/ 289
875

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 80


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm hai mươi chín:


Ngũ, năng thuyên Thể Tánh.

五、能詮體性

(Năm, trình bày Thể Tánh của kinh này).


Đây là môn thứ năm trong mười môn, mà cũng là đoạn lớn thứ năm, thuyết minh Thể Tánh của bộ kinh này. Thể (體) là bản thể của kinh, Tánh (性) là nói đến tánh chất của nó. Phần Huyền Nghĩa trong đoạn này cũng hết sức trọng yếu. Nếu hiểu rõ Thể Tánh của kinh này, chúng ta mới tin tưởng. Dùng danh từ, thuật ngữ hiện thời để nói, [luận định] Thể Tánh chính là [nói rõ] đức Phật đã dựa trên đạo lý nào để giảng bộ kinh này, cũng như [bàn định] Ngài đã dựa trên căn cứ lý luận nào. Quý vị nói với chúng tôi nhiều như thế, quả thật có căn cứ lý luận, đương nhiên chúng tôi sẽ tin tưởng. Thể Tánh là nói về đạo lý và lý luận dùng làm căn cứ cho bộ kinh này. Vì thế, điều này khá quan trọng, đủ để khơi gợi, dấy lên tín tâm cho chúng ta, chẳng đến nỗi hoài nghi pháp môn này. Phần giải thích [Thể Tánh] được chia thành bốn đoạn: Một là Tùy Tướng (luận về sự phụ thuộc giữa văn tự và nghĩa lý), hai là Duy Thức, ba là Quy Tánh, bốn là Vô Ngại. Đoạn văn này có mức độ khá sâu vì dính dáng đến căn cứ lý luận. Do vậy, đây là đoạn khó hiểu nhất trong phần Huyền Nghĩa.


Sơ, Tùy Tướng.

(Huyền Nghĩa) Dĩ tri thử kinh bị cơ phổ biến, vị tri năng thuyên, hà vi Thể Tánh.

初、隨相

(玄義) 已知此經被機普遍,未知能詮,何為體性。

(Thứ nhất, Tùy Tướng.

Huyền Nghĩa: Đã biết kinh này thích hợp trọn khắp các căn cơ, nhưng chưa biết kinh này dùng Thể Tánh nào để nói).


Trước tiên, nêu vấn đề bằng phương thức vấn đáp, nêu ra vấn đề này đầu tiên. Đoạn trước nói về đối tượng thích ứng, được tiếp dẫn bởi kinh này, chúng ta biết người căn tánh thượng, trung, hạ, kinh đã giảng hết sức hay: Chỉ cần có thể tin, có thể nguyện, có thể hành, sẽ đều là đối tượng được tiếp dẫn bởi pháp môn này. Nói cách khác, quý vị chẳng tin, chẳng chịu phát nguyện, chẳng chịu niệm Phật, sẽ không có cách nào hết, chẳng phải là đối tượng tiếp dẫn của pháp môn này. Nói điều này với chúng ta hết sức rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu. Trong các đối tượng được tiếp dẫn, bậc thượng thượng căn như Văn Thù Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát đều là đối tượng được tiếp dẫn. Kẻ hạ hạ căn, thậm chí không biết chữ, chưa từng đi học, chẳng hiểu biết gì, nghe pháp môn này rồi bèn chết sạch lòng mong ngóng, khăng khăng niệm Phật cũng có thể thành công. Thậm chí, còn có súc sanh niệm Phật vãng sanh. Trong lịch sử Trung Quốc, qua các đời đã ghi chép chẳng ít [những chuyện như vậy]; tôi tin là những chuyện không được ai ghi chép còn nhiều hơn nữa. Vì thế, pháp môn này quả thật rộng lớn, phổ biến, “bị cơ phổ biến” (thích hợp trọn khắp căn cơ), “bị” (被) có nghĩa là gia bị, hết sức phổ biến.

Tiến thêm bước nữa, chúng ta muốn hiểu, “vị tri năng thuyên” (chưa biết kinh này thuật nói), “thuyên” (詮) là nói, thuật, những văn tự, ngôn ngữ được nói trong kinh này “hà vi Thể Tánh” (Thể Tánh như thế nào), Thể là Lý, tức là đạo lý của bản kinh, căn cứ đạo lý của bộ kinh này là gì? Thể và Tánh đều nói về Lý, dưới đây là câu trả lời.


(Huyền Nghĩa) Y cổ triển chuyển thập môn thôi bổn, ước chi thành tứ.

(玄義) 依古展轉十門推本,約之成四。

(Huyền Nghĩa: Nếu theo lối cổ thì lần lượt dùng mười môn để suy xét đến tận gốc, nếu nói tóm tắt thì gồm bốn điều).


“Ước” (約) là quy nạp, quy nạp thành bốn môn. Trong Thể, nói đến Tùy Tướng, Duy Thức, Quy Tánh và Vô Ngại, quy nạp thành bốn môn ấy. Ở đây, trước hết phải giải thích “thập môn thôi bổn” là gì? Cổ đức giảng về giáo thể, tức là [biện định] những bộ kinh do Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trong bốn mươi chín năm là từ chỗ nào mà nói ra? Căn cứ trên đạo lý nào để nói? [Những đạo lý ấy được gọi chung là giáo thể]. Cổ đại đức gom những đạo lý ấy thành mười điều, từ mười điều ấy truy ngược lên dần dần để tìm được điều căn bản. Điều thứ nhất là “âm thanh, ngữ ngôn”. Thuở Thích Ca Mâu Ni Phật tại thế, Ngài dùng âm thanh làm Phật sự. Do vậy, âm thanh là giáo thể. Sau khi đức Phật diệt độ, các đệ tử đem những lời thầy đã giảng trong quá khứ ghi chép lại, viết thành văn tự. Điều thứ hai là “danh cú văn thân”: [Danh (名) là] danh từ, thuật ngữ. Một ý nghĩa hoàn chỉnh thì gọi là một Cú (句: Câu). Văn (文) là văn tự. [Cú và Văn] đều gọi là Thân (身)[1]. Điều thứ ba là “thông thủ tứ pháp” (gom chung bốn pháp Danh, Cú, Văn, Thân để nói lên Thể). Điều thứ tư là “chư pháp hiển nghĩa” (dùng các pháp ấy để hiển thị nghĩa lý); đây là nói về Lý. Văn tự là “năng thuyên” (chủ thể đóng vai trò diễn nói), nó có thể trình bày, giảng nói. Trong [những điều được diễn nói] ấy, nhất định có nội dung, cổ nhân nói “văn dĩ tải đạo” (dùng văn để chở đạo), trong ấy có lý luận, có đạo lý. Chúng ta hãy từ ngôn ngữ, văn tự mà ngộ đạo lý, chớ nên chết cứng trong ngôn ngữ, văn tự. Ngôn ngữ, văn tự là công cụ, có mục đích nhằm khiến cho chúng ta ngộ được cái Lý trong ấy; có như vậy thì mới thật sự thụ dụng.

/ 289