/ 289
585

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 84


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm ba mươi tám:


Lục, tông thú chỉ quy.

六、宗趣旨歸

(Sáu, tông thú chỉ quy).


Đoạn lớn này chia làm ba đoạn vừa.


Sơ, tổng trần; nhị, dị giải; tam, chánh ý.

(Huyền Nghĩa) Dĩ tri thử kinh năng thuyên chi Thể, như thị cai la. Vị thẩm sở Tông, đương tại hà giả. Phù ngữ chi sở thượng viết Tông, Tông chi sở quy viết Thú, nhi hữu thông, biệt.

初、總陳。二、異解。三、正意。

(玄義)已知此經能詮之體,如是該羅。未審所宗,當在何者。夫語之所尚曰宗,宗之所歸曰趣。而有通別。

(Thứ nhất là nói chung, hai là giải thích những chỗ khác biệt, ba là trình bày ý chánh.

Huyền Nghĩa: Đã biết cái Thể để nói kinh này bao trùm như thế; chưa biết rõ điều được kinh này đề cao là ở chỗ nào. Điều được văn tự đề cao [trong một bộ kinh] gọi là Tông, chỗ Tông sẽ dẫn đến gọi là Thú, [Tông và Thú đều] có thông và biệt).


Vừa mở đầu, đại sư đã chỉ ra: Đã biết kinh thể của bộ kinh này, [kinh thể] tức là căn cứ lý luận. Thể là nói đến căn cứ lý luận, trong phần trên đã nói Tùy Tướng, Duy Thức, Quy Tánh, Vô Ngại, vì chúng ta phân tích từng tầng một. Chúng ta hiểu kinh thể của kinh này lấy trí huệ và đức năng sẵn có trong Chân Như bổn tánh làm căn cứ. Do vậy, không gì chẳng bao trùm, hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian đều bao quát trọn hết. Hiểu rõ căn cứ lý luận, nên chúng ta có thể tin tưởng. “Vị thẩm sở Tông” (chưa hiểu rõ Tông), “thẩm” là thẩm sát (審察: suy xét cặn kẽ), chưa hiểu Tông Chỉ của bộ kinh này rốt ráo là như thế nào? Tông Chỉ là nói tới tu hành, mà cũng là cương lãnh tu học; vì thế, nó hết sức quan trọng. Căn cứ lý luận nhằm khởi tín tâm, khiến cho chúng ta chẳng hoài nghi, kiến lập tín tâm. Tông Chỉ là phương hướng chỉ đạo chúng ta tu hành; do vậy, đoạn này cũng hết sức trọng yếu. Hai câu tiếp theo đó nhằm giải thích từ ngữ Tông Thú. “Ngữ chi sở thượng viết Tông” (điều được văn tự đề cao thì là Tông), “thượng” là sùng thượng (崇尚: đề cao), “ngữ” (語) là ngôn ngữ; điều được văn tự trong bộ kinh này đề cao thì gọi là Tông. “Tông chi sở quy viết Thú” (điều được Tông dẫn đến thì gọi là Thú), “Thú” có nghĩa là “quy thú” (歸趣: hướng về, dẫn về), đây cũng là mục tiêu cuối cùng của Tông Chỉ, điều đó gọi là Thú. Trong Phật pháp, [nói đến Tông Thú] bèn có Thông và Biệt. Thông là chung cho hết thảy các pháp môn, chung cho hết thảy các kinh luận. Biệt là nói riêng về [Tông và Thú] của bộ kinh này. Đối với Thông và Biệt, chúng ta đều phải nên biết.


(Huyền Nghĩa) Thông luận Phật giáo, nhân duyên vi Tông.

(玄義) 通論佛教,因緣為宗

(Huyền Nghĩa: Luận định chung về Phật giáo thì nhân duyên là Tông).


Đây là nói chung, Phật pháp chẳng lìa khỏi nhân duyên. Trong phần trước, tôi cũng đã từng thưa với quý vị, trong kinh điển có nói: “Chư pháp tùng duyên sanh, chư pháp tùng duyên diệt” (các pháp do duyên sanh, các pháp do duyên diệt). Không riêng gì đức Phật thuyết pháp chẳng tách rời nguyên tắc này, mà hết thảy các pháp thế gian lẫn xuất thế gian đều chẳng ra ngoài định luật này, tức là “duyên sanh, duyên diệt”. Thuở đức Phật tại thế, Ngài thường nói câu này, chúng ta cũng thường thấy câu này trong kinh điển. Kinh Pháp Hoa thuộc giai đoạn thuyết pháp cuối cùng của đức Phật, nói cách khác, căn tánh của chúng sanh đều đã chín muồi, khai Quyền, hiển Thật, hoàn toàn nói pháp chân thật. Trong pháp chân thật, lão nhân gia vẫn chẳng tách rời nguyên tắc này. Ngài đã từng nói: “Phật dĩ nhất đại sự nhân duyên, xuất hiện ư thế” (Do một đại sự nhân duyên mà Phật xuất hiện trong cõi đời), vẫn chẳng rời khỏi nhân duyên. Đây là lời luận định chung: Đức Phật xuất hiện trong thế gian, thuyết pháp cho chúng ta đều lấy “nhân duyên làm Tông”.


(Huyền Nghĩa) Biệt tắc y cổ thập môn, tự ngã pháp câu hữu, chí viên dung cụ đức, hậu hậu, tiền tiền, thứ đệ thâm thiển. Thị cố chư kinh, các hữu tông thú.

(玄義)別則依古十門,自我法俱有,至圓融具德,後後前前,次第深淺,是故諸經,各有宗趣。

(Huyền Nghĩa: Về Biệt thì tuân theo mười môn của cổ nhân, từ “ngã và pháp đều có” cho đến “viên dung đầy đủ các đức”, mỗi môn sau so với môn trước, theo thứ tự, môn sau sâu hơn môn trước. Vì thế, các kinh, mỗi kinh đều có Tông Thú riêng biệt).

/ 289