/ 289
798

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 82


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm ba mươi ba:


(Sớ) Tam, duy ảnh vô bổn, tức Chung Giáo. Dĩ ly chúng sanh tâm, cánh vô hữu Phật, duy đại bi đại trí vi tăng thượng duyên, linh bỉ căn thục chúng sanh, tâm trung hiện Phật thuyết pháp. Thị cố Phật giáo toàn thị chúng sanh tâm trung ảnh tượng.

(疏)三、唯影無本,即終教。以離眾生心,更無有佛,唯大悲大智為增上緣,令彼根熟眾生,心中現佛說法,是故佛教全是眾生心中影像。

(Sớ: Ba là chỉ có Ảnh không có Bổn, chính là Chung Giáo. Bởi lẽ, lìa tâm chúng sanh, sẽ trọn chẳng có Phật. Chỉ có đại bi đại trí làm tăng thượng duyên, khiến cho trong tâm những chúng sanh căn cơ chín muồi hiện ra đức Phật thuyết pháp. Vì thế, Phật giáo hoàn toàn là bóng dáng trong tâm của chúng sanh).


Đây là câu thứ ba trong bốn câu nói về Bổn và Ảnh. Hai đoạn trước là “duy Bổn vô Ảnh” (chỉ có Bổn, không có Ảnh) và “diệc Bổn diệc Ảnh” (vừa có Bổn vừa có Ảnh), [giáo nghĩa] trong đó có mức độ khá sâu. Trong phần trước đã giảng về Tiểu Thừa Giáo và Đại Thừa Thỉ Giáo, tức là mới bắt đầu bước vào Đại Thừa. Đoạn này lại cao hơn đoạn trước một tầng nữa, nói đến Đại Thừa Chung Giáo. Nói “Chung” (終) có nghĩa đây là sự giáo học cao nhất trong pháp Đại Thừa, càng ngày càng chân thật, chỉ có Ảnh không có Bổn. Vì sao nói “chỉ có Ảnh, không có Bổn”? Tiếp đó là lời giải thích: “Ly chúng sanh tâm, cánh vô hữu Phật” (lìa tâm chúng sanh, sẽ trọn chẳng có Phật). Do đây, có thể biết: Phật do đâu mà có? Phật từ tâm chúng sanh biến hiện ra. Trong Tịnh Độ thường nói: “Duy tâm Tịnh Độ, tự tánh Di Đà”. Lìa khỏi tự tánh, đâu có A Di Đà Phật! Phật Di Đà do đâu mà có? Do tự tánh biến hiện ra. Bổn là gì? Bổn là tự tánh. Tây Phương quả thật có thế giới Cực Lạc, quả thật có A Di Đà Phật. Thế giới và Phật đều là vật do chân tánh của chính mình biến hiện. Đây chính là “duy thức” như các nhà Duy Thức thường nói; trong vạn pháp chỉ có thức, thức có thể biến, vạn pháp là cái được biến (sở biến).

“Duy đại bi đại trí vi tăng thượng duyên” (chỉ có đại bi đại trí làm tăng thượng duyên): “Tăng thượng” có nghĩa là giúp đỡ. Đại bi và đại trí đều là những thứ vốn có sẵn trong tự tánh của chúng ta. Vì thế, đức Phật thuyết pháp cho chúng ta, chúng sanh thuyết pháp cho chúng ta. Trong kinh Đại Thừa cũng thường nói: “Chúng sanh có cảm, Phật bèn có ứng”, cảm ứng đạo giao. Chúng ta có cảm, Phật bèn có ứng, Phật có hữu tâm ứng hay chăng? Không! Nếu Phật hữu tâm ứng, thì là “có Bổn” rồi; đấy chính là giáo nghĩa thuộc phần trước. “Có Bổn mà cũng có Ảnh” là nói đến sự dạy học khởi đầu trong Đại Thừa Thỉ Giáo. Nói sâu hơn một tầng thì không có [Bổn]. Phật chắc chắn chẳng có tâm, Phật chẳng khởi tâm, chẳng động niệm. Thường có một tỷ dụ: Giống như chúng ta gõ khánh, quý vị vừa gõ liền vang ra tiếng. Gõ là cảm, tiếng vang là ứng. Vì thế, “đại khấu tắc đại minh, tiểu khấu tắc tiểu minh” (gõ mạnh kêu to, gõ nhẹ kêu bé). Khi chúng ta gõ khánh, cái khánh ấy có động niệm: “Hắn gõ mình, mình có nên ngân lên hay không?” Chẳng thể nào, nó không có tâm, không có phân biệt, chấp trước, vọng tưởng. Chư Phật, Bồ Tát ứng với [sự cảm của] chúng sanh giống như thế, tự nhiên mà ứng. Do đây có thể biết: Chúng ta và chư Phật, Bồ Tát cảm ứng đạo giao hoàn toàn do tự mình chủ động; đây là nói lời chân thật với quý vị!

Hiện thời, yêu ma, quỷ quái trong thế gian rất nhiều, đúng là “pháp nhược, ma cường” (pháp yếu, ma mạnh). Quý vị thấy rất nhiều kẻ bị ma dựa, không chỉ ở trong nước mà ở ngoại quốc cũng như thế, tình hình này hết sức phổ biến. Người ngoại quốc cũng bị ma dựa, vì sao ma xuất hiện? Do đạo lý như thế này: Tâm chúng sanh chỉ nghĩ đến ma, cho nên niệm ma, ma bèn tới, cũng là cảm ứng đạo giao! Quý vị nghĩ đến Phật, Phật bèn tới; nghĩ tới Bồ Tát, Bồ Tát bèn đến; nghĩ tới ma, ma bèn tới. Chuyện là như vậy đó! Sao lại nghĩ đến ma? Hiện thời, người ta thích chuyện kỳ quái, nhất là ham chuộng thần thông. Ai có thể biến hóa thần thông? Ma! Ma có thể biến hiện thần thông. Hễ quý vị nghĩ đến thần thông, ma bèn tới. Vì thế, kẻ ham kỳ chuộng lạ đông đảo, kẻ ưa thích quái dị đông đúc, người thật sự am hiểu chánh pháp chẳng nhiều. Vì thế, quý vị thấy các đạo tràng trên toàn thế giới, đạo tràng nào giảng kinh theo quy củ, thính chúng chẳng đông; nếu đặc biệt giở trò màu mè thì người ta xúm đen xúm đỏ! Đều là ham thích kỳ quái, bị ma dựa!

/ 289