/ 289
480

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 85


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm bốn mươi mốt.

Trong phần Dị Giải, những quan điểm được nêu ra trong các bản chú sớ của cổ đức đương nhiên đều rất có lý, đều chẳng mâu thuẫn với chánh kinh.

Hôm nay, đoạn văn chúng ta sắp thảo luận chính là lời quyết đoán của Liên Trì đại sư: Tông Thú thật sự rốt ráo ở chỗ nào.

(Huyền Nghĩa) Thử kinh tông hồ Pháp Tánh, ư Pháp Tánh trung, phục phân tổng biệt, tổng nhi hợp chi, vị thị y chánh thanh tịnh, tín nguyện vãng sanh, dĩ vi Tông Thú.

(玄義)此經宗乎法性,於法性中,復分總別,總而合之,謂是依正清淨,信願往生,以為宗趣。

(Huyền Nghĩa: Kinh này đề cao Pháp Tánh. Trong Pháp Tánh, lại chia thành Tổng và Biệt. Trong phần Tổng [Tông Thú], nói gộp lại [những ý kiến của chư cổ đức] thì lấy “y báo và chánh báo thanh tịnh, tín nguyện vãng sanh” làm Tông Thú).


Ý nghĩa này quả thật đã khái quát rất viên mãn những ý kiến về Tông Thú do cổ đức đề ra. Trước tiên nói “tông hồ Pháp Tánh” (đề cao Pháp Tánh), vì trong Ngũ Giáo, pháp môn Niệm Phật thuộc về Đại Thừa Chung Giáo, cũng là giai đoạn cuối cùng của Đại Thừa, đồng thời còn thuộc về Đốn Giáo, là pháp môn đốn siêu. Nó cũng có chút phần ý nghĩa Viên Giáo, Lý Sự vô ngại, thông với kinh Hoa Nghiêm. Đại Thừa Chung Giáo nói về Pháp Tánh, tuy cũng nói về Pháp Tướng, nhưng những Pháp Tướng được nói tới cuối cùng đều quy vào Pháp Tánh. Kinh này cũng mang ý nghĩa ấy, vì trong kinh này dạy “viên chứng ba thứ Bất Thoái”, hãy đặc biệt chú ý tới chữ Viên vì trong hết thảy các pháp môn không có chữ này! Ba thứ Bất Thoái Chuyển chính là Vị Bất Thoái, Hạnh Bất Thoái, và Niệm Bất Thoái, trong thế gian chúng ta rất khó đạt được, quả thật chẳng dễ dàng! Vị Bất Thoái chắc chắn chẳng đọa trong ba ác đạo; nói cách khác, bảo đảm chẳng lui sụt, đạt được bảo đảm. Điều này không chỉ cần phải có Thiền Định, mà còn cần trí huệ quán chiếu, vì sao? Trong Kiến Tư phiền não, nhất định phải đoạn tất cả tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc trong tam giới.

Nếu chẳng đoạn Kiến Tư phiền não, dẫu công phu định lực tốt đẹp tới đâu đi nữa, có thể sanh vào trời Tứ Thiền, hay có thể sanh vào cõi trời Tứ Không, vẫn là lục đạo phàm phu! Sanh lên trời Tứ Thiền, khi thọ mạng trong cõi trời Tứ Thiền đã hết, vẫn phải đọa lạc! Tứ Không Thiên cũng chẳng ra ngoài lệ ấy, vẫn phải đọa lạc, luân hồi! Phàm là địa vị càng cao, đọa lạc càng nặng. Khi thọ mạng của chư thiên Tứ Thiền, Tứ Không đã hết, nếu chẳng đọa địa ngục, sẽ đọa trong súc sanh đạo; hơn nữa, quá nửa là đọa địa ngục, đúng như câu nói: “Trèo cao, ngã đau”. Tiểu Thừa Sơ Quả công phu định lực chẳng bằng Tứ Thiền Thiên và Tứ Không Thiên, nhưng họ có trí huệ, có huệ giải, có thể đoạn phiền não. Các đồng tu thật sự học Phật nhất định phải chú ý: Phiền não chẳng đoạn, chẳng thể liễu sanh tử! Nếu quý vị chẳng bị phiền não quấy nhiễu, đời này có thể thành Phật; quý vị bị phiền não nhiễu loạn, e rằng đời sau chẳng dễ gì sanh trong hai đường trời người. Vấn đề này hết sức nghiêm trọng, ai cũng chẳng giúp được!

