A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 87
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm bốn mươi sáu, đoạn lớn thứ bảy của phần Huyền Nghĩa.
Thất, bộ loại sai biệt
七、部類差別
(Bảy, bộ loại sai khác).
Trong đoạn này lại chia thành ba tiểu đoạn:
Sơ minh bộ. Nhị minh loại. Tam phi bộ phi loại.
初明部。二明類。三非部非類。
(Thứ nhất là nói về bộ, thứ hai là giảng về loại, thứ ba là [nói về những kinh] chẳng thuộc về bộ hay loại).
Trước hết, chúng ta coi tiểu đoạn thứ nhất.
Sơ, minh bộ.
(Huyền Nghĩa) Dĩ tri thử kinh, Tông Thú xung thâm, vị thẩm đương bộ đẳng loại, vi hữu kỷ chủng. Sơ tiên minh bộ giả, bộ hữu nhị chủng: Nhất vi Đại Bổn, nhị vi thử kinh.
初明部。
(玄義)已知此經,宗趣沖深,未審當部等類,為有幾種。初先明部者,部有二種:一謂大本,二謂此經。
(Trước hết, nói về bộ.
Huyền Nghĩa: Đã biết kinh này có Tông và Thú sâu xa, chưa rõ nếu xét theo bộ loại thì sẽ có mấy loại. Trước hết, nói về bộ, bộ có hai loại: Một là Đại Bổn, hai là kinh này).
Khi nghiên cứu kinh Di Đà, cũng chẳng thể thiếu khuyết đoạn này. Trong một đời giáo học của đức Phật, nói tới pháp môn này, trừ bộ kinh này ra, những kinh hoàn toàn tương đồng với pháp môn này sẽ được gọi là “đồng bộ”. Những kinh điển nào hoàn toàn tương đồng? [Ngoài ra, còn có những kinh] chẳng hoàn toàn tương đồng, nhưng là cùng một loại, [tức là] đều cùng nói tới chuyện vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ. Đồng bộ thì đều dùng phương pháp trì danh. Dùng phương pháp bất đồng là như Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh dùng quán tưởng. Còn có [các kinh khác] dùng trì chú, hay dùng phương pháp khác, nhưng đều là cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ, những kinh ấy gọi là “đồng loại”. Còn có những kinh chẳng phải là đồng loại mà cũng chẳng phải là đồng bộ, [tức là] giảng kèm thêm [Tịnh Độ], những kinh điển ấy càng nhiều. Giảng kèm thêm, khuyên chúng ta niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, đại khái có hơn một trăm loại. Do vậy, biết rằng: Trong bốn mươi chín năm giáo học, Thích Ca Mâu Ni Phật coi trọng pháp môn này, cho nên không ngừng tuyên dương. Chúng ta xem lời chú giải:
(Sớ) Bộ giả, dĩ thị tổng quy nhất bộ, nhi hữu tường lược.
(疏) 部者,以是總歸一部,而有詳略。
(Sớ: “Bộ” là cùng gom chung vào một bộ, nhưng giảng giải chi tiết hay đại lược [khác nhau]).
Cùng thuộc một bộ kinh, nhưng có kinh giảng tỉ mỉ hơn một chút, có kinh giảng đơn giản hơn một chút.
(Sớ) Tường vi Đại Bổn.
(疏) 詳為大本。
(Sớ: Giảng tường tận là Đại Bổn).
Đại Bổn là kinh Vô Lượng Thọ, giảng tỉ mỉ.
(Sớ) Lược vi thử kinh.
(疏) 略為此經。
(Sớ: Giảng đại lược là kinh này).
“Thử kinh” là kinh A Di Đà, tức Tiểu Bổn, văn tự ít, giảng tỉnh lược một chút.
(Sớ) Đại Bổn hữu lục.
(疏) 大本有六。
(Sớ: Đại Bổn có sáu loại).
Tổng cộng có sáu thứ (sáu bản dịch khác nhau).
(Sớ) Nhất danh Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh, Hậu Hán Chi Lâu Ca Sấm dịch.
(疏) 一名無量清淨平等覺經,後漢支婁迦讖譯。
(Sớ: Bản thứ nhất tên là Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh do ngài Chi Lâu Ca Sấm (Lokasema)[1] dịch vào thời Hậu Hán).
Các bản dịch thời cổ gồm mười hai loại, hiện thời chỉ còn giữ được năm loại.
(Sớ) Nhị danh Vô Lượng Thọ Kinh, Tào Ngụy Khang Tăng Khải dịch. Tam danh A Di Đà Kinh, dữ kim kinh đồng danh, Ngô Chi Khiêm dịch.