/ 289
559

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 86


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm bốn mươi bốn:


(Sớ) Tam, Cảnh Hạnh nhất đối giả, dĩ cảnh vi Tông, linh khởi hạnh vi Thú. Cảnh tức thị sở quán chi Lý, đối năng quán chi Trí, cố danh vi Cảnh. Ngôn sùng thượng thử Lý, kỳ ý vân hà? Ký tri Di Đà tự tánh, Tịnh Độ duy tâm, chánh dục tức thử dĩ vi chân cảnh, nhi khởi quán hạnh, chấp trì danh hiệu, nhất tâm bất loạn, thị kỳ Thú dã, bất đồ vi hiểu đạt thử Lý nhi dĩ.

(疏)三、境行一對者,以境為宗,令起行為趣。境即是所觀之理,對能觀之智,故名為境。言崇尚此理,其意云何?既知彌陀自性,淨土唯心。正欲即此以為真境,而起觀行,執持名號,一心不亂,是其趣也,不徒為曉達此理而已。

(Sớ: Cặp thứ ba là “cảnh - hạnh”. Lấy cảnh làm Tông, khiến cho khởi hạnh là Thú. Cảnh chính là cái Lý được quán đối ứng với cái Trí dùng để quán, nên gọi [Lý được quán] là Cảnh. Đề cao Lý này là vì ý gì? Nhằm biết Di Đà là tự tánh, Tịnh Độ duy tâm, nhằm muốn lấy ngay điều này làm cảnh thật để dấy lên quán hạnh, chấp trì danh hiệu, nhất tâm bất loạn. Đây là Thú, chứ không phải chỉ thông hiểu Lý mà thôi!)


Đây là cặp thứ ba trong năm cặp Tông Thú của kinh này. Chữ “Cảnh” nếu chiếu theo lời giải thích trong phần sau thì chính là lấy danh hiệu Di Đà làm cảnh giới. Bốn chữ danh hiệu có bản thể là pháp giới. Nhất định phải hiểu ý nghĩa của danh hiệu bốn chữ này! A Di Đà Phật dịch sang nghĩa tiếng Hán là Vô Lượng Giác, A dịch là Vô, Di Đà là Lượng, Phật là Giác. Bốn chữ này cũng là tự tâm của chúng ta, tông Thiên Thai nói “một niệm trong tự tâm trọn đủ ba ngàn tánh tướng”, nói thật ra, chúng ta thường nói y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới, không gì chẳng giác; do vậy, gọi là Vô Lượng Giác. Vì thế, trong cặp Cảnh Hạnh, “lấy Cảnh làm Tông”, lấy “khởi Hạnh làm Thú”.

“Sở quán chi Lý”“năng quán chi Trí” cũng chính là đức Phật được ta niệm và cái tâm niệm Phật của ta. Cái tâm niệm Phật là Quán Trí, đức Phật được niệm là cảnh giới. Phật pháp và học thuật thế gian khác nhau ở chỗ này, tức là Năng và Sở chẳng hai, Cảnh và Hạnh như một, mầu nhiệm ở chỗ này. “Năng quán chi Trí” là cái tâm linh minh chẳng mê muội của ta. Linh giác là chẳng bị gián đoạn, nhưng nay sự linh giác của ta bị chướng ngại, chẳng thể tỏ lộ tác dụng. Quy nạp những thứ chướng ngại ấy lại thì một là Phiền Não Chướng, hai là Sở Tri Chướng. Đây là hai thứ chướng ngại. Kinh cũng nói đến Tam Chướng, Tam Chướng là Hoặc Chướng, Nghiệp Chướng, và Báo Chướng, nhưng Nhị Chướng bao gồm Tam Chướng. Do vậy, tâm linh minh giác liễu của chúng ta chẳng thể tỏ lộ. Nay đức Phật dạy chúng ta phương pháp này, tức là dùng phương pháp Niệm Phật để khôi phục bổn tánh, nhưng chúng ta chớ nên không liễu giải chân tướng sự thật này: Ngoài tâm không cảnh, ngoài cảnh không tâm; tâm và cảnh là một, chẳng hai. Phải hiểu rõ đạo lý này.

“Ngôn sùng thượng thử Lý, kỳ ý vân hà” (đề cao Lý này là vì ý gì), vì sao phải đề cao cặp Cảnh - Hạnh này? Nhằm nói cho chúng ta biết đại ý: Di Đà là tự tánh Di Đà, Tịnh Độ là duy tâm Tịnh Độ. Vì thế, Cảnh và Trí chẳng hai, ý nghĩa là như vậy đó.

“Chánh dục tức thử dĩ vi chân cảnh, nhi khởi quán hạnh” (Chính là vì muốn lấy điều này làm cảnh thật để khởi quán hạnh), câu này có nghĩa là: Chúng ta phải nên hiểu rõ những chữ ấy chính là “tự tánh duy tâm”“sở quán chi Lý”, những chữ nào vậy? Bốn chữ A Di Đà Phật! Lìa khỏi tâm tánh của chính mình, sẽ chẳng có danh hiệu; lìa khỏi danh hiệu cũng chẳng có tâm tánh. Câu này nên nói như thế nào? Chúng tôi vẫn dùng tỷ dụ để nói: Ví như khi chúng ta nằm mộng, cảnh trong mộng do tâm chúng ta biến hiện. Lìa khỏi tâm chẳng có mộng cảnh; lìa khỏi mộng cảnh chẳng có tâm! Khi nằm mộng, cái tâm này biến thành mộng cảnh. Vì thế tâm và mộng cảnh là một, chẳng hai. Chúng ta dùng tỷ dụ này để lãnh hội [ý nghĩa Cảnh và Hạnh]. Nay chúng ta niệm một câu A Di Đà Phật giống như cảnh giới trong mộng, A Di Đà Phật là cảnh giới do cái tâm niệm Phật của chúng ta biến hiện. Cái tâm niệm Phật là Trí, danh hiệu được niệm là Cảnh. Từ ý nghĩa này, hãy quan sát những đạo lý được giảng trong kinh này, quý vị sẽ lý giải chẳng khó cho lắm!

Vì thế, phải lấy điều này “làm cảnh thật để khởi quán hạnh”. Quán hạnh là “chấp trì danh hiệu, nhất tâm bất loạn, lấy điều này làm Thú”. Mấu chốt tu hành Tịnh Độ nằm trong hai câu này. Một bộ kinh Di Đà cũng là để nói hai câu này. Vì thế, thật sự muốn thành tựu Tịnh nghiệp thì niệm Phật vô cùng quan trọng. Bình thường, ta nghiên cứu những kinh luận đều là để khi chúng ta niệm Phật trong Niệm Phật Đường sẽ chẳng khởi vọng tưởng, chẳng chấp trước, thật sự đạt được “chẳng gián đoạn, chẳng xen tạp, chẳng hoài nghi”, khiến cho chúng ta có thể thành tựu trong một thời gian ngắn. Đối với chuyện này, tôi luôn mong dành thời gian để nói rõ cặn kẽ cùng quý vị: Khi niệm Phật, chúng ta phải nên dùng tâm tư thái độ như thế nào thì mới có thể đạt được hiệu quả thật sự. Đối với chuyện này, nếu dùng sai cái tâm, sẽ rất khó đạt được hiệu quả. Tuy đã hiểu rõ Lý, vẫn phải biết nên dùng tâm thái nào để niệm.

/ 289