Đoạn trừ tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc là địa vị Kiến Đạo trong Tiểu Thừa. Vị ấy đã thấy đạo, thấy đạo rồi sẽ tu đạo, đó mới là Vị Bất Thoái, chắc chắn chẳng đọa trong ba ác đạo. Vị ấy tu hành chứng quả cũng có kỳ hạn, bảy lần sanh trong cõi trời hay cõi người sẽ đoạn Tư Hoặc; Tư Hoặc đoạn rồi bèn chứng quả A La Hán. Sau khi đã chứng A La Hán, hồi Tiểu hướng Đại, mới có thể đạt đến Hạnh Bất Thoái. Hạnh Bất Thoái chẳng còn lui sụt xuống Nhị Thừa (Thanh Văn, Duyên Giác); nói cách khác, vị ấy quyết định là Đại Thừa Bồ Tát, chẳng bị lùi xuống địa vị Tiểu Thừa. Niệm Bất Thoái là mong thành Phật, niệm niệm đều tinh tấn hướng về Vô Thượng Bồ Đề, chẳng bị thoái chuyển, đó là bậc Sơ Trụ trong Viên Giáo, hay Sơ Địa trong Biệt Giáo. Đó gọi là “niệm niệm lưu nhập biển Tát Bà Nhã”, biển Tát Bà Nhã (Sarvajña) chính là Vô Thượng Bồ Đề, chẳng bị thoái chuyển nữa. Tuy vị ấy đã chứng ba thứ Bất Thoái Chuyển, nhưng chưa viên, “viên” là viên mãn! Viên mãn ba thứ Bất Thoái chính là bậc Đẳng Giác Bồ Tát. Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Văn Thù, Phổ Hiền, Di Lặc Bồ Tát đã viên chứng ba thứ Bất Thoái.

Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, quý vị chẳng vãng sanh thì thôi, hễ vãng sanh, dẫu chỉ là hạ hạ phẩm vãng sanh, đều viên chứng ba thứ Bất Thoái. Quý vị hãy suy nghĩ: Tiện nghi như thế tìm ở đâu ra! Ai nấy đều mong vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, có vãng sanh hay chăng? Nói thật ra, được vãng sanh hay không, chớ hỏi ai khác, hãy hỏi chính mình! Nếu người khác tán thán quý vị: “Quý vị nhất định [vãng sanh] chẳng có vấn đề gì!” Kẻ ấy hoàn toàn chẳng bảo đảm! Đến khi ấy, quý vị có thể vãng sanh hay không vẫn phải dựa vào chính mình. So với chuyện tu học các pháp môn khác, điều này vẫn tốt hơn nhiều lắm, vẫn dễ đạt hơn nhiều. Thế nhưng quý vị vẫn phải tự trừ bỏ chướng ngại, tự buông vọng tưởng xuống! Chướng ngại chẳng thể trừ bỏ, vọng tưởng chẳng thể buông xuống được, thì một câu Phật hiệu chưa niệm đắc lực. Đối với công phu như vậy, trong lúc bình thường, chúng ta phải kiểm nghiệm, kiểm thảo xem câu Phật hiệu của chính mình có niệm đắc lực hay chưa. Đắc lực là gì? Khi ta niệm câu Phật hiệu này, quả thật có niệm trừ được phiền não, vọng tưởng của mình. Khi chẳng niệm Phật, phiền não, vọng tưởng lại dấy lên. Khi niệm Phật, quả thật có thể bỏ được phiền não, vọng tưởng; công phu như thế gọi là “đắc lực”. Nếu niệm tới niệm lui mà vọng tưởng phiền não vẫn dấy lên như cũ thì niệm Phật hiệu chẳng đắc lực! Chính mình phải tự hiểu tình huống này, làm cách nào để giúp cho chính mình có công phu đắc lực mới nắm chắc vãng sanh.

/ 289