanh nhi thần linh, thất tuế tùy mẫu nhập tự, kiến thiết bát, thí thủ gia đảnh, nga niệm thử bát thậm trọng, ngã hà năng cử? Tức bất thắng trọng. Toại ngộ vạn pháp duy tâm, bác học cường ký, nhân năng mạc cập.
(疏)按本傳,師,中天竺國人,父名鳩摩羅琰,家世相國,棄榮出遊,龜茲王以妹妻之,生師,師生而神靈,七歲隨母入寺,見鐵缽,試取加頂,俄念此缽甚重,我何能舉?即不勝重。遂悟萬法唯心,博學強記,人能莫及。
(Sớ: Theo truyện ký của Ngài, Sư là người xứ Trung Thiên Trúc, cha tên là Cưu Ma La Diễm (Kumārāyana), vốn thuộc dòng dõi Tướng Quốc, bỏ vinh hoa, đi du hóa khắp nơi. Vua xứ Quy Tư (Kucha) gả em gái cho, sanh ra Sư. Sư sanh ra thông minh, bảy tuổi theo mẹ vào chùa, thấy bát sắt, thử đội lên đầu, chợt nghĩ bát này rất nặng, ta làm sao có thể giở lên được? Liền [cảm thấy] bát nặng khôn xiết, bèn ngộ “vạn pháp duy tâm”, học rộng, nhớ dai, không ai bằng được).
Giới thiệu người phiên dịch bộ kinh này là Cưu Ma La Thập đại sư. Vị đại sư này là Bồ Tát tái lai, trong đời quá khứ từng là vị sư dịch kinh của bảy đức Phật, từng phiên dịch kinh điển của bảy đức Phật. Vì thế, Ngài dịch hay như thế, do có mối quan hệ nhân duyên với đời trước.
“Bổn truyện”: Đây là trích lục từ truyện ký của Ngài. Truyện ký bản gốc rất dài, trong Đại Tạng Kinh và Cao Tăng Truyện đều có truyện ký của Ngài. Chữ “Sư” [trong lời Sớ] chỉ La Thập đại sư. “Trung Thiên Trúc quốc nhân”: Đây là nói về quê hương của Ngài. Thiên Trúc là Ấn Độ, khi ấy Ấn Độ được chia thành năm khu vực: Đông, Nam, Tây, Bắc, và Trung, Ngài là người Trung Ấn Độ. Cha Ngài là Cưu Ma La Diễm (Kumārāyana), là Tướng Quốc, tức Tể Tướng, giống như Hành Chánh Viện Trưởng (Thủ Tướng)[1] trong chế độ hiện thời, địa vị khá cao. Tuy sanh trong gia đình quý tộc, ông từ bỏ phú quý đi xuất gia, [lời Sớ chép là] “khí vinh xuất du”, tức là sang du lịch nước khác. Sau đấy đến Quy Tư (Kuche, Cưu Ty), chữ này đọc [theo âm Quan Thoại] là Qiu Cí[2] thuộc Thiên Sơn nam lộ của vùng Tân Cương, Trung Quốc; khi ấy, [Cưu Ty] là một quốc gia rất nổi danh tại Tây Vực[3]. Quốc vương Cưu Ty coi trọng Cưu Ma La Diễm, bèn gả em gái cho Ngài. Định cư ở nơi đây, sau đó, sanh ra một trai là Cưu Ma La Thập. Đây là tường thuật gia thế của Ngài.
“Sanh nhi thần linh”: Ngài sanh ra cũng rất không tầm thường, đứa bé này vô cùng thông minh, có trí huệ. “Thất tuế tùy mẫu nhập tự” (bảy tuổi theo mẹ vào chùa), thấy bát sắt trong chùa, đội lên đầu chơi, bỗng nhiên nghĩ: Bát này nặng như thế, ta bé như thế, làm sao đội lên đầu được? Ý niệm này vừa nẩy sanh, liền cảm thấy cái bát ấy quá nặng, nhấc lên không nổi! Ngay lúc ấy, Ngài liền ngộ “vạn pháp duy tâm”. Trong tâm không có phân biệt chấp trước, sẽ chẳng có nặng hay nhẹ; có phân biệt, chấp trước, hết thảy hiện tượng sẽ sanh ra. Đúng là cảnh chuyển theo tâm! Vào thời Hán, tại Trung Quốc, Lý Quảng là một vị đại tướng rất giỏi. Có một lần trong khi hành quân, ông ta thấy một khối đá lớn trong đám cây cỏ, khối đá ấy nhìn xa giống như một con cọp, liền bắn một phát tên. Khi bắn, mũi tên cắm sâu vào tảng đá, Lý Quảng vừa nhìn thấy khối đá, liền cảm thấy chính mình ghê gớm lắm: “Các ngươi xem đó, ta rất mạnh! Bắn một phát lút sâu vào đá”. Bắn phát nữa, chẳng thể xuyên vào đá! Đấy cũng là vạn pháp duy tâm! Khi ông ta bắn tên, chẳng nghĩ đó là tảng đá mà tưởng là con cọp, cho nên mũi tên có thể bắn xuyên qua. Niệm thứ hai, biết nó là tảng đá, nên mũi tên chẳng bắn xuyên thấu được. Vạn pháp duy tâm, tâm chuyển vạn pháp. “Bác học cường ký”: Đại sư có trí nhớ rất tốt, những sách đã đọc chẳng quên, “nhân năng mạc cập”: So ra, người bình thường chẳng bằng Ngài.