/ 289
592

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 81

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm ba mươi mốt:

 

  Nhị, Duy Thức.

  二、唯識。

  (Hai, Duy Thức).

 

  Đây là đoạn thứ hai, chúng ta thảo luận về Giáo Thể.

 

  (Huyền Nghĩa) Duy thức giả, thử văn, thử nghĩa, giai thức sở biến, nhi hữu bổn ảnh tứ cú.

  (玄義) 唯識者 ,此文此義 ,皆識所變 , 而有本影四

句。

  (Huyền Nghĩa: “Duy Thức”: Văn và nghĩa này đều do thức biến, nhưng có bốn câu “bổn, ảnh”).

 

  “Duy Thức” là gì? Trước hết, chúng ta phải hiểu rõ điều này. Trong tám tông phái của Phật giáo Đại Thừa, có một tông phái gọi là Duy Thức Tông (Yogācāra Vijñānavāda), còn gọi là Pháp Tướng Tông. Trong toàn bộ Phật pháp, Duy Thức chiếm địa vị rất trọng yếu. Mọi người đều biết: Phật pháp nói đến giới luật. Vì thế, đối với giới luật, bất luận học Tiểu Thừa, hay học Đại Thừa, bất luận là tông nào, phái nào, chẳng thể nói là không cần trì giới, chẳng có đạo lý ấy! Hiển Tông hay Mật Tông đều phải trì giới nghiêm ngặt. Giới luật là khoa mục chung của Phật giáo, là khoa mục phải tu. Những khoa mục chung bắt buộc phải tu, ngoài Giới Luật ra, còn có Duy Thức và Tịnh Độ. Ba thứ này là khoa mục chung của người học Phật. Duy Thức là nói đến lý luận; tức là nói đến lý luận trong Phật pháp, vũ trụ và nhân sinh do đâu mà có? Vì sao chúng ta biến thành phàm phu? Sau khi bị biến thành phàm phu, phải dựa theo lý luận nào thì mới có thể tu thành Phật? Những lý luận này đều ở trong Duy Thức. Tịnh Độ niệm Phật cầu sanh Tây Phương, là chỗ quy túc chung của Phật giáo. Nói cách khác, bất luận tông nào, phái nào, dù Hiển hay Mật, không gì chẳng lấy Tây Phương Tịnh Độ làm chỗ quy túc cuối cùng. Vì thế, ba thứ này là khoa mục chung bắt buộc phải tu trong Phật giáo.

  Do điều này, bất luận kinh luận nào, nói đến Giáo Thể thì phải nói đến Duy Thức. Duy Thức đương nhiên là một môn học vấn rất sâu, con người hiện đại gọi môn này là Triết Học Duy Thức. Nói cách khác, nếu học Phật mà chẳng hiểu Duy Thức, sẽ không có cách nào hiểu được đạo lý trong Phật giáo, chẳng thể thâm nhập, tìm hiểu lý luận, sẽ trở thành chướng ngại nghiêm trọng trong tu học. Chỉ riêng pháp môn Niệm Phật, nếu quý vị cảm thấy Duy Thức hết sức rắc rối, rất khó học, quý vị chẳng học môn này cũng được, cứ thật thà niệm Phật là được rồi, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới sẽ học cũng chẳng muộn. Trước hết, giữ lấy Tây Phương; sau đấy học rộng nghe nhiều, trong Phật pháp chỉ có một con đường này! Vì thế, nói pháp môn này “vạn người tu, vạn người về”. Quý vị không đi theo, chẳng có cách nào hết! “Vạn người tu, vạn người về”, nhưng quý vị nhất định phải chịu đi thì mới được. Chẳng chịu đi sẽ chẳng được!

  Ít nhiều gì thì chúng ta cũng phải hiểu đôi chút kiến thức cơ bản thông thường về Duy Thức. Cơ bản nhất là Bách Pháp Minh Môn, đấy là Duy Thức nhập môn, cũng có thể nói là khái luận nhập môn của Duy Thức Tông. Chúng ta có kiến thức thông thường ấy là đủ rồi, là được rồi. Duy (唯) là chỉ có, chúng ta thường nói Thức là phân biệt, liễu biệt; đặc biệt chú trọng chữ Liễu Biệt. Liễu (了) là hiểu rõ, Biệt (別) là phân biệt. Phân biệt rõ ràng rành rẽ thì gọi là Thức (識).

  Theo như Phật pháp nói, thế giới này chỉ có Thức, trừ Thức ra, thứ gì cũng chẳng có, ý nghĩa này rất sâu, người bình thường chúng ta chẳng thể lý giải! Chúng ta thường nói “sâm la vạn tượng trong vũ trụ”, vì sao nói chúng đều không có? Phật pháp thường nói “vạn pháp đều không”, “vạn pháp vô thường”. Chúng ta lãnh hội đôi chút ý nghĩa vạn pháp vô thường, vì sao? Thấy con người có sanh, lão, bệnh, tử, thấy vũ trụ có thành, trụ, hoại, không, giống như vô thường, nên có thể lãnh hội đôi chút ý nghĩa vô thường; nhưng “vạn pháp đều không” chẳng dễ gì lãnh hội được! Nếu thông đạt Duy Thức, người ấy sẽ hiểu rất rõ đạo lý này. Vì hết thảy vạn pháp đều từ “liễu biệt” biến hiện. Nói cách khác, Thức là năng biến, vạn pháp là sở biến. Vạn pháp do đâu mà có? Đều do Thức biến hiện.

  Rốt cuộc Thức là gì? Thức là tác dụng của Chân Như bổn tánh; Thể của nó là Chân Như bổn tánh. Chân Như bổn tánh khởi tác dụng thì gọi là Thức. Bất luận là giác hay mê, thông thường chúng ta hay nói: Tác dụng của chân tánh khi giác ngộ thì gọi là Tứ Trí, khi mê thì gọi là tám thức. Thật ra, bốn trí và tám thức là một, không hai, là cùng một chuyện, chẳng phải hai chuyện, chỉ có mê hay ngộ khác nhau mà thôi. Trong Đàn Kinh, Lục Tổ đại sư đã nói: “Đản chuyển kỳ danh, nhi bất chuyển kỳ Thể”, [nghĩa là] bản thể không thay đổi, chỉ là đổi danh xưng mà thôi! Nếu quý vị khai ngộ, ngộ nhập thì gọi là Tứ Trí; nếu mê hoặc bèn gọi là tám thức, chỉ thay đổi tên gọi mà thôi. Thể, Tướng, Dụng (tác dụng) hoàn toàn như nhau, trọn chẳng có tơ hào thay đổi! Ví như có một người ở chung với chúng ta, khi người ấy đại triệt đại ngộ thì chúng ta bảo người ấy sử dụng tứ trí, chúng ta là những kẻ chẳng ngộ bèn dùng tám thức.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